Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm việc với tỉnh Điện Biên
Sáng 12.9, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đã làm việc với tỉnh Điện Biên về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh 8 tháng đầu năm 2024; tình hình thiên tai, công tác khắc phục hậu quả hoàn lưu cơn bão số 2 và cơn bão số 3.
Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường; Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên Mùa A Vảng; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Kinh tế, Xã hội; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn.
Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô cho biết, tăng trưởng kinh tế tỉnh tiếp dục duy trì mức khá; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 678,728 tỷ đồng, đạt 37,19% dự toán; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 8 tháng đầu năm 2024 ước đạt 10.993.834 tỷ đồng, tăng 0,16% so với cùng kỳ năm trước.
Các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, tạo sinh kế cho người dân; các chương trình thăm hỏi, tặng quà cho gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo… được thực hiện có hiệu quả. Tình hình quốc phòng được giữ vững ổn định, chủ quyền biên giới quốc gia được bảo vệ vững chắc; tình hình an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được bảo đảm
Trước ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2, tỉnh Điện Biên đã kịp thời triển khai nhiều phương án, công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả. Khi xảy ra thiên tai, Ban Chỉ huy các địa phương kịp thời đến hiện trường để kiểm tra, đánh giá thiệt hại, chủ động thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”; hỗ trợ các hộ gia đình bị thiệt hại theo quy định; giúp người dân sớm ổn định lại cuộc sống.
Đồng thời, tập trung chỉ đạo quyết liệt các lực lượng hiện có và xuống hiện trường tập trung tìm kiếm người mất tích; đảm bảo an ninh trật tự; thăm hỏi, giúp đỡ, hỗ trợ hộ gia đình có người bị chết, bị thương; giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả sau thiên tai…
Đối với cơn bão số 3, tỉnh Điện Biên đã tích cực chỉ đạo, chuẩn bị nhân lực, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ địa phương ứng phó với hoàn lưu sau bão gây mưa lớn, lũ.
Chủ động di dời các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ cao rủi ro thiên tai tại các huyện, thị xã, thành phố đến nơi an toàn; tăng cương công tác kiểm tra hồ đập thủy lợi, thủy điện.
Tiến hành rà soát hệ thống thông tin liên lạc, các mốc cảnh báo ngập lụt; phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp ứng phó với mưa, lũ và xử lý tình huống ảnh hưởng đến an toàn dân cư ở hạ du khi vận hàn…
Trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật hoàn thiện phương án phòng, chống thiên tai trên địa bàn phù hợp với diễn biến thiên tai và điều kiện cụ thể của địa phương.
Tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” bảo đảm kịp thời, hiệu quả để giảm thiệt hại cho người dân.
Tổ chức kiểm tra, rà soát kỹ, xác định khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét để có phương án chủ động sơ tán, di dời ngay người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm…
Tỉnh Điện Biên kiến nghị, xem xét bố trí ngân sách dự phòng Trung ương hỗ trợ để khắc phục hậu quả thiên tai.
Đồng thời, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục xem xét, ưu tiên sớm ban hành những chính sách ưu đãi phù hợp nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư vào các ngành có tiềm năng, lợi thế của vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Tiếp tục quan tâm, ban hành các chính sách ưu đãi, đặc thù, ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các khu cửa khẩu, cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động logistics nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế cửa khẩu cho địa phương.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương trân trọng gửi lời chia sẻ, động viên, thăm hỏi của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tới toàn thể nhân dân tỉnh Điện Biên đã phải gánh chịu hậu quả, thiệt hại nặng nề do cơn bão số 2 (tháng 7.2024) gây ra. Phó Chủ tịch Quốc hội đặc biệt gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân các chiến sĩ, các gia đình có người thân thiệt mạng, bị thương, mất tích, mất mát về nhà cửa, tài sản do bão lũ gây ra vừa qua.
Ghi nhận những kết quả, thành tựu nổi bật đạt được của tỉnh Điện Biên trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh 8 tháng đầu năm 2024, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là kết quả của sự nỗ lực, đoàn kết, cố gắng phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân Điện Biên.
Qua khảo sát thực tế tình hình khắc phục hậu quả bão lũ trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Điện biên cùng với các nhà hảo tâm, sự chung tay của người dân với tinh thần “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” đã giúp đỡ người dân bị thiệt hại do 2 cơn bão lũ gây ra, mong đồng bào vượt qua những mất mát, khó khăn ban đầu, sớm ổn định đời sống.
Trước dự báo bão lũ còn nhiều diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Điện Biên không được chủ quan, bởi nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét là hiện hữu đối với địa phương trong những ngày mưa bão.
"Mục tiêu quan trọng nhất của Điện Biên là sớm ổn định tình hình, khắc phục tình trạng chia cắt giao thông cục bộ, đặc biệt các khu vực vùng sâu, vùng xa, các xã biên giới; đưa mọi hoạt động trở lại bình thường. Bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm, thuốc men; công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân; sửa chữa lại nhà cửa bị hư hại, dọn vệ sinh môi trường, bảo đảm các điều kiện an toàn để đón học sinh trở lại trường học, người dân và doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất…"
Nhấn mạnh như vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Điện Biên cần đề cao tính dự báo tình hình mưa lũ, triển khai tốt phương châm “4 tại chỗ” bảo đảm kịp thời, hiệu quả…
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, tuần tra trên các tuyến đường để kịp thời phát hiện, báo cáo thiệt hại; các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ, đồng hành với lãnh đạo tỉnh Điện Biên, lãnh đạo huyện Điện Biên quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ bảo đảm ổn định đời sống cho người dân, nhất là các đối tượng yếu thế, hộ nghèo, hộ khó khăn bị mất người thân, nhà cửa do thiên tai.
Tiếp tục duy trì công tác truyền thông, cập nhật tình hình nhanh đến nhân dân để chủ động ứng phó với mưa lũ, kịp thời sơ tán, bố trí chỗ ăn ở an toàn, bảo đảm cung cấp lương thực cho người dân… Phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, huy động sự chung tay của toàn xã hội, tổ chức cuộc vận động quyên góp hỗ trợ người dân, cơ sở sản xuất - kinh doanh bị ảnh hưởng của mưa bão.