Phim truyền hình về Cảnh sát hình sự: Hấp dẫn khán giả nhờ nhiều gương mặt mới

Không chỉ lên sóng với tần suất dày hơn, phim về Cảnh sát hình sự được kỳ vọng ngày càng mới mẻ hơn với sự nhập cuộc tích cực của đội ngũ sáng tạo mới, trẻ và giàu nhiệt huyết.

Sức trẻ, nhiệt huyết và… cầu toàn

Những ngày này, khán giả yêu thích dòng phim điều tra, phá án có thêm một "món ăn" mới - phim truyền hình "Độc đạo". Hội tụ đông đảo diễn viên giàu thực lực, trong đó có nhiều gương mặt quen thuộc với các phim Cảnh sát hình sự thời gian qua như: NSND Bùi Bài Bình, NSƯT Chí Trung, NSƯT Hoàng Hải, NSƯT Hồ Phong, NSƯT Nguyệt Hằng, Doãn Quốc Đam, Hà Việt Dũng, Bảo Anh, Duy Hưng, Việt Hoa, Duy Nam, Hà Trung…, nhưng bộ phim "Độc đạo" lại được "cầm trịch" bởi những gương mặt trẻ là bộ đôi đạo diễn Phạm Gia Phương, Trần Trọng Khôi.

Phim truyền hình về Cảnh sát hình sự được sản xuất, phát sóng nhiều hơn trong những năm gần đây.

Phim truyền hình về Cảnh sát hình sự được sản xuất, phát sóng nhiều hơn trong những năm gần đây.

Đồng hành cùng biên kịch Vũ Liêm - tác giả gắn liền với rất nhiều dự án phim điều tra, phá án những năm qua - có biên kịch Phạm Đình Hải, gương mặt còn khá mới với dòng phim Cảnh sát hình sự. Bởi lẽ, "Độc đạo" là kịch bản thứ 2 của Phạm Đình Hải về dòng phim này, sau thành công của "Biệt dược đen". Khán giả yêu thích bộ phim "Đội điều tra số 7" của Điện ảnh CAND cũng chuẩn bị đón chào sự phần II của phim với nhiều hứa hẹn mới. Dự kiến lên sóng vào cuối năm 2024, "Đội điều tra số 7" phần II được "cầm trịch" bởi một gương mặt không mới với "làng" điện ảnh Việt, nhưng rất mới với phim Cảnh sát hình sự. Đó là đạo diễn Đinh Tuấn Vũ.

Cùng nhau khai phá mảnh đất mới, những người làm phim trẻ giàu nhiệt huyết và đam mê đã có nhiều nỗ lực. Như chia sẻ của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ là trước khi bấm máy "Đội điều tra số 7", anh đã dành nhiều tháng để tìm đọc sách, tư liệu liên quan để có thêm thật nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Bộ đôi đạo diễn Phạm Gia Phương, Trần Trọng Khôi cũng tiết lộ, cả hai đã theo đuổi dự án phim "Độc đạo" từ nhiều năm trước. Mãi đến khi thành công với phim "Biệt dược đen" - một dự án phim truyền hình về Cảnh sát hình sự của Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam - cả hai mới được tin tưởng giao làm phim "Độc đạo". Với họ, đây là thử thách nhiều thú vị nhưng cũng đầy áp lực. Để làm phim, cả 2 đạo diễn phải cố gắng đến 200% so với thông thường. Tất nhiên, kèm theo đó là sự cầu toàn.

"Bối cảnh phim là cuộc chiến đấu của các chiến sĩ Cảnh sát phòng, chống tội phạm ma túy với các băng đảng ở vùng biên. 80% cảnh quay thực hiện ngoài trời và ở vùng rừng núi. Trong điều kiện thời tiết mưa bão nhiều như năm nay, đây là công việc nhiều thử thách. Có những cảnh phải quay, chúng tôi thực hiện ở 3 cánh rừng khác nhau, vào các ngày khác nhau. Có những hôm trời mưa rất to, có những hôm chỉ hoàn thành được 2/3 bối cảnh quay đấy, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm quay đến cùng. Từ diễn viên gạo cội đến diễn viên trẻ, chưa thấy ai nói rằng mệt quá, không thể nào quay nữa… Những chuyến lặn lội vào rừng sâu, không ngày nào quay về mà diễn viên, ê kíp không để lại trên người vài con vắt. Có hôm mưa bão, đoàn đi lên xong lại quay về. Nói thật lòng, chúng tôi phải cảm ơn anh em nghệ sĩ, đạo diễn hình ảnh rất nhiều vì đã cùng cố gắng với chúng tôi để có những thước phim hấp dẫn", đạo diễn Phạm Gia Phương chia sẻ.

