Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Thanh Nghị: Thành phố nhân rộng, lan tỏa truyền thống nhân ái, nghĩa tình
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, cùng với phát triển kinh tế, truyền thống nhân ái, nghĩa tình là một đặc trưng văn hóa dân tộc được kế thừa và phát triển ngày càng sâu đậm và phổ biến trong nhận thức, quan hệ ứng xử của nhân dân TPHCM.
Ngày 20-4, tại TPHCM, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Bộ Công an, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Thành ủy TPHCM phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Đại thắng mùa Xuân 1975 với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam".
Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
Trình bày tham luận tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, trải qua 50 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển, Đảng bộ và nhân dân TPHCM đã phát huy tinh thần tiến công “một ngày bằng hai mươi năm”.

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Bộ Công an, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Thành ủy TPHCM phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia. Ảnh: VIỆT DŨNG
TPHCM năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tâm huyết, tiềm lực của nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức, tạo ra những dấu ấn lịch sử quan trọng qua từng giai đoạn, góp thêm tư liệu thực tiễn sinh động vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất. Những dấu ấn đó có thể khắc họa cụ thể với 7 đặc trưng của TPHCM.
Trong đó, TPHCM đã nhanh chóng ổn định tình hình chính trị - xã hội, giữ vững chính quyền cách mạng những năm đầu sau giải phóng. Dựa vào sức mạnh của quần chúng, Đảng bộ và chính quyền cách mạng thành phố đã giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội, giải quyết kịp thời nhiều vấn đề cấp bách về kinh tế và đời sống nhân dân.
Chính quyền cách mạng đã tạo điều kiện cho nhân dân lao động bước đầu thực hiện trực tiếp quyền làm chủ tập thể của mình trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội.

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an và các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG
Với nhiều biện pháp, Thành phố đã chống được nạn đói, khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tổ chức mạng lưới phân phối lương thực và một số hàng hóa thiết yếu khác cho nhân dân, cải tạo và phát triển văn hóa, ổn định dần đời sống nhân dân.
Với những thành quả đạt được trong 2 năm 1975 và 1976, Thành phố đã giữ vững ổn định, khôi phục và phát triển kinh tế, bước đầu ổn định đời sống nhân dân, tạo điều kiện chuyển sang thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Thanh Nghị trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG
TPHCM đã mạnh dạn “xé rào”, tháo gỡ “điểm nghẽn” để khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân.
Với sự linh hoạt, năng động, sáng tạo của Thành phố, nắm vững các chủ trương của Đảng và Nhà nước, bám sát tình hình thực tiễn, vận dụng những bài học kinh nghiệm trong các thời kỳ kháng chiến và với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM kiên trì từng bước để tháo gỡ, vượt qua những lực cản của cơ chế cũ.
TPHCM tiếp tục tìm tòi hướng đi phù hợp, tạo điều kiện bằng mọi cách cho sản xuất bung ra để thoát dần cơ chế quan liêu, bao cấp gắn với giải quyết việc làm, chăm lo đời sống nhân dân.
Với định hướng đó, hàng loạt đơn vị sản xuất, kinh doanh chủ động “xé rào” tổ chức lại sản xuất, xây dựng phương án sản xuất ngoài kế hoạch được giao.
“Quá trình “xé rào", tháo gỡ “điểm nghẽn” để khôi phục phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân giai đoạn này đã làm sáng tạo dần con đường đi lên với cách làm mới, tư duy mới, góp phần tích cực vào việc xác định và hình thành đường lối đổi mới của Đảng.

