Phim Việt 2025: Hợp lực vượt qua khó khăn
Sau thành công về doanh thu trong năm 2024, điện ảnh Việt tiếp tục đà phát triển mạnh mẽ trong năm 2025. Điều đáng chú ý là sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa các đơn vị sản xuất, tạo nên một cộng đồng làm phim vững mạnh và sẵn sàng đương đầu với những thách thức luôn tiềm ẩn.
Nhiều dự án lớn
Nếu không tính 3 bộ phim sẽ ra mắt vào mùa phim tết gồm: Nụ hôn bạc tỷ, Bộ tứ báo thủ và Yêu nhầm bạn thân, điện ảnh Việt trong năm 2025 sẽ còn rất nhiều tác phẩm hứa hẹn. Như thường lệ, dịp 30-4 và 1-5 hàng năm đã gắn liền với thương hiệu Lật mặt. Năm nay, franchise (thương hiệu nhượng quyền) này đã bước đến phần thứ 8. Theo tiết lộ của đạo diễn Lý Hải: “Tôi không dám hứa hẹn cao xa, chỉ mong là bộ phim chạm đến trái tim của khán giả”. Lật mặt 8: Vòng tay nắng sẽ là sự pha trộn của nhiều yếu tố từ tình cảm gia đình, hành động, hài hước và phần âm nhạc chiếm đến 30%.
Cũng trong tháng 4, không thể không nhắc đến Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên) - tác phẩm hướng đến dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Phim lấy bối cảnh năm 1967 khi chiến tranh Việt Nam ngày càng khốc liệt. Đội du kích 21 người do Bảy Theo chỉ huy tại căn cứ Bình An Đông trở thành mục tiêu tìm và diệt số 1 của quân đội Mỹ, khi nhận nhiệm vụ bằng mọi giá phải bảo vệ một nhóm thông tin tình báo chiến lược mới đến ẩn náu tại căn cứ.
Bộ phim là những câu chuyện đan xen giữa tình đồng đội, tình yêu và khát khao sống của những người lính, nhưng trên hết vẫn là nghĩa vụ và sự hy sinh vì Tổ quốc. Dàn diễn viên Thái Hòa, Cao Minh, Quang Tuấn, Hồ Thu Anh…, được đạo diễn Bùi Thạc Chuyên lựa chọn rất tỉ mỉ. Bản thân họ cũng đã được trải qua những buổi luyện tập thao trường, sinh hoạt cùng bộ đội du kích, để hiểu rõ hơn về cuộc sống và tâm lý của nhân vật trong bối cảnh chiến tranh, cũng như được truyền lửa cho vai diễn của mình. Phim khởi chiếu ngày 4-4-2025.
Trước đó trong tháng 2, sau mùa phim tết, thị trường cũng chào đón 2 tác phẩm mới gồm: Đèn âm hồn (đạo diễn Hoàng Nam) và Nhà gia tiên (đạo diễn Huỳnh Lập). Cả hai bộ phim đều tập trung khai thác cái nhìn đa góc về đời sống tâm linh, những dấu ấn của văn hóa Việt với mong muốn lan tỏa những giá trị truyền thống của dân tộc.
Đầu tháng 3 sẽ có 2 tác phẩm dự kiến cùng ra mắt là Chốt đơn (đạo diễn Bảo Nhân - Namcito) và Quỷ nhập tràng (đạo diễn Pom Nguyễn). Dựa trên câu chuyện thời sự về ngành nghề đang rất hot hiện nay - livestream, Chốt đơn mong muốn truyền tải những giá trị tích cực về những điều giản dị, chân thành và tử tế trong cuộc sống. Trong khi đó, Quỷ nhập tràng với màu sắc tâm linh kinh dị xoay quanh câu chuyện về một ngôi làng chuyên nghề mai táng.
Trong các dự án đã công bố trong năm 2025, không thể không nhắc đến Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu - tác phẩm đánh dấu chặng đường 20 năm làm nghề của đạo diễn Victor Vũ. Phim sẽ đi sâu khai thác nhân vật thầy Kiên trong Người vợ cuối cùng.
Tìm cơ hội trong thách thức
Tuy có những thành công lớn trong năm 2024 với hàng loạt kỷ lục của phim Việt nói riêng và toàn thị trường điện ảnh Việt nói chung, nhưng năm 2025 được dự đoán vẫn còn không ít thách thức đối với các nhà làm phim. Trước mắt, việc tăng thuế VAT từ 5% lên 10% sẽ có những tác động trực tiếp, theo đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình: “Các đơn vị sẽ phải ngồi lại và tìm cách để đưa ra phương hướng thích hợp, có thể tăng giá vé hoặc một cách nào khác để bù lại khoản tăng đó. Nhưng nếu tăng giá vé quá nhiều có thể sẽ hạn chế khán giả ra rạp”.
Một hệ quả khác là việc kêu gọi đầu tư cho sản xuất phim cũng sẽ bị tác động. Lý do là bởi phim ảnh hiện vẫn là kênh đầu tư rủi ro, nhiều mạo hiểm. Các đơn vị sản xuất cho rằng, các nhà đầu tư ngoài ngành sẽ lựa chọn những kênh đầu tư truyền thống thay vì điện ảnh vì có tính an toàn hơn.
Trong khó khăn có một tín hiệu tích cực, đó là sự đồng lòng, hợp tác giữa các đơn vị sản xuất để hạn chế rủi ro xuống mức thấp nhất. Đây là xu hướng đã hình thành thời gian qua và trong năm 2025 tiếp tục mang tính chủ đạo. Theo đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình: “Tôi nghĩ các nhà làm phim sẽ phải tìm cách. Chỉ có sự kết hợp với nhau điện ảnh Việt mới phát triển. Càng khó khăn các đơn vị càng phải kết nối với nhau để tìm ra phương hướng phát triển cho điện ảnh. Tình thế khó khăn này cũng là cơ hội để các đơn vị bắt tay nhau nhiều hơn”.