Phó Chủ tịch Quốc hội: Giam chung người chưa thành niên khó ngăn được chuyện có 'anh Hai, anh Ba' hăm dọa

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định hai mô hình: Trại giam riêng hoặc phân trại dành riêng cho người chưa thành niên trong trại giam...

Chiều 13-8, tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Dự thảo dành một điều luật quy định về điều kiện cơ sở vật chất của trại giam riêng hoặc phân trại dành riêng cho người chưa thành niên trong trại giam.

Báo cáo của Ủy ban Tư pháp cho hay quá trình thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với quy định trên tại dự thảo Luật; đồng thời đề nghị cân nhắc quy định hiệu lực thi hành nội dung này có thể muộn hơn hai hoặc ba năm để chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất.

Trong khi đó, một số ý kiến đề nghị cân nhắc về nguồn lực để bảo đảm tính khả thi.

Về nội dung này, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng hiện nay số lượng người chưa thành niên chấp hành án tại các trại giam không lớn, nhưng được bố trí ở nhiều trại giam trên cả nước.

Đáng lưu ý, có những trại giam chỉ có khoảng hơn 20 phạm nhân là người chưa thành niên. Do đó, rất khó khăn cho việc bố trí dạy văn hóa, dạy nghề, cũng như khó đáp ứng được các yêu cầu riêng đặt ra đối với người chưa thành niên.

Tuy nhiên, Thường trực cơ quan thẩm tra cho rằng nếu chỉ quy định một mô hình như dự thảo Luật (là trại giam riêng) thì trước mắt có thể sẽ khó khăn về nguồn lực bảo đảm.

Do đó, dự thảo Luật đề xuất chỉnh lý theo hướng quy định cả hai mô hình: Trại giam riêng hoặc phân trại dành riêng cho người chưa thành niên trong trại giam. Căn cứ điều kiện thực tiễn, các cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định mô hình phù hợp cho từng giai đoạn.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương. Ảnh: PHẠM THẮNG

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương. Ảnh: PHẠM THẮNG

Nêu ý kiến, Phó Chủ tịch Trần Quang Phương cho rằng nếu có đủ kiện kiện làm trại giam riêng cho người chưa thành niên thì “tốt quá”. Theo ông, vào trại giam, dù cơ quan chức năng có biện pháp quản lý nhưng không thể ngăn được chuyện có “anh Hai, anh Ba” hăm dọa.

Ủng hộ quy định hai mô hình theo dự thảo nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Khuyến khích có trại giam riêng, phù hợp với sự phát triển của từng vùng, từng thời điểm. “Nơi nào chưa có điều kiện thì có phân khu riêng”- ông Trần Quang Phương nêu quan điểm.

Giải trình thêm, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết ban đầu TAND Tối cao đề xuất trại giam dành riêng cho người chưa thành niên. Sau đó, Bộ Công an cho biết cơ sở, điều kiện hiện nay thì chưa thể có trại giam riêng ngay, nếu muốn có trại giam riêng thì phải đầu tư trong khi chúng ta chưa có nguồn lực để làm việc này…

Do đó, dự luật quy định cả hai mô hình.

 Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: PHẠM THẮNG

Phân tích thêm, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng các cháu chưa thành niên rất cần ảnh hưởng từ gia đình, sự thăm nom, chăm sóc của bố mẹ, anh chị em, những người đến không chỉ “tiếp tế” mà còn mang đến tình cảm và những lời khuyên.

“Điều này rất cần cho quá trình cải tạo. Nhưng nếu từ Cà Mau ra tận Thanh Hóa mới có trại giam riêng thì sẽ rất khó khăn cho người dân”- ông Nguyễn Hòa Bình nói điều này đồng nghĩa với việc làm hạn chế những tác động tích cực từ gia đình trong quá trình cải tạo tại trại giam.

“Để thuận lợi cho cơ quan thi hành án thì việc có trại giam riêng rất tốt, nhưng với những nơi chưa có (trại giam riêng) thì có phân trại riêng cho người chưa thành niên trong trại giam"- Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/pho-chu-tich-quoc-hoi-giam-chung-nguoi-chua-thanh-nien-kho-ngan-duoc-chuyen-co-anh-hai-anh-ba-ham-doa-post805057.html
Zalo