Phổ biến pháp luật cho sinh viên ngay từ khi mới bắt đầu học

Trường Đại học Sài Gòn phổ biến pháp luật cho sinh viên ngay từ đầu khóa đến khi ra trường.

Chiều 1-8, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT dẫn đầu đoàn khảo sát đã có buổi kiểm tra, khảo sát về công tác, phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường; khảo sát tình hình thực hiện các quy định tại Nghị định số 84/2020 và Nghị định số 143/2013 tại Trường Đại học Sài Gòn, TP.HCM.

 PGS.TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu tại buổi kiểm tra, giám sát. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

PGS.TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu tại buổi kiểm tra, giám sát. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Tại buổi khảo sát, TS Võ Văn Thật, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn, chia sẻ: Thời gian qua, nhà trường đã tổ chức nhiều chương trình phổ biến pháp luật ngoài giờ cho sinh viên thông qua tổ chức tuần sinh hoạt công dân - sinh viên hằng năm để sinh viên nắm được những quy định của pháp luật với nhiều hình thức đa dạng.

Cụ thể, đối sinh viên đầu khóa, nhà trường tổ chức phổ biến Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học. Sinh viên giữa khóa sẽ được phổ biến Luật An ninh mạng; Luật biển đảo… Đối với sinh viên cuối khóa nhà trường sẽ phổ biến Luật Lao động, Luật Cán bộ, Công chức, Luật Viên chức.

Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức các chuyên đề như giới thiệu Hiến pháp, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bầu cử quốc hội theo hướng dẫn của Bộ giáo dục và Đào tạo….

 PGS.TS Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn nêu ý kiến tại buổi giám sát. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

PGS.TS Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn nêu ý kiến tại buổi giám sát. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Về đề xuất góp sửa đổi Nghị định số 143/2013 quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo, PGS.TS Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn nêu: Nếu một người học xong và quay lại trường phục vụ thì quá tốt. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng phải có quy định rõ về trường hợp người học sau khi được đạo tạo xong, khi quay về trường công hoặc quay về trường tư để giảng dạy thì có được không? Ngoài ra, việc bồi hoàn chi phí đào tạo thì được thực hiện như thế nào, đối với những trường hợp chây ỳ không bồi hoàn thì có được đưa vào trong lý lịch tư pháp không?

PGS.TS Nguyễn Văn Phúc đánh giá: Đối với công tác phổ biến pháp luật trường đã thực hiện đầy đủ, bài bản trong các kế hoạch triển khai. Theo đó, các sinh viên trong suốt quá trình học tập đã được phổ biến pháp luật để khi ra trường các em có ý thức sống và làm việc theo pháp luật.

Việc trang bị cho sinh viên kiến thức pháp luật vừa đảm bảo quyền lợi cho các em, nhà trường cũng thể hiện được đầy đủ nghĩa vụ của mình.

PGS.TS Nguyễn Văn Phúc cũng đề nghị ngoài việc quan tâm phổ biến pháp luật cho sinh viên thì nhà trường cũng nên quan tâm đến việc bổ biến pháp luật đến các thầy cô trong trường để tránh tình trạng trong nội bộ đội ngũ không nắm quy định.

NGUYỄN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/pho-bien-phap-luat-cho-sinh-vien-ngay-tu-khi-moi-bat-dau-hoc-post803266.html
Zalo