Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định: Tiếp tục rà soát, bảo đảm tinh thần Luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội
Phát biểu tại phiên thảo luận tại Tổ 10 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang) sáng nay, 9.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, những đặc điểm mang tính đặc thù của nhà giáo cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ riêng, song, ưu đãi, chính sách riêng cũng phải đặt trong tổng thể chung, bảo đảm sự cân đối, hài hòa. Vì vậy, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện quy định về đối tượng áp dụng, chính sách tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo, bảo đảm phù hợp, thống nhất với hệ thống pháp luật.
Chính sách ưu đãi phải đặt trong tổng thể chung, bảo đảm cân đối, hài hòa
Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 10, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh đến tầm quan trọng, sự cần thiết của việc xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi) và dự án Luật Nhà giáo. Đây là hai dự luật đều trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kỹ lưỡng nhiều lần.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, với tinh thần “luật chỉ quy định những nội dung đúng thẩm quyền Quốc hội”, Chính phủ đã tiếp thu cơ bản ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, các dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám này đã rút bớt số lượng các điều, khoản so với bản dự thảo trình tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục rà soát để bảo đảm dự thảo Luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, không luật hóa các vấn đề thuộc nghị định và thông tư.
Cụ thể, đối với dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cần tiếp tục làm sâu ở mức Quốc hội quyết định các nội dung như: chính sách chuyển đổi việc làm đối với lao động nông thôn; chính sách việc làm công; chính sách việc làm của thanh niên bao gồm cả thành phố và nông thôn; chính sách hỗ trợ việc làm đối với người cao tuổi; mở rộng hành lang pháp lý đối với các tổ chức dịch vụ việc làm; tư vấn viên dịch vụ việc làm,...
Đối với dự thảo Luật Nhà giáo, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là dự luật mới, được dư luận xã hội rất quan tâm và mong muốn ban hành. Tán thành sự cần thiết, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nhà giáo có những đặc thù riêng khác về quyền lợi, nghĩa vụ với viên chức nói chung. Do đó, việc xây dựng và ban hành một luật riêng sẽ kịp thời bổ sung các chính sách mới, đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.
Nhấn mạnh những đặc điểm mang tính đặc thù của nhà giáo cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ riêng, song, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, ưu đãi, chính sách riêng cũng phải đặt trong tổng thể chung, bảo đảm sự cân đối, hài hòa. Vì vậy, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện quy định về đối tượng áp dụng, chính sách tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo để bảo đảm phù hợp và thống nhất với hệ thống pháp luật.
Quy định cụ thể thời hạn giữ, trả tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp
Quan tâm đến tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo tại Điều 27, dự thảo Luật Nhà giáo, ĐBQH Nguyễn Thị Uyên Trang (Tiền Giang) nêu rõ, tại điểm d khoản 1 quy định “Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng một bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”. Đây là chính sách có tính chất động viên, khuyến khích đội ngũ nhà giáo.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đại biểu nhận thấy, cần đánh giá kỹ lưỡng để việc thực hiện chính sách này bảo đảm phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương hiện nay. Đồng thời, nên có một quy định về giới hạn đối tượng được thụ hưởng chính sách này.
Về chính sách hỗ trợ nhà giáo tại Điều 28, dự thảo Luật quy định “ngoài chính sách chung quy định tại khoản 1 điều này, nhà giáo công tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt, nhà giáo dạy giáo dục hòa nhập...”.
Chia sẻ băn khoăn với quy định này, đại biểu nêu vấn đề: Nhà giáo dạy học sinh chuyên biệt thì có được hưởng chính sách hỗ trợ hay không, bởi phần lớn tại các địa phương thường không có trường chuyên biệt mà sẽ có một vài trường hợp học sinh chuyên biệt học chung với các học sinh bình thường.
Đối với tiêu chuẩn đặc cách đối với cán bộ khoa học trẻ để vào tuyển dụng, đại biểu nêu rõ, cần quy định theo hướng “đã thực hiện và công bố ít nhất một công trình nghiên cứu có giá trị; công trình này phải được Hội đồng khoa học hoặc cơ quan quản lý công nhận”.
Với dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), tại khoản 5 Điều 58 đã bổ sung một điểm mới so với Luật hiện hành.
Đó là: “2. Trường hợp, người sử dụng lao động không còn khả năng đóng số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động khi chấm dứt quan hệ lao động thì người lao động được lựa chọn nộp số tiền vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp của mình nhưng người sử dụng lao động chưa đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội để làm các thủ tục giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Khi cơ quan bảo hiểm xã hội thu hồi được số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động thì hoàn trả lại tiền mà người lao động đã đóng”.
Tuy nhiên, theo ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông), tính khả thi của quy định này khi áp dụng vào thực tiễn chưa cao, vì khi cơ quan bảo hiểm xã hội thu được số tiền mà doanh nghiệp chậm đóng hoặc trốn đóng mới trả lại cho người lao động thì khả năng thu hồi quá lâu.
Do đó, đại biểu đề nghị xem xét kỹ lưỡng khi đưa quy định này vào dự thảo Luật, trong trường hợp vẫn giữ quy định này thì phải có thời hạn giữ, thời hạn trả tiền cụ thể, rõ ràng nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động.
Để phù hợp với xu thế chuyển đổi số hiện nay, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị bổ sung quy định khuyến khích người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo hình thức trực tuyến hoặc có quy định cụ thể về hình thức nộp hồ sơ trực tuyến song song với hình thức nộp trực tiếp quy định tại Điều 66 dự thảo Luật.