Phổ cập GD mầm non 3-5 tuổi, trường vùng khó hi vọng cải thiện cơ sở vật chất
Hiện nay, nhiều trường mầm non vùng khó khăn vẫn gặp thiếu thốn về cơ sở vật chất, rất cần thêm chính sách hỗ trợ nhằm giúp nâng cao môi trường học tập.
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự kiến Quốc hội sẽ xem xét trong kỳ họp sắp tới.
Những năm qua, nhờ sự quan tâm, chăm lo của Nhà nước, xã hội và các bậc phụ huynh, giáo dục mầm non đã đạt được nhiều bước tiến tích cực, đáng ghi nhận. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn không ít tồn tại, bất cập, chưa tương xứng với vai trò quan trọng của nó trong việc đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
Tại các trường học vùng khó khăn, các vấn đề như thiếu cơ sở vật chất, thiếu trang thiết bị dạy và học và chất lượng đào tạo chưa đảm bảo vẫn là thách thức lớn cần được giải quyết.
Còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật, có điểm trường phải dựng nhà vệ sinh tạm
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lại Thị Hoa – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai (xã Đăk R’Tih, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông) cho biết, việc giáo dục sớm cho trẻ từ 3-5 tuổi đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ.
Được tiếp cận giáo dục sớm, trẻ có điều kiện phát triển tốt hơn về thể chất, ngôn ngữ, tư duy và cảm xúc. Đây cũng là “giai đoạn vàng” để hình thành những kỹ năng cơ bản, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình học tập ở các bậc học tiếp theo, nhất là trong việc chuẩn bị hành trang bước vào lớp 1.
Nếu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 tuổi được thực hiện sẽ là một bước tiến rất quan trọng và đáng mừng của giáo dục nước nhà. Tại trường, đội ngũ giáo viên cơ bản đáp ứng được yêu cầu về trình độ chuyên môn nếu việc phổ cập giáo dục cho trẻ 3-5 tuổi được thực hiện. Tuy nhiên, trường vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu dạy học và chăm sóc học sinh.
Nhà trường có nhiều điểm trường lẻ nằm xa trung tâm, phòng học xuống cấp, khuôn viên chật hẹp; đồ dùng, đồ chơi còn thiếu thốn, tạm bợ; phòng học chật chội, trang thiết bị chưa đảm bảo, đặc biệt là đối với nhóm trẻ 3 tuổi.
Bên cạnh đó, hệ thống công trình vệ sinh, bếp ăn bán trú chưa đạt chuẩn, ảnh hưởng trực tiếp đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng và đảm bảo vệ sinh cho trẻ. Những khó khăn này đã và đang tác động không nhỏ đến chất lượng tổ chức các hoạt động giáo dục, đồng thời hạn chế sự phát triển toàn diện của các em.
Tại các điểm trường nhỏ lẻ, trẻ 3 tuổi phải học chung với các anh chị lớn, trong khi bàn ghế không phù hợp với độ tuổi của các em. Bên cạnh đó, số lượng giáo viên vẫn thiếu so với nhu cầu trường cần. Ngoài ra, điều kiện kinh tế của nhiều phụ huynh cũng là yếu tố ảnh hưởng đến việc đảm bảo trẻ đến trường đều đặn.

Cô Lại Thị Hoa – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai. Ảnh: NVCC
Cùng chia sẻ về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Nụ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phong Lan (xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) cho biết, việc cho trẻ mầm non đi học từ 3 tuổi có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển toàn diện của trẻ, nhất là về thể chất, tinh thần và khả năng giao tiếp. Đối với trẻ em vùng sâu, vùng xa, các em chủ yếu sử dụng tiếng dân tộc, việc đến trường sớm còn giúp các em sớm tiếp cận với tiếng phổ thông, tạo nền tảng cho việc học tập sau này.
Hiện, nhà trường đang có 18 điểm trường, gồm 1 điểm trường chính và 17 điểm trường lẻ. Cơ sở vật chất tại trường cơ bản đã được cấp trên quan tâm đầu tư, các điểm trường đều có phòng học kiên cố.
Tuy nhiên, tại điểm trường chính tại bản Mường Lạn, xã Mường Lạn, từ năm 2015, dù diện tích đất đã có, song việc đầu tư xây dựng đến nay vẫn gặp nhiều vướng mắc. Một trong những lý do chính là khu đất này trước đây thuộc đất chợ và chưa được chuyển đổi sang đất công trình sự nghiệp, điều này gây khó khăn trong việc xây dựng cơ sở vật chất.
Hiện nay, cơ sở vật chất tại điểm trường chính, bao gồm cả phòng học và nhà bếp, chưa đảm bảo. Các lớp học hiện tại vẫn sử dụng cơ sở vật chất cũ từ khu chợ, chưa được cải tạo khép kín.
