Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương chủ trì Phiên họp Ban Tổ chức Diễn đàn của Quốc hội về hoạt động giám sát
Sáng 2/7, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn của Quốc hội về hoạt động giám sát, đã chủ trì Phiên họp Ban Tổ chức Diễn đàn của Quốc hội về hoạt động giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương - Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn của Quốc hội về hoạt động giám sát, phát biểu tại phiên họp
Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng - Phó Trưởng Ban Tổ chức; Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga -Phó Trưởng Ban Tổ chức cùng các Ủy viên Ban Tổ chức; đại diện Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính; lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, một số vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.
Tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga - Phó Trưởng Ban Tổ chức, đã trình bày Báo cáo về công tác chuẩn bị tổ chức Diễn đàn của Quốc hội về hoạt động giám sát. Trong đó, nêu rõ những công việc đã triển khai, những công việc sẽ được triển khai trong thời gian tới và một số nội dung cần xin ý kiến chỉ đạo.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình; Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga tham dự Phiên họp
Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Diễn đàn của Quốc hội về hoạt động giám sát với chủ đề “Giám sát của Quốc hội để kiến tạo phát triển”.
Việc tổ chức Diễn đàn nhằm triển khai tinh thần, định hướng đổi mới hoạt động giám sát theo Nghị quyết của Trung ương và Đề án, Kết luận cua Đảng đoàn Quốc hội (nay là Đảng ủy Quốc hội) về đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng - Phó Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn của Quốc hội về hoạt động giám sát, phát biểu tại phiên họp.
Đồng thời, đánh giá toàn diện về hoạt động giám sát của Quốc hội trong thời gian qua, đặc biệt là những cải tiến, đổi mới; những vấn đề đặt ra trong thực tiễn triển khai hoạt động giám sát. Từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội để đồng hành cùng Chính phủ kiến tạo và phát triển đất nước. Nhất là, trong bối cảnh thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; tập trung thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương trong cải cách, đổi mới, tạo động lực mạnh mẽ để đất nước phát triển.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga - Phó Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn phát biểu tại phiên họp
Bên cạnh đó, Diễn đàn nhằm cung cấp các luận cứ khoa học, thực tiễn phục vụ việc sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Thông qua việc tổ chức Diễn đàn nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về chức năng, nhiệm vụ hoạt động giám sát của Quốc hội; tầm quan trọng của hoạt động giám sát trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; thúc đẩy sự quan tâm, đồng thuận đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Đoàn Thị Thanh Mai phát biểu tại phiên họp
Tại cuộc họp, các đại biểu đánh giá cao việc tổ chức Diễn đàn của Quốc hội về hoạt động giám sát tối cao; tập trung thảo luận về công tác chuẩn bị tổ chức, công tác tuyên truyền trước, trong và sau Diễn đàn…
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đánh giá cao các công tác chuẩn bị tổ chức Diễn đàn của Quốc hội về hoạt động giám sát.
Để làm nổi bật hoạt động của Diễn đàn, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần bám sát các chủ trương, nghị quyết của Trung ương về "bộ tứ chiến lược”, gồm Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW về "hội nhập quốc tế trong tình hình mới"; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.

Các đại biểu tham dự Phiên họp
Trong đó, với việc đặt mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên năm 2025 và tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026 - 2030 thì nhiệm vụ trong giám sát để mở đường cho sự phát triển thì cần tháo gỡ gì, mở đường ở nội dung nào, giám sát ra sao để tạo lập được mô hình phát triển và tăng trưởng mới? Yêu cầu giám sát của Quốc hội như thế nào? Phương thức và hình thức giám sát cần kiến nghị nội dung gì?
Đối với Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, làm sao phải gắn kết được đột phá này với công tác giám sát của Quốc hội.

Các đại biểu tham dự Phiên họp
Bên cạnh đó, cần tập trung vào giám sát cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền triệt để với tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" cũng đang đặt ra đặt ra yêu cầu với giám sát của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cần tập trung vào những quan điểm mới của Trung ương về đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội. Trong đó phạm vi, đối tượng giám sát tối cao là thường xuyên, chủ yếu và đột xuất; đổi mới hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật; đổi mới hoạt động giám sát chuyên đề để “không cưỡi ngựa xem hoa", "không gây phiền hà cho cấp dưới”, tăng cường chất vấn và trả lời chất vấn; tăng cường chất lượng các phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Quang cảnh Phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Kinh tế và Tài chính, Ủy ban Dân nguyện và Giám sát chủ trì rà soát các nội dung nhằm đáp ứng các yêu cầu của Diễn đàn.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho ý kiến cụ thể về thời gian tổ chức, thời gian tham luận, công tác tuyên truyền, phục vụ… và các điều kiện để tổ chức thành công Diễn đàn quan trọng này.