Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm việc với Viện Nghiên cứu Hạt nhân về đột phá phát triển khoa học công nghệ
Chiều 3/4, tiếp tục chương trình làm việc trong chuyến công tác tại Lâm Đồng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng các thành viên đoàn công tác của Quốc hội đã đến thăm, làm việc với cán bộ lãnh đạo, các nhà khoa của Viện Nghiên cứu Hạt nhân (thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ, đóng tại TP Đà Lạt).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng đoàn công tác thăm Lò Phản ứng hạt nhân tại Viện nghiên cứu Hạt nhân
Cùng tham dự buổi làm việc có các đồng chí ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Kinh tế và Tài chính; ĐBQH tỉnh Lâm Đồng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đinh Văn Tuấn và các cán bộ lãnh đạo, các nhà khoa học nhiều thế hệ của Viện Nghiên cứu Hạt nhân.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã xác định phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia trong giai đoạn hiện nay; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Để triển khai chủ trương này, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết 193 để có cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng đoàn công tác thăm Lò Phản ứng hạt nhân tại Viện nghiên cứu Hạt nhân
Tới đây, trong kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ tiếp tục sửa đổi nhiều luật để tạo đột phá trong các lĩnh vực này (như sửa đổi Luật Khoa học Công nghệ đổi mới sáng tạo; Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, các luật về thuế…).
Báo cáo kết quả nổi bật qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển của Viện, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Cao Đông Vũ cho biết: “Viện Nghiên cứu Hạt nhân đã làm chủ toàn diện Lò Phản ứng hạt nhân Đà Lạt, đảm bảo vận hành an toàn và khai thác hiệu quả; góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam”.
Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu Hạt nhân đã tạo ra được nhiều sản phẩm, dịch vụ để phục vụ cho sự phát triển kinh tế và an sinh xã hội của đất nước. Viện được cấp 3 bằng sáng chế trong lĩnh vực ứng dụng đồng vị phóng xạ trong y tế và công nghệ bức xạ trong nông nghiệp; đồng thời, cũng đóng góp đáng kể cho kho tàng kiến thức quốc gia và quốc tế thông qua các ấn phẩm khoa học với số lượng 450 công trình quốc gia, 350 công trình quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI/SCOPUS.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng đoàn công tác thăm Lò Phản ứng hạt nhân tại Viện nghiên cứu Hạt nhân
Viện cũng đã cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, trong giai đoạn đại dịch Covid-19 (2020 - 2022), Viện Nghiên cứu Hạt nhân đã góp phần đảm bảo an ninh nguồn cung cấp thuốc phóng xạ trong nước khi việc nhập khẩu thuốc phóng xạ không thực hiện được.
Báo cáo với đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đinh Văn Tuấn nhấn mạnh việc đổi mới trong khoa học, công nghệ là một nhiệm vụ mang tính đột phá. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác chuyển đổi số của tỉnh còn lúng túng, xây dựng cơ sở dữ liệu còn gặp nhiều khó khăn, nhân lực chuyển đổi số chuyên môn cao vẫn còn thiếu.
Vì vậy, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng tỉnh cần nâng cao nhận thức, đột phá tư duy, đổi mới sáng tạo về chuyển đổi số trong thời kỳ mới. Nâng cao hiệu quả quản trị, hiệu lực quản lý nhà nước, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học công nghệ, triển khai mô hình nông nghiệp thông minh gắn với hạ tầng xanh. Tạo ra hệ thống dữ liệu nguồn làm nền tảng chuyển đổi số, nghiên cứu đề xuất và cụ thể hóa nhiệm vụ đến từng địa phương theo chỉ đạo của Trung ương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham quan khu nhà truyền thống của Viện Nghiên cứu Hạt nhân
Lãnh đạo tỉnh cũng bày tỏ mong muốn Trung ương xem xét để Lâm Đồng trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực liên quan đến năng lượng nguyên tử, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong đời sống xã hội trong thời gian tới.
Viện Nghiên cứu Hạt nhân cũng có đề xuất, kiến nghị Trung ương cần sớm có cơ chế chính sách phù hợp trong công tác quản lý, cấp phép nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc phóng xạ để giảm thời gian chạy vận hành Lò Phản ứng hạt nhân Đà Lạt, tiết kiệm nhiên liệu hạt nhân và tăng cường tuổi thọ của Lò Phản ứng hạt nhân Đà Lạt trong lúc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Công nghệ hạt nhân chưa đi vào hoạt động; nghiên cứu tiền lâm sàng gặp nhiều khó khăn và tốn nhiều chi phí, tuy nhiên hiện nay chưa có cơ sở để thực hiện nghiên cứu này để phát triển ra sản phẩm thuốc.

Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Hạt nhân giới thiệu về lịch sử, quá trình phát triển của Viện tại Đà Lạt với đoàn công tác của Quốc hội
Đối với chính sách thu hút nguồn nhân lực, Viện Nghiên cứu Hạt nhân kiến nghị Trung ương sớm có cơ chế đặc thù (nhà ở công vụ, tăng khung biên chế cho Viện, đề án đào tạo nguồn nhân lực…) trong thu hút và đào tạo nguồn nhân lực (Dự án Trung tâm Nghiên cứu Khoa học công nghệ hạt nhân cần khoảng 300 nhân lực, trong đó khoảng 70% là cán bộ chuyên môn có trình độ đại học trở lên. Viện Nghiên cứu Hạt nhân được giao nhiệm vụ chuẩn bị nhân lực cho Trung tâm mới thì cần có cơ chế đặc thù).
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị lãnh đạo Viện Nghiên cứu Hạt nhân báo cáo rõ các nội dung liên quan đến Viện trong việc thực hiện Nghị quyết 57 và Nghị quyết 193, đồng thời báo cáo về kế hoạch, định hướng của Viện đối với lĩnh vực nghiên cứu chính của Viện về hạt nhân, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về các nghiên cứu, triển khai ứng dụng phát triển điện hạt nhân và quan trọng, cấp bách là phục vụ cho việc xây dựng, vận hành các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Trong đó, Viện cần báo cáo rõ thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và đề xuất với tỉnh và Trung ương để triển khai 2 Nghị quyết và thực hiện nhiệm vụ của Viện.

Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Hạt nhân giới thiệu về lịch sử, quá trình phát triển của Viện tại Đà Lạt với đoàn công tác của Quốc hội
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận và biểu dương kết quả đạt được của tỉnh Lâm Đồng và Viện Nghiên cứu Hạt nhân cũng như các tập thể, cá nhân đã có đóng góp tích cực trong quá trình triển khai Nghị quyết 57 và Nghị quyết 193. Đồng thời, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Viện Nghiên cứu Hạt nhân khẩn trương, quyết liệt hơn để khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức triển khai thực chất, hiệu quả hơn với 2 Nghị quyết 57 và Nghị quyết số 193 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Trong quá trình triển khai các nhiệm vụ nêu trên, đoàn công tác cũng đề nghị tỉnh Lâm Đồng bám sát tinh thần các nghị quyết, khơi dậy niềm đam mê đổi mới, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ dám làm vì sự phát triển của tỉnh và của đất nước. Đồng thời, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả và khả thi; không để trục lợi chính sách, thất thoát, lãng phí.