Phim Việt khẳng định dấu ấn đột phá nhưng vẫn còn những nỗi lo
Phim Nhà nước đặt hàng 'Đào, phở và piano' trở thành hiện tượng, làm 'cháy' phòng vé; số lượng phim Việt ra rạp tăng, đạt doanh thu cao nhất từ trước đến nay… là những dấu ấn nổi bật, giúp bức tranh sáng điện ảnh Việt Nam năm 2024 thêm trọn vẹn. Thế nhưng, đằng sau gam màu sáng, điện ảnh nước nhà vẫn còn đó những nỗi lo...
Tín hiệu đáng mừng
Một điểm nhấn đáng chú ý của thị trường phim trong nước là giữa năm 2024, dự án “Đào, phở và piano” sau thời gian ngắn xuất hiện đã tạo nên cơn sốt phòng vé. Tác phẩm do Nhà nước đặt hàng nhận được sự quan tâm lớn của công chúng, đến mức phải liên tục tăng suất chiếu, phát hành ở nhiều hệ thống rạp để phục vụ khán giả.
Với những người theo dõi điện ảnh Nhà nước, bộ phim “Đào, phở và piano” là một trong những điểm sáng của điện ảnh Việt Nam năm 2024. Dù không thể so với doanh thu "khủng" của những phim thuộc dòng thương mại, giải trí, nhưng sức nóng của “Đào, phở, piano” đã mang đến luồng gió mới, tạo cái nhìn tích cực hơn của công chúng với phim do Nhà nước đặt hàng.
Bộ phim đã giành Giải thưởng Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23, Giải thưởng Cánh diều Bạc của Hội Điện ảnh Việt Nam và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn đại diện cho điện ảnh Việt Nam dự Giải thưởng Oscar 2024.
Tổng Thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Văn Tân cho rằng, thành công của bộ phim giúp người yêu mến điện ảnh lạc quan về sự đổi mới của phim nhà nước, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị mà vẫn được đông đảo khán giả đón nhận.
Song, thành công của điện ảnh Việt Nam năm vừa qua chưa dừng lại ở đó. Liên tục nhiều dự án mới ra đời, với chất lượng ngày càng được cải thiện, hấp dẫn hơn với công chúng, nhiều bộ phim xô đổ doanh thu từ trước đến nay, từ đó mang đến những điểm sáng nổi bật cho loại hình nghệ thuật thứ 7 này.
Theo thống kê năm 2024, thị phần phim nội địa chiếu rạp đạt mức 1.900 tỷ đồng trên tổng số hơn 4.600 tỷ đồng doanh thu phim chiếu rạp. Con số này có sự khởi sắc rõ so với năm 2023.
Trong số 28 phim Việt ra rạp năm 2024, có thể kể đến nhiều cái tên có doanh thu cao như: “Mai” (551 tỷ đồng), “Lật mặt 7: Một điều ước” (482 tỷ đồng), “Làm giàu với ma” (128 tỷ đồng), “Ma da” (127 tỷ đồng), “Cám” (96,3 tỷ đồng), “Gặp lại chị bầu” (92,7 tỷ đồng)...
Kết quả này đã phản ánh sự phục hồi đáng kể của phim Việt giai đoạn sau đại dịch Covid-19. Một điểm nhấn qua các bộ phim hút khách, có doanh thu lớn, theo đạo diễn Victor Vũ là nhờ vào việc các phim đã nắm bắt tốt thị hiếu khán giả.
“Điều này cho thấy vai trò rất quan trọng của yếu tố thị hiếu khán giả. Khi chạm được vào cảm xúc, vào vấn đề khán giả quan tâm, thông qua cách thể hiện có màu sắc riêng của đạo diễn thì tất yếu phim sẽ được đón nhận” - đạo diễn Victor Vũ chia sẻ.
Trên phương diện quốc tế, phim Việt cũng để lại những tiếng vang nhất định.
Tiêu biểu, phim “Cu li không bao giờ khóc” của đạo diễn Phạm Ngọc Lân giành giải thưởng Phim đầu tay xuất sắc tại Liên hoan phim Berlin 2024; phim “Mưa trên cánh bướm” của đạo diễn Dương Diệu Linh thắng giải Circolo del Cinema Verona cho phim sáng tạo nhất và giải Iwonderfull Grand Prize cho phim hay nhất tại Liên hoan phim Venice lần thứ 81; phim “Bên trong vỏ kén vàng” của đạo diễn Phạm Thiên Ân cũng nhận 2 đề cử ở giải thưởng Independent Spirit Awards là hạng mục Quay phim xuất sắc nhất và Đạo diễn đáng xem.
