Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì họp giao ban với Thường trực các cơ quan của Quốc hội

Chiều 3/7, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì họp giao ban với các cơ quan của Quốc hội sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm, xác định nhiệm vụ trọng tâm tháng 7 và các tháng cuối năm 2025.

Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì họp giao ban với Thường trực các cơ quan của Quốc hội. Ảnh: Phạm Thắng

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì họp giao ban với Thường trực các cơ quan của Quốc hội. Ảnh: Phạm Thắng

Báo cáo tại cuộc họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ, đồng hành với Chính phủ, các cơ quan liên quan triển khai sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, sửa đổi các luật, nghị quyết về tổ chức sắp xếp lại chính quyền địa phương theo mô hình chính quyền hai cấp; sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định để tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về thể chế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì họp giao ban với Thường trực các cơ quan của Quốc hội. Ảnh: Phạm Thắng

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì họp giao ban với Thường trực các cơ quan của Quốc hội. Ảnh: Phạm Thắng

Mặc dù có những thời điểm thực sự khó khăn, áp lực, song vì lợi ích chung của đất nước, của cử tri và Nhân dân, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, toàn thể cán bộ, đảng viên, đại biểu Quốc hội chuyên trách, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Quốc hội (các cơ quan - PV) đã triển khai toàn diện và hoàn thành khối lượng công việc rất lớn với yêu cầu rất cao về chất lượng, tiến độ; kịp thời giải quyết nhiều vấn đề đột xuất, quan trọng, phức tạp, cấp bách phát sinh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Qua đó, đã góp phần quan trọng vào thành công chung của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì họp giao ban với Thường trực các cơ quan của Quốc hội. Ảnh: Phạm Thắng

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì họp giao ban với Thường trực các cơ quan của Quốc hội. Ảnh: Phạm Thắng

Nổi bật là, các cơ quan đã tham mưu tổ chức thành công 2 kỳ họp của Quốc hội, 16 Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 3 Hội nghị của Ban Chấp hành Đảng bộ Quốc hội, 5 hội nghị của Ban Thường vụ Đảng ủy, 2 hội nghị liên tịch giữa Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội với Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ; 3 Phiên họp của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; 1 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và nhiều hội nghị, cuộc họp quan trọng khác….

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Phạm Thắng

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Phạm Thắng

Đặc biệt là tham mưu, phục vụ tổ chức thành công Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV - kỳ họp ghi dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử lập hiến, lập pháp của Quốc hội, với tinh thần cải cách thể chế toàn diện, sắp xếp bộ máy mạnh mẽ và những quyết sách chiến lược mở đường cho giai đoạn phát triển mới của đất nước. Trong đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp với tỷ lệ đồng thuận tuyệt đối của các đại biểu Quốc hội cùng nhiều luật, nghị quyết đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7/2025.

Các ý kiến tại cuộc họp đánh giá cao việc trong 6 tháng qua, các cơ quan đã tham mưu, phục vụ Quốc hội hoàn thành khối lượng nhiệm vụ lập pháp lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với việc xem xét, thông qua 38 luật và 52 nghị quyết, trong đó có 16 nghị quyết quy phạm pháp luật, cho ý kiến về 6 dự án luật khác.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Phạm Thắng

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Phạm Thắng

Chỉ trong 2 kỳ họp, Quốc hội đã thông qua số lượng luật chiếm tới 63,3% tổng số luật được ban hành tại 16 kỳ họp trước của nhiệm kỳ khóa XV. Đây không chỉ là số lượng các luật, nghị quyết được thông qua mang tính đột phá, đồng bộ mà còn có tỷ lệ đồng thuận rất cao, thể hiện sự thống nhất trong tư duy lập pháp hướng đến đổi mới thể chế, thúc đẩy phát triển.

Các đại biểu dự cuộc họp. Ảnh: Phạm Thắng

Các đại biểu dự cuộc họp. Ảnh: Phạm Thắng

Để thể chế hóa các nội dung quan trọng trong Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, lần đầu tiên, Quốc hội đã thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành một đạo luật riêng về lĩnh vực công nghiệp công nghệ số; Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, cùng với đó là Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đây là những căn cứ pháp lý nền tảng cho mô hình tăng trưởng mới dựa trên tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo; góp phần tạo sự thay đổi mang tính đột phá trong công tác xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, tạo “cú hích, đòn bẩy, điểm tựa” tạo động lực mới, giải phóng nguồn lực, sức sản xuất của kinh tế tư nhân…

Các đại biểu dự cuộc họp. Ảnh: Phạm Thắng

Các đại biểu dự cuộc họp. Ảnh: Phạm Thắng

Các cơ quan cũng đã tham mưu Quốc hội xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, có ý nghĩa chiến lược như: thông qua Nghị quyết số 202/2025/QH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, có hiệu lực thi hành từ ngày được thông qua (12/6/2025) để bảo đảm căn cứ pháp lý cho chính quyền địa phương ở các tỉnh, thành phố hình thành sau sắp xếp chính thức hoạt động từ ngày 1/7/2025; ban hành nhiều chính sách an sinh xã hội bền vững trong trung và dài hạn, mang lại lợi ích thiết thực phục vụ Nhân dân như: phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; việc hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở học ở các xã biên giới đất liền, phát triển nhà ở xã hội...

Các đại biểu dự cuộc họp. Ảnh: Phạm Thắng

Các đại biểu dự cuộc họp. Ảnh: Phạm Thắng

Các cơ quan cũng đã tham mưu, phục vụ Quốc hội xem xét, quyết định nhiều nội dung có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, như: thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam; kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; giảm thuế giá trị gia tăng; chủ trương đầu tư các dự án giao thông chiến lược (đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu); thí điểm cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố Hải Phòng…

Phạm Thúy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chu-tich-quoc-hoi-tran-thanh-man-chu-tri-hop-giao-ban-voi-thuong-truc-cac-co-quan-cua-quoc-hoi-10378569.html
Zalo