Nhà trường cũng đang trình cơ quan có thẩm quyền xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại điểm trường chính để phục vụ cho việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Dự án này cũng đang được đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030.
Ngoài ra, nhà trường có 18 điểm trường nhưng hiện chỉ có 5 bếp ăn bán trú, trong đó có một bếp đạt tiêu chuẩn. Các bếp còn lại đều là bếp tạm do thiếu diện tích đất xây dựng. Nhiều điểm trường chưa thể tổ chức bán trú do đội ngũ giáo viên, nhân viên còn thiếu, biên chế được giao chưa đạt đủ so với định mức quy định. Bên cạnh đó, do điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn, nhà trường cũng chưa thể tổ chức nấu ăn bán trú cho 100% học sinh, mà chỉ đang triển khai tại một số điểm trường thuận lợi.
Mặt khác, một số điểm trường vẫn chưa có nhà vệ sinh kiên cố, chỉ có nhà vệ sinh tạm do phụ huynh tự dựng, không đảm bảo điều kiện vệ sinh. Thêm vào đó, nhà vệ sinh tại một số điểm trường gặp khó khăn khi sử dụng do thiếu nguồn nước phục vụ sinh hoạt. Tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường học tập, công tác chăm sóc sức khỏe và sự an toàn vệ sinh cho trẻ.
Về đồ dùng học tập, nhà trường đã đầu tư một số thiết bị và đồ chơi cho học sinh. Tuy nhiên, vở tập tô cho trẻ thì nhà trường hỗ trợ phụ huynh đặt mua do địa phương thiếu cơ sở bán thiết bị giáo dục và phụ huynh sẽ thanh toán tiền cho nhà trường. Đây cũng là điều khiến nhiều phụ huynh e ngại do điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn.
Về phía phụ huynh, hàng năm nhà trường không vận động đóng góp xây dựng cơ sở vật chất. Thay vào đó, nhà trường chủ yếu phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân để nhận quà tặng, quần áo ấm, cùng một số đồ dùng học tập, đồ chơi cho học sinh.

Lễ khánh thành điểm trường cụm dân cư Pha Lọng, trường Mầm non Hoa Phong Lan. Ảnh: website Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La
Trong khi đó, cô Trần Thị Thanh Nhài - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Suối Thầu (thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai) chia sẻ, nếu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi thực hiện sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục, nhất là đối với trẻ em ở các vùng khó khăn. Phổ cập giáo dục giúp trẻ có cơ hội tiếp cận môi trường học tập tốt hơn, đồng thời thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các vùng, miền.
Hiện nay, trường có 4 điểm trường. Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, địa phương, cơ sở vật chất của nhà trường đã khang trang, đầy đủ, đáp ứng nhu cầu dạy học và chăm sóc học sinh.
Tuy nhiên, do địa bàn nằm ở vùng cao, mạng internet thường yếu, đặc biệt là mạng không dây, khiến việc kết nối gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, về trang thiết bị như máy chiếu và máy tính, hiện nay chỉ có tại điểm trường chính, còn các điểm trường trong thôn chưa có đủ trang thiết bị này. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy và học tập, khiến học sinh khó có cơ hội tiếp cận đầy đủ với công nghệ và phương pháp giảng dạy hiện đại.
Hoạt động giáo dục STEM tại trường vẫn được tổ chức theo độ tuổi, tuy nhiên, tại điểm trường chính, nhà trường sẽ ứng dụng công nghệ thông tin nhiều hơn. Còn tại các điểm trường trong thôn, hoạt động giảng dạy chủ yếu vẫn diễn ra theo phương pháp truyền thống, hạn chế sử dụng công nghệ. Các cô giáo chủ yếu sử dụng tranh, ảnh, các vật thật hoặc có thể chiếu video đã được lưu trước trên máy tính để trình chiếu cho học sinh, thay vì sử dụng công nghệ trực tiếp trong lớp học.

Một tiết học của cô và trò Trường Mầm non Suối Thầu. Ảnh: website nhà trường
Trường mầm non nỗ lực cho trẻ đến trường sớm
Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai cho biết, hiện nay, tại địa phương, việc huy động trẻ đến trường, đặc biệt là trẻ 3 tuổi, gặp một số thách thức. Những khó khăn thường gặp mà nhà trường nắm được như: nhà học sinh xa trường, giao thông khó khăn và thiếu điều kiện đưa đón trẻ. Thêm vào đó, tâm lý ngại cho con đi học sớm của không ít phụ huynh dân tộc thiểu số cũng ảnh hưởng đến công tác huy động trẻ đến trường.