Trước đó, phim “Bên trong vỏ kén vàng” đã có buổi ra mắt tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 76 và giành được giải thưởng Máy quay vàng. Đây là bộ phim nói tiếng Việt thứ hai nhận được giải thưởng này sau “Mùi đu đủ xanh”.
Nỗi lo còn phía trước…
Năm 2024 được đánh giá với nhiều gam màu sáng của phim Việt, song những người quan tâm đến điện ảnh nước nhà vẫn còn đó những băn khoăn, lo lắng.
Điển hình là từ ngày 01/7/2025, chi phí khi sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim sẽ chịu mức thuế 10% (thay vì 5% như trước đây) khi Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) có hiệu lực.
Đại diện Công ty TNHH Bình Hạnh Đan cho rằng, việc tăng thuế sẽ ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất phim, có thể khiến một số nhà làm phim đặt mục tiêu lấy lợi nhuận lên trên hết.
Bởi vậy, nếu không có lộ trình mà áp dụng ngay việc áp mức thuế mới thì điều này sẽ tác động xấu đến thị trường điện ảnh, cũng như về lâu dài ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển thị trường điện ảnh trong nước vốn khá mong manh với phim nước ngoài.
Đồng quan điểm khi lo ngại ngành công nghiệp văn hóa nói chung, điện ảnh nói riêng sẽ khó chống đỡ, khi phải áp mức thuế 10% sắp tới, PGS,TS. Từ Thị Loan - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam - đề xuất việc tăng thuế VAT nên được làm theo lộ trình hoặc phân loại theo từng lĩnh vực, tránh gây sốc cho doanh nghiệp văn hóa.
Nhiều nhà sản xuất điện ảnh cũng cảnh báo, nếu việc thu thuế không cân nhắc đến đặc thù ngành nghề thì quy định này có thể gây khó khăn cho các nhà sản xuất phim, đặc biệt là với những dự án cần nguồn vốn lớn và thời gian dài để hoàn thiện.
“Thuế suất cao hơn có thể dẫn đến sự cắt giảm về chất lượng hoặc số lượng các dự án, tạo áp lực lên khán giả qua việc tăng giá vé hoặc giảm số lượng phim được chiếu rộng rãi. Điều này không chỉ gây khó khăn cho việc đầu tư vào các ý tưởng độc đáo mà còn khiến các nhà làm phim trẻ gặp trở ngại lớn khi bước vào thị trường” - một nhà làm phim tư nhân cho biết.
Việc triển khai Chiến lược phát triển Điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã mang lại một diện mạo nhiều thay đổi cho điện ảnh Việt. Phim Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng ghi nhận về nội dung và chất lượng nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường điện ảnh.
Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch
Do đó, nhiều ý kiến đề nghị chưa nên đặt ra việc thu thuế cao với điện ảnh trong nước lúc này, thay vào đó có thể áp dụng tăng thuế với nhập khẩu phim. Từ đó, dành nguồn lực để tập trung phát triển điện ảnh chuyên nghiệp, biến lĩnh vực này trở ngành mũi nhọn của công nghiệp văn hóa.
Theo lãnh đạo Cục Điện ảnh, trong bối cảnh hiện nay, khi điện ảnh là một trong những mũi nhọn để phát triển công nghiệp văn hóa, việc xây dựng những chính sách hỗ trợ để triển khai hiệu quả, phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia, xây dựng công nghiệp điện ảnh là rất cần thiết.
Trong đó, các đơn vị có thể tập trung đẩy mạnh hợp tác công, tư; huy động các nguồn lực xã hội hóa vào hoạt động sản xuất phim, phổ biến, phát hành, quảng bá phim. Ngoài chính sách chung, các địa phương cần nỗ lực hơn nữa trong việc khuyến khích, có chính sách ưu đãi để thu hút các nhà làm phim tham gia vào các vấn đề địa phương quan tâm, quảng bá...
Liên quan đến đề xuất chưa áp dụng quy định thu thuế 10% đối với hoạt động sản xuất, phát hành phim trong nước, đại diện Cục Điện ảnh cho biết đã tiếp nhận ý kiến của nhiều doanh nghiệp, nhà làm phim và sẽ trao đổi với cơ quan có thẩm quyền nhằm tìm giải pháp tháo gỡ phù hợp trên tinh thần chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp Việt, đồng thời đảm bảo chấp hành đúng quy định pháp luật về vấn đề này./.