Phổ cập tri thức về chuyển đổi số cho mọi tầng lớp nhân dân
Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ đã giới thiệu khung kiến thức, kỹ năng số, nền tảng bình dân học vụ số đến 4 nhóm đối tượng, trong đó có người dân, học sinh, sinh viên.
Sáng 21/5, Ban Chỉ đạo về Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thành phố Cần Thơ tổ chức hội nghị trực tiếp phát động phong trào "Bình dân học vụ số", kết nối trực tuyến đến 9 quận, huyện và 80 xã, phường, thị trấn.

Đại diện lãnh đạo thành phố Cần Thơ và các sở, ngành bấm nút phát động phong trào "Bình dân học vụ số". Ảnh: Thu Hiền - TTXVN
Sự kiện nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi, cổ vũ, động viên tinh thần, đưa phong trào “Bình dân học vụ số” trở thành thường xuyên, liên tục và phát triển sâu rộng, đều khắp, tạo bước đột phá trong nâng cao nhận thức và kỹ năng số.
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trương Cảnh Tuyên đề nghị, Ban Chỉ đạo về Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thành phố huy động cả hệ thống chính trị, các cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân tích cực tham gia phong trào “Bình dân học vụ số”. Mỗi đảng viên, cán bộ, công chức tiên phong, gương mẫu trong thực hiện phong trào với tinh thần “đi từng ngõ, đến từng nhà, hướng dẫn từng người” và phương châm “triển khai nhanh chóng - kết nối rộng khắp - ứng dụng thông minh”.
Các tổ chức chính trị - xã hội, Tổ công nghệ số cộng đồng, Tổ tuyên truyền viên cơ sở tăng cường tuyên truyền đa dạng hình thức (tổ chức lớp học, khóa học trực tuyến và trực tiếp); hướng dẫn, phổ cập kiến thức số trên nền tảng dễ tiếp cận, phù hợp từng đối tượng để khuyến khích mọi người tích cực tham gia học tập kỹ năng số.
Ông Trương Cảnh Tuyên đề nghị, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu triển khai hiệu quả nền tảng Bình dân học vụ số nhằm phổ cập tri thức cho mọi người dân (từ học sinh, sinh viên đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt đối tượng ít có điều kiện tiếp cận công nghệ) tiếp cận kỹ năng số, dịch vụ, nền tảng số. Ông tin tưởng, với quyết tâm chính trị cao và sự đồng thuận của toàn xã hội, phong trào “Bình dân học vụ số” sẽ tạo bước đột phá quan trọng trong công cuộc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần xây dựng thành phố thông minh, phát triển kinh tế số, chính quyền số, xã hội số văn minh, hiện đại. Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ đã giới thiệu khung kiến thức, kỹ năng số, nền tảng bình dân học vụ số đến 4 nhóm đối tượng (người dân, học sinh, sinh viên, cán bộ công chức viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước, người lao động trong doanh nghiệp). Người học sẽ được học về 3 nhóm kiến thức số cơ bản: các vấn đề cơ bản về chuyển đổi số, một số lợi ích mang lại; một số lợi ích của công nghệ số ứng dụng trong sinh hoạt và làm việc hằng ngày; các ứng dụng AI phổ biến (chatGPT, Codex, chatbot...). Các đối tượng tham gia lớp học còn được hướng dẫn 6 nhóm kỹ năng số cơ bản: cài đặt, cập nhật, gỡ bỏ ứng dụng, phần mềm phổ biến; khai thác dữ liệu và thông tin; giao tiếp và hợp tác trong môi trường số (đăng ký tài khoản, chia sẻ hình ảnh, video... trên không gian mạng); sáng tạo nội dung số (chụp ảnh, video, ghi âm, soạn thảo văn bản...); đảm bảo an toàn thông tin (đặt mật khẩu, chia sẻ thông tin an toàn, phòng chống rủi ro...); giải quyết vấn đề nhờ công nghệ số (các công nghệ số, ứng dụng phù hợp, tìm kiếm khoa học). Ngày 18/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo, phát động phong trào “Bình dân học vụ số" nhằm nâng cao nhận thức, phổ cập kiến thức và kỹ năng số cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên nông thôn, công nhân, người lao động phổ thông, người lớn tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số. Ban Chỉ đạo thành phố Cần Thơ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã ban hành Kế hoạch số 01-KH/BCĐ ngày 14/4/2025 về triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Mục đích của phong trào là phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng số cho người dân. Mọi người dân đều được trang bị kiến thức, kỹ năng số cần thiết để có thể áp dụng trong cuộc sống hàng ngày; nắm bắt, tận dụng, khai thác, thụ hưởng những thành quả của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số mang lại.