Phim Việt: Đông tay chưa vỗ nên vui
Trong các buổi tọa đàm về điện ảnh Việt, câu chuyện kịch bản luôn được mang ra bàn luận. Giới chuyên môn cho rằng nội dung là yếu tố quyết định thắng thua của một bộ phim. Và phần lớn phim Việt thất thu ngoài phòng vé là vì thiếu câu chuyện hay, hấp dẫn, đủ sức lôi kéo khán giả.
Thất thu phòng vé
Theo số liệu thống kê từ Box Office Vietnam, sáu tháng đầu năm 2024, lần đầu tiên phim Việt chiếu rạp đạt doanh thu 1.570 tỷ đồng. Nhưng trong hơn 10 phim Việt ra rạp, chỉ ba phim có doanh thu tốt, còn lại đều thất thu nặng.
Một bộ phim thất thu ngoài phòng vé có nhiều yếu tố, nhưng then chốt vẫn là kịch bản yếu kém, nội dung không thu hút được người xem. Điều này thấy rõ trong nhiều phim ra rạp sáu tháng đầu năm 2024. Như Án mạng lầu 4 (thu 1,99 tỷ đồng) bị chê kịch bản thảm họa, triển khai câu chuyện vô lý, lòng vòng, khiến khán giả mệt mỏi, mất kiên nhẫn; Quý cô thừa kế 2 (thu 6,4 tỷ đồng) có kịch bản ôm đồm, lạm dụng yếu tố giật gân để tăng kịch tính nhưng không được xử lý triệt để thành ra vô lý, khiên cưỡng; Đóa hoa mong manh (thu 430 triệu đồng) thì kịch bản nhạt nhẽo, khó tạo sự đồng cảm; Trà (thu 1,6 tỷ đồng) là câu chuyện ngoại tình cũ rích, khiên cưỡng, phi thực tế, bất chấp logic và nhiều tình tiết không hợp với thuần phong mỹ tục; B4S - Trước giờ yêu (thu 3,8 tỷ đồng) không tạo được liên kết nên câu chuyện rời rạc, vụn vặt; Móng vuốt (thu 3,88 tỷ đồng) kịch bản khá đơn điệu, dễ đoán, không có những cú gây bất ngờ... Ngay cả Mai và Lật mặt 7 dù có doanh thu phòng vé cao nhưng cũng mắc không ít lỗi trong kịch bản.
Có bột mới gột nên hồ
Từ thực tế nhiều năm qua, các nhà làm phim như Phan Đăng Di, Nguyễn Quang Dũng, Charlie Nguyễn đều thừa nhận, điện ảnh Việt thiếu những kịch bản gốc chất lượng và lực lượng biên kịch còn thiếu, lại yếu về kỹ năng xây dựng kịch bản.
NSND - Đạo diễn Đào Bá Sơn từng nói: “Muốn bộ phim hay thì trước hết phải có kịch bản hay. Ở phòng biên tập của các hãng phim đang chất đống kịch bản nhưng lại không sử dụng được. Chúng ta có quá nhiều kịch bản tốt nhưng lại có quá ít kịch bản hấp dẫn”.
Tính đến nay, chỉ có Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đào tạo ngành Biên kịch Điện ảnh - Truyền hình hệ chính quy. Khoa Văn học của hai Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội và TP.HCM mở chuyên ngành Biên kịch Điện ảnh - Truyền hình được dăm năm. Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM chỉ có môn biên kịch phim truyện. Là trung tâm điện ảnh lớn nhất nước, biên kịch ở TP.HCM chủ yếu xuất thân từ chuyên ngành đạo diễn, văn học, báo chí và một số khóa học biên kịch ngắn hạn. Kịch bản của nhiều phim “ăn khách” như: Gái già lắm chiêu, Bố già, Lật mặt... đều là của biên kịch tay ngang. “Việc xây dựng đội ngũ biên kịch “vàng” là vấn đề vĩ mô, cần sự cố gắng tổng lực dưới sự chỉ đạo từ cơ quan quản lý và tất nhiên sẽ mất thời gian dài”, Kay Nguyễn (đồng sáng lập nhóm A Type Machine - từng tham gia viết kịch bản phim Mắt biếc, Người bất tử, Lôi báo, Hai Phượng, Tèo em…) bày tỏ.
Có thực tế là để an toàn, nhà đầu tư có thiên hướng chọn những dự án nhẹ nhàng, sinh lợi tốt, dễ “ăn khách” nên ít phim Việt có đề tài mới lạ được sản xuất. Trong một workshop về kịch bản, đạo diễn Charlie Nguyễn nói: “Tôi đã thấy quá nhiều câu chuyện thú vị, sáng tạo từ các kịch bản khi đưa vào sản xuất, nhưng rốt cuộc khi hoàn thành phim lại trở thành những thảm họa tại phòng vé. Có những bộ phim nếu không phát hành còn đỡ thiệt hại hơn vì mất thêm chi phí marketing”. Theo đạo diễn, phân tích kịch bản chính là chìa khóa then chốt để khám phá những ưu hay khuyết điểm và sơ hở trong câu chuyện, đây là yếu tố sống còn cho quá trình chỉnh sửa và hoàn thiện kịch bản.
Biên kịch Bình Bồng Bột từng kể phải viết 34 lần và mất ba năm để hoàn thiện kịch bản của phim Mai. Từ một ý tưởng ban đầu, Mai đã lần lượt được thêm da đắp thịt bởi nhiều bộ não sáng tạo khác, trong đó có đạo diễn Trấn Thành. “Đây là kịch bản của cả ê kíp và tôi biết ơn vì tất cả đã có những góp ý rất hay khiến cho công việc của tôi trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Mai đã dạy cho tôi một điều: sáng tạo phải có team (đội ngũ) thì mới có hiệu quả và đi xa được”, Bình Bồng Bột chia sẻ.
Nhiều năm qua, xu hướng chuyển thể từ văn học hay “Việt hóa” đang lấp lỗ trống kịch bản. Một số phim có doanh thu tốt hay được giải thưởng quốc tế, kịch bản được giới chuyên môn đánh giá cao như Đất rừng phương Nam, Tro tàn rực rỡ, Tiệc trăng máu, Mắt biếc, Người vợ cuối cùng... là từ văn học hay “Việt hóa”.
Mỗi năm, điện ảnh Việt sản xuất khoảng 30-40 phim chiếu rạp, kinh phí dao động từ 20-70 tỷ đồng/phim. Số lượng còn ít, song có khá nhiều phim được đầu tư chỉn chu lại thất thu vì kịch bản kém chất lượng. Chỉ khi nào giải quyết được nút thắt về kịch bản một cách bài bản và lâu dài thì phim Việt mới bớt chênh vênh về doanh thu.
“Ai cũng thấy lý do phim Việt thua lỗ. Vậy mà các nhà sản xuất phim lại không nhận ra và vẫn tiếp tục đầu tư vào những kịch bản kém chất lượng. Quan trọng nhất là khâu kịch bản không đầu tư cho đàng hoàng thì dù có quay đẹp, đầu tư nhiều tiền ở tiền kỳ và hậu kỳ cũng không phải là hay”, Một khán giả bình luận trên diễn đàn về phim Việt.