Phim Việt nào khuấy đảo dịp Giáng sinh?
Phim 'Kính vạn hoa: Bắt đền con ma' và 'Chị dâu' được xem là hai đối thủ chất lượng có thể khiến rạp Việt cháy vé dịp Giáng sinh.
Nóng lòng ra mắt khán giả
Cả hai bộ phim có điểm chung là nói về tình thân, tình bạn, giá trị gia đình và giá trị cuộc sống. Đây là hai bộ phim được đánh giá “kể được câu chuyện tử tế bằng điện ảnh” - điều mà thị trường điện ảnh Việt Nam đang rất cần đối với phân khúc thương mại.
Được dự kiến sẽ công chiếu vào tháng 3/2025, phim “Chị dâu” bất ngờ đẩy lịch ra rạp sớm vào dịp Giáng sinh 2024 nên đang khiến nhiều người tò mò. Tại buổi ra mắt vào ngày 17/12 vừa qua, đạo diễn Khương Ngọc nói rằng sau quá trình quay và hậu kỳ, ê-kíp làm phim tự tin với bản phim đang có và thôi thúc phải chia sẻ ngay đến khán giả sản phẩm tâm huyết này.
“Lý do khác nữa đó là căn cứ vào tình hình thực tế với kế hoạch ra mắt của nhiều phim Việt và phim ngoại vào tháng 3/2025. Điều này khiến cho sự cạnh tranh trở nên quá gay gắt. Trong khi đó thời điểm Giáng sinh, hiện vẫn chưa được phim Việt chú trọng khai thác so với những kỳ nghỉ lễ khác trong năm. Bởi vậy, “Chị dâu” ra mắt thời điểm này là hợp lý”, đạo diễn Khương Ngọc nhấn mạnh.
“Chị dâu” khai thác sâu những vấn đề về phụ nữ, sự hi sinh của người phụ nữ trong thời hiện đại, những tổn thương, tâm tư thầm kín và cả sự mạnh mẽ, quyết liệt. Tất cả dồn nén trong bối cảnh, trong khoảng thời gian đặc biệt “đám giỗ” để khai thác những xung đột gia đình với mối quan hệ chị dâu - em chồng thời hiện đại.
5 vai nữ trong phim được giao cho Hồng Đào, Việt Hương, Lê Khánh, Đinh Y Nhung và Ngọc Trinh. Việt Hương vào vai chị Hai Nhị - dâu cả, là người phụ nữ quyền lực nhất trong gia đình, giàu có nhưng thích phô trương, làm cỗ lớn rình rang đãi cả làng.
Hồng Đào trong vai chị Ba Mỹ Kỳ - người phụ nữ thông minh, hiện đại, chủ một trung tâm thẩm mỹ lớn ở Sài Gòn, ly dị chồng, tính cách gia trưởng, áp đặt, nguyên tắc.
Cô Tư (Đinh Y Nhung), tưởng chịu đựng nhưng hóa ra cũng có một quá khứ khá bất hảo. Cô Năm (Lê Khánh) là dân kế toán, có chồng không con, mồm mép ba phải nhưng thích đốt nhà người khác. Cuối cùng là cô Út (Ngọc Trinh) đúng kiểu gái ăn chơi gặp cảnh đời tàn, cùng chồng là một thiếu gia thất sủng ăn bám bà chị dâu và lừa đảo.
Trong phim, Việt Hương là chị dâu của Hồng Đào, điều này khiến nhiều người nghi ngại bởi sự chênh lệch độ tuổi. Đạo diễn Khương Ngọc cho biết, chính vì có một người em chồng lớn tuổi hơn chị dâu, đó mới là vấn đề gây xung đột của gia đình này. Điều kỳ lạ của “Chị dâu” là toàn diễn viên nữ mà không có bất kỳ một diễn viên nam nào.
Theo nhà phê bình Lê Hồng Lâm, bộ phim được làm chắc tay, có đủ mảng miếng cho dàn diễn viên nữ tung tẩy, nhịp phim chưa bao giờ rớt dù chỉ diễn ra hầu hết ở một bối cảnh. Phim kể một câu chuyện rất Việt Nam và về một hình mẫu rất điển hình trong văn hóa Việt Nam - “giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”.
