Phim Việt bao giờ cho tới… Oscar?
Dư luận đặt câu hỏi: Việc gửi phim đi tham dự vòng loại Oscar hàng năm có thực sự là việc chúng ta muốn làm, muốn thực hiện một cách nghiêm túc.
Không được “bàn tán” nhiều như Nobel Văn học, nhưng vài năm trở lại đây, sức thu hút của Oscar - giải thưởng thường niên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ - cũng khiến những người quan tâm tới điện ảnh nước nhà chờ đợi, dẫu biết rằng cơ hội tranh tài ở hạng mục Phim nước ngoài hay nhất vô cùng hiếm hoi với cả những nhà làm phim lớn của thế giới.
Chúng ta chờ đợi vào dịp mùa Thu, xem phim nào được Cục Điện ảnh gửi đi tham dự vòng sơ tuyển. Chúng ta chờ đợi vào dịp mùa Đông, xem phim có trong danh sách rút gọn hay không.
Phần lớn sự chờ đợi đều bất ngờ và cũng không bất ngờ.
Bất ngờ ở phim được gửi đi tham dự chưa hẳn đã là phim tốt nhất của điện ảnh Việt năm đó.
Không bất ngờ vì đều trượt từ… vòng gửi xe.
Năm nay, với “Đào, phở và piano”, nhiều người ngạc nhiên tại sao phim này lại được chọn? Đó không phải một phim thị trường xuất sắc, cũng chẳng phải một phim nghệ thuật chỉn chu. Dù gây sốt ở thời điểm chiếu rạp, nhưng giới chuyên môn đều không đánh giá cao tác phẩm này, thậm chí còn thấy ở đó một màn trình diễn vụng về, đậm chất kịch.
“Đào, phở và piano” bị loại từ vòng sơ tuyển. Tương tự như các năm trước.
Dư luận đặt câu hỏi: Việc gửi phim đi tham dự vòng loại Oscar hàng năm có thực sự là việc chúng ta muốn làm, muốn thực hiện một cách nghiêm túc, hay chỉ là gửi đối phó, gửi cho có? Tiêu chí để lựa chọn phim như thế nào? Một phim nghệ thuật được đánh giá cao trên trường quốc tế, một phim thương mại có thông điệp, hay một phim nhà nước đặt hàng?
Nếu giải thích như Cục Điện ảnh là lựa chọn một phim từ những phim trong nước có nhu cầu gửi tới tham dự thì e rằng cách thức này không phù hợp.
Thậm chí, nếu có những phim dở gửi tới (quyền được tham dự mà), rồi lựa chọn một phim đỡ dở nhất từ những phim dở ấy gửi đi Oscar thì vẫn là hợp lệ, là đúng sao?
Chọn một bộ phim đưa ra với thế giới không chỉ là chất lượng của riêng phim đó mà còn là gương mặt của một nền điện ảnh, là thể diện văn hóa của một dân tộc, là khát khao gia nhập sân chơi lớn.
Thế nên, không thể ngồi chờ một cách bị động, không thể lấy cớ rằng phim A phim B dù tốt dù hay nhưng không tham dự thì chúng tôi không có quyền gửi đi. Lập luận như vậy hời hợt và thiếu trách nhiệm.
Sự hiện diện của phim “Gia tài của ngoại” của điện ảnh Thái Lan trong danh sách rút gọn 15 phim nước ngoài hay nhất tại giải Oscar năm nay đã cho chúng ta đáp án: Không phải cứ nhiều tiền mới làm được phim hay. Không phải cứ đề cập những điều lớn lao mới được Oscar chú ý.
Hơn 30 năm trước, điện ảnh Thái bước thụt lùi, còn giờ đây, họ đã vượt ra ngoài châu Á. Những phim Thái oanh tạc phòng vé Việt vài năm nay cho thấy họ hồi sinh mạnh mẽ thế nào.
Còn điện ảnh Việt: Bao giờ cho tới… Oscar?