Đại biểu dự hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG
Có thể nói rằng, những sáng kiến linh hoạt và nhiều biện pháp ban đầu chỉ là biện pháp tình thế nhưng kết quả thực tiễn sinh động của TPHCM lúc bấy giờ đã trở thành cơ sở quan trọng cho lãnh đạo Đảng có những quyết sách để hoạch định mô hình đổi mới phát triển kinh tế kể từ Đại hội VI của Đảng (1986).
TPHCM bám sát thực tiễn, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, đóng góp quan trọng vào quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
TPHCM được xem là nơi khởi đầu những yếu tố mới đóng góp vào quá trình hình thành và hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. TPHCM cũng là địa phương triển khai sớm nhất phương thức quản lý đô thị thông minh và xây dựng khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông.
Một dấu ấn khác có thể kể đến là TPHCM đã thực hiện nhiều chính sách thu hút vốn đầu tư xã hội vào phát triển kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, làm cho hệ thống hạ tầng, diện mạo đô thị ở nhiều khu vực thay đổi rõ nét, khang trang, hiện đại. Với những kết quả tích cực trong việc bám sát thực tiễn, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, kinh tế - xã hội TPHCM đã có bước phát triển liên tục.
Nhân rộng, lan tỏa truyền thống nhân ái, nghĩa tình
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, một trong những dấu ấn trong xây dựng phát triển TPHCM 50 năm qua là Thành phố đã nhân rộng và lan tỏa truyền thống nhân ái, nghĩa tình.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đại biểu dự hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG
Cùng với phát triển kinh tế, truyền thống nhân ái, nghĩa tình là một đặc trưng văn hóa dân tộc được kế thừa và phát triển ngày càng sâu đậm và phổ biến trong nhận thức, quan hệ ứng xử của nhân dân TPHCM.
Đảng bộ TPHCM phát động rất sớm phong trào đền ơn đáp nghĩa với nhiều hoạt động thiết thực, cách làm sáng tạo xuất phát từ đạo lý uống nước, nhớ nguồn, lòng biết ơn sâu sắc công lao trời biển của các thế hệ người có công với đất nước.
Với truyền thống nhân ái, nghĩa tình, TPHCM là nơi “hội tụ” và “lan tỏa”, thu hút một lực lượng lớn lao động, trí thức, văn nghệ sĩ, các tầng lớp nhân dân từ các địa phương đến để định cư, phát triển nghề nghiệp, cùng chung sức, đồng lòng vì sự phát triển của thành phố.
"Sự lan tỏa các phong trào nhân ái, nghĩa tình chính là tình cảm, trách nhiệm, là cách TPHCM đền đáp vì cả nước, cùng cả nước", Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM nhấn mạnh.

Nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày tham luận. Ảnh: VIỆT DŨNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM cũng nhấn mạnh, TPHCM luôn coi trọng xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân”, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân, lấy lực lượng vũ trang thành phố làm nòng cốt để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng – an ninh.
Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ TPHCM đặc biệt quan tâm công tác xây dựng Đảng; luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tin dân, trọng dân, học dân, dựa vào dân, phát huy sức dân; hết lòng chăm lo đời sống nhân dân.

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trao đổi với các đại biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG
Quá trình xây dựng và phát triển phía trước của TPHCM còn nhiều khó khăn, thử thách, phát huy thắng lợi của đại thắng mùa Xuân năm 1975, với tinh thần “một ngày bằng hai mươi năm”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM sẽ chung sức, đồng lòng thực hiện kỳ vọng của Bác Hồ kính yêu, của Đảng ta cùng các thế hệ cách mạng đi trước.
TPHCM quyết tâm, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, luôn bám sát thực tiễn, gắn bó mật thiết với nhân dân, quyết tâm xây dựng TPHCM trở thành đô thị hiện đại, trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và Châu Á.
"Xây dựng và phát triển TPHCM để xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh, xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước, xứng đáng với thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - Thành phố Anh hùng, “cùng cả nước vì cả nước” vững bước tiến vào kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc", Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM nhấn mạnh.
Với niềm vinh dự và tự hào là thành phố được mang tên Bác, TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước xác định mục tiêu, giải pháp, quyết tâm chính trị trong xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người luôn hiện hữu, lan tỏa trong đời sống xã hội, trở thành nét văn hóa đặc trưng mới của người dân thành phố.
TPHCM đưa phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn sát với thực tiễn, lan tỏa rộng trong cộng đồng, trở thành nét đẹp văn hóa trong cộng đồng dân cư, dân tộc, tôn giáo, mang tính nhân văn sâu sắc.