“Chị dâu” làm được một điều mà nhiều phim Việt gãy đổ, kể một câu chuyện đi hết cả ba hồi mà không làm ta khựng lại hoặc lắc đầu ngán ngẩm. Nếu có một điều gì đó góp ý với bộ phim này, tôi nghĩ phim phải đào sâu hơn nữa các lớp layer (tầng tiếp xúc – vật lý) của nhân vật, hoặc tạo được những tình huống trớ trêu hơn”, nhà phê bình Lê Hồng Lâm nhận định.
Mạo hiểm với “tượng đài” của tuổi thơ
Một đối thủ được cho là nặng ký đối với “Chị dâu” là “Kính vạn hoa: Bắt đền con ma” của đạo diễn Võ Thanh Hòa. Phim được chuyển thể từ tác phẩm “Kính vạn hoa” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh xoay quanh câu chuyện về 3 nhân vật: Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh.
Họ là ba người bạn tính cách khác nhau, sở trường khác nhau như Tiểu Long giỏi võ, Hạnh nhiều kiến thức, Quý Ròm thông minh, lém lỉnh nhưng lại gắn bó với nhau vì cùng thích phiêu lưu, tính cách ấm áp, luôn quan tâm yêu thương mọi người xung quanh.
Nhà sản xuất Mai Bảo Ngọc cho biết, tác phẩm từng được 2 đạo diễn Nguyễn Minh Chung và Đỗ Phú Hải chuyển thể thành phim vào năm 2004, từng trở thành “tượng đài” tuổi thơ của nhiều người. Bởi vậy, trong lần chuyển thể này, ê-kíp làm phim phải tính toán kỹ để tạo được chú ý từ khán giả.
Mới đây, ê-kíp đã tung poster và teaser trailer cho thấy, không còn là những hình ảnh mang đậm hoài niệm như trước, thay vào đó là một không khí tươi vui, hài hước, kịch tính với dàn diễn viên “ăn khách”, như: Hùng Anh, Nhật Linh, Phương Duyên, Ngọc Trai, Vũ Long, Anh Đào, Trung Dân, Hứa Minh Đạt, Lâm Vỹ Dạ.
Nếu ở nguyên tác, Quý và Long vì tò mò mà lao vào điều tra “con ma trên đồi Cắt Cỏ”, thì trong bản điện ảnh này, mọi chuyện bắt đầu từ cuộc thi viết văn tại trường. Phần thưởng chính là “quyền đặt tên” cho cây phượng mới trồng.
Những khoảnh khắc thoáng qua trong trailer cho thấy, Quý Ròm đang ấp ủ ý tưởng viết về chuyến phiêu lưu bí ẩn. Đặc biệt, lần này Hạnh cũng tham gia cùng hai người bạn. Sự xuất hiện của Hạnh vốn không có trong tập truyện gốc nhưng mở ra nhiều tình huống bất ngờ.
Đạo diễn Võ Thanh Hòa chia sẻ: “Phim không chỉ dựa trên hai tập truyện gốc “Bắt đền hoa sứ” và “Con mả con ma” mà còn mở ra một câu chuyện độc lập mới, đậm chất phiêu lưu và trưởng thành của bộ ba Quý - Long - Hạnh.
Hai câu chuyện với màu sắc khác lạ, thú vị được kết hợp lại để tạo nên một “Kính vạn hoa” mới. Đây là phim chữa lành cho những khán giả đã có gia đình, trên 30 tuổi và là phim thú vị với các bạn gen Z, gen Alpha”.
Dự kiến, phim “Kính vạn hoa: Bắt đền con ma” có suất chiếu đặc biệt vào ngày 23/12 và chính thức ra rạp từ ngày 24/12. Phim “Chị dâu” có suất chiếu sớm vào 18 giờ ngày 19/12 và chính thức ra rạp từ ngày 20/12. Ngoài 2 bộ phim Việt được dự đoán cạnh tranh trong dịp Giáng sinh, một số bộ phim nước ngoài cũng được chiếu trong dịp này, như: “Mufasa: Vua sư tử” (18/12), “Biệt đội tí hon” (24/12), “Yêu em không cần lời nói” (20/12)…