Để khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho trẻ từ 3-5 tuổi có thể đến trường đầy đủ, nhà trường đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và cơ sở hạ tầng.
Cô Hoa bày tỏ: “Theo quan điểm của nhà trường, để đảm bảo đầu tư hiệu quả, đúng mục tiêu và đối tượng, cơ quan có thẩm quyền cần xác định rõ các tiêu chí như tỷ lệ trẻ chưa được đến lớp; số lượng trẻ trong độ tuổi từ 3-5 tuổi tại vùng sâu, vùng xa; tỷ lệ hộ nghèo; điều kiện cơ sở vật chất hiện tại và khoảng cách đến trường.
Nhà trường cũng kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ đặc thù cho các cơ sở giáo dục mầm non tại vùng khó khăn, bao gồm việc đầu tư xây dựng phòng học kiên cố, công trình vệ sinh và bếp ăn bán trú đạt chuẩn, cung cấp đồ dùng và đồ chơi trong lớp cũng như ngoài sân trường.
Đồng thời, cần mở rộng chế độ thu hút, bồi dưỡng giáo viên, tăng cường tập huấn chuyên môn và đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến phụ huynh về vai trò quan trọng của giáo dục mầm non, đặc biệt là đối với trẻ 3 tuổi”.

Lễ khai giảng năm học 2024-2025 của Trường Mầm non Hoa Mai. Ảnh: website nhà trường
Về phía Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phong Lan thông tin, đối với công tác vận động học sinh tới trường, hàng năm nhà trường tổ chức điều tra, rà soát số trẻ trong độ tuổi đến trường và huy động tối đa trẻ ra lớp. Công tác này được duy trì thường xuyên, nhằm đảm bảo mọi trẻ em trên địa bàn đều có cơ hội được tiếp cận giáo dục mầm non sớm.
Trong năm học 2024-2025, tỷ lệ học sinh đến lớp khá cao, đặc biệt là đối với trẻ 5 tuổi đạt 100%. Tỷ lệ học sinh dưới 5 tuổi đến trường đạt khoảng 99%. Đối với học sinh 3-4 tuổi ở các điểm trường còn nhiều khó khăn hơn, vẫn còn một số học sinh không thể đến lớp. Nguyên nhân chủ yếu là do hoàn cảnh gia đình hoặc phụ huynh không thể đưa đón con vì khoảng cách từ nhà đến trường quá.
Các chính sách hiện nay của nhà nước cơ bản đã đáp ứng nhu cầu của về dạy và học của thầy và trò nhà trường. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn ở việc nhận thức của một số người dân còn hạn chế, chưa ý thức được tầm quan trọng của việc giáo dục sớm cho trẻ. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách hiệu quả.
Theo cô Nụ, để nâng cao chất lượng giáo dục và giảm bớt sự chênh lệch giữa các vùng miền, đặc biệt là ở những khu vực khó khăn, nhà trường đề xuất một số giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, cần tập trung đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất, đặc biệt là tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa. Việc xây dựng và nâng cấp phòng học kiên cố, công trình vệ sinh và bếp ăn bán trú đạt chuẩn sẽ giúp cải thiện môi trường học tập cho trẻ em, đồng thời tạo ra một không gian học tập an toàn và lành mạnh.
Thứ hai, về mặt nhân lực, cần nâng cao, mở rộng chính sách hỗ trợ chế độ đãi ngộ hợp lý để giáo viên yên tâm công tác lâu dài tại các điểm trường khó khăn.
Thứ ba, đối với học sinh, nhà trường đề xuất cung cấp thêm hỗ trợ về đồ dùng học tập, sách vở và các phương tiện học tập khác để các em có thể tiếp giáo dục từ sớm một cách đầy đủ, đồng thời giảm bớt gánh nặng tài chính cho phụ huynh, góp phần thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền.
Trong khi đó, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Suối Thầu cho hay, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ kịp thời, từ việc hỗ trợ bữa ăn trưa cho trẻ đến các chế độ, chính sách giúp tạo điều kiện cho trẻ em được đến trường đầy đủ và tiếp cận với môi trường học tập tốt hơn. Song, nhiều phụ huynh có điều kiện sống khó khăn, thu nhập không ổn định, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đưa con đến trường.
Ngoài ra, nhà trường cũng kiến nghị, Nhà nước cần quan tâm hơn đến việc hỗ trợ các trường vùng khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin. Cụ thể, cần đầu tư thêm vào cơ sở vật chất như máy tính, thiết bị công nghệ và đầu tư mạng Internet có dây để giúp giáo viên và học sinh tiếp cận công nghệ thông tin dễ dàng hơn. Điều này sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền, tạo cơ hội học tập bình đẳng cho trẻ em ở những khu vực còn khó khăn về điều kiện cơ sở hạ tầng.