Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh: Khoa học, công nghệ phải khai phóng, gợi mở và sáng tạo

Chiều 6/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Tham gia thảo luận tại Tổ 12 (Đoàn đại biểu Quốc hội: Đà Nẵng - Ninh Bình - Hưng Yên - Gia Lai) về Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, cần có cơ chế đột phá, đặc cách, đặc biệt, đặc thù trong thực hiện nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ.

Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ 12

Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ 12

Dẫn chứng từ sự đột phá của Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề xuất Dự thảo luật nên mạnh dạn quy định cơ chế đặt hàng và chia tỷ lệ phần trăm trong phát triển khoa học, công nghệ, như vậy sẽ thoát khỏi tư tưởng sợ rủi ro, sợ trách nhiệm như từ trước đến nay vẫn thường giao cho các tổ chức khoa học của Nhà nước.

“Khi sản phẩm được định giá và Nhà nước trả bằng tiền. Rõ ràng cơ chế đặt hàng cho các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn sẽ đỡ rủi ro cho Nhà nước và phát huy được vai trò quyết định của kinh tế tư nhân”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nói.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh

Liên quan đến quy định về các tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập đặc biệt bao gồm tổ chức do cơ quan có thẩm quyền thành lập trên cơ sở văn bản hợp tác với các tổ chức quốc tế, các quốc gia để thực hiện chức năng nghiên cứu và phát triển và hỗ trợ nâng cao năng lực khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên đầu tư, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tán thành sự cần thiết quy định này của dự thảo luật. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, để có được một sản phẩm khoa học công nghệ cần rất nhiều yếu tố như: tổ chức khoa học, nhân lực khoa học, cơ chế khoa học, hạ tầng khoa học và tài chính khoa học. Nhưng điều tiên quyết là phải có tổ chức khoa học, nơi quy tụ những nhà khoa học có các nghiên cứu, sáng chế có giá trị toàn cầu hoặc giá trị trong nước. Song, cần có cơ chế đặc thù về tài chính, tổ chức bộ máy, biên chế và nhân sự đối với tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập đặc biệt, đảm bảo tinh thần khai phóng của Dự thảo luật này.

“Đã là đột phá khoa học công nghệ thì trong luật cũng phải có tính đột phá, tiên phong mang tính khai phóng, gợi mở và sáng tạo. Chứ nếu khoa học công nghệ mà bình bình, không đột phá thì không phù hợp với tên của luật này”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Về kỹ thuật lập pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, có 38/83 điều của Dự thảo Luật có quy định “Chính phủ quy định chi tiết điều này”. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Soạn thảo rà soát, xem xét chỉ quy định như vậy đối với những vấn đề Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết, đảm bảo đổi mới tư duy xây dựng pháp luật.

Cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, một trong những nội dung căn bản, quan trọng của việc sửa đổi lần này là phân nhóm hàng hóa, tránh lẫn lộn giữa sản phẩm, hàng hóa nhóm 1 (Sản phẩm, hàng hóa không có khả năng gây mất an toàn) và sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 (Sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn).

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh

Nhắc lại vụ sữa giả gây rúng động dư luận vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, từ đây bộc lộ nhiều lỗ hổng lớn trong công tác quản lý.

“Bộ Công thương nói chỉ quản lý loại sữa bình thường còn Bộ Y tế quản lý những loại sữa có vi chất đặc biệt, đặc thù. Nhưng Cục An toàn thực phẩm lại nói việc này đã phân cấp cho địa phương, địa phương thì lại kêu không đủ năng lực, nhân sự đi kiểm nghiệm những loại có vi chất như thế. Loanh quanh cuối cùng đổ vào người tiêu dùng. Chỉ người sử dụng sữa là có địa chỉ còn các trách nhiệm kia chả vào ai cả”, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Từ đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát, nghiên cứu thấu đáo, xây dựng bộ tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Trong đó, có quy chuẩn kỹ thuật khoa học tiên tiến, đề cao trách nhiệm những chủ thể trực tiếp liên quan đến chất lượng sản phẩm. Các quy định tiệm cận với xu hướng quốc tế nhưng không áp dụng tiêu chuẩn quốc tế một cách máy móc để điều chỉnh và sửa đổi những bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, công bố hợp quy đối với sản phẩm. Bởi theo Phó Chủ tịch Quốc hội, văn hóa pháp lý, kỷ cương pháp luật mỗi nước khác nhau. Bắt kịp xu hướng nhưng phải đảm bảo thực tiễn của Việt Nam.

Diệu Linh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=93939
Zalo