Nỗ lực sáng tạo để có những tác phẩm hấp dẫn hơn

Sự nhập cuộc của những gương mặt mới được gửi gắm nhiều kỳ vọng, không chỉ với khán giả mà cả những người trong nghề. Nói như cách chia sẻ của NSƯT Nguyệt Hằng là chị bị nhiệt huyết của các bạn trẻ kéo đi. Có những cảnh quay, chị phải đi về hàng trăm km và lên đến 3 lần mới hoàn thành. Tuy nhiên, không khí làm phim cùng với những góc nhìn trẻ trung, cách làm phim hiện đại của những người sáng tạo trẻ khiến các diễn viên như chị cũng bị cuốn hút theo. Hy vọng, sau hành trình nhiều vất vả, khán giả sẽ có những bộ phim Cảnh sát hình sự thú vị, mới lạ, hấp dẫn hơn nữa.

Trao đổi với chúng tôi quanh câu chuyện này, biên kịch Vũ Liêm, Phó Giám đốc Điện ảnh CAND cho hay, trong các dự án phim mà bản thân tham gia gần đây, biên kịch Vũ Liêm đánh giá cao một số cách thể hiện khá mới mẻ của những người thực hiện. Đầu tiên là trong khâu tạo hình. Các nhà làm phim đã mang tới cho khán giả những "diện mạo" phản ánh rõ ý đồ sáng tạo. Trong "Độc đạo" là ông trùm Lê Toàn với mái tóc bạc trắng như nhằm ẩn dụ cho việc muốn tẩy trắng quá khứ nhưng giờ đây thân thể đã già nua suy kiệt. Cũng như vậy ở phần II của "Đội điều tra số 7", nhân vật hung thủ luôn xuất hiện với gương mặt đầy phấn vì không đủ tự tin để người khác thấy khiếm khuyết của mình. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào cảnh quay với nhiều khuôn hình ấn tượng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng không khí căng thẳng và lôi cuốn khán giả.

"Ở phần tiếp theo của "Đội điều tra số 7", đạo diễn hình ảnh thường sử dụng những góc máy lạ, như cận cảnh khuôn mặt nhân vật để khắc họa sự lo lắng, căng thẳng hoặc ánh mắt hoài nghi. Ngoài ra, các cảnh toàn, với khung hình rộng, giúp khán giả bao quát bối cảnh, từ con hẻm tối đến văn phòng cảnh sát ngột ngạt, góp phần gợi mở không gian đầy bí ẩn và nguy hiểm. Kỹ thuật chuyển động máy quay, như "Pan" hay "Tracking shot", thường được dùng để theo dõi các nhân vật khi họ di chuyển trong những cuộc rượt đuổi kịch tính, làm tăng tính hồi hộp và cảm giác thực tế. Những yếu tố này, kết hợp cùng ánh sáng và màu sắc phù hợp, giúp các bộ phim hình sự tạo nên chiều sâu và sự lôi cuốn không thể rời mắt", Vũ Liêm chia sẻ.

Ở góc độ chuyên môn của mình biên kịch Vũ Liêm nhấn mạnh vào ngôn ngữ thoại đã được các tác giả dụng công sáng tạo, chuyển hóa ngôn ngữ từ đời sống lên phim một cách sinh động nhưng vừa đủ khơi gợi cảm xúc và làm rõ tính cách nhân vật cũng như tình tiết trong phim. Theo Vũ Liêm thì ngôn ngữ thoại trong các bộ phim hình sự truyền hình đóng vai trò quyết định trong việc tạo nên sức hấp dẫn của câu chuyện. Những câu thoại ngắn gọn, sắc bén thường mang tính chất đối đầu, tạo cảm giác căng thẳng và khơi gợi sự tò mò ở khán giả. Lời thoại của nhân vật chính có thể chứa đựng những ẩn ý, mâu thuẫn nội tâm, hoặc là những lời thách thức, đe dọa đầy kịch tính từ kẻ phản diện. Sự châm biếm, mỉa mai trong lời nói thường được sử dụng để khắc họa tính cách của các nhân vật thông minh, sắc sảo, trong khi những câu hỏi dồn dập, khẩn trương khiến khán giả bị cuốn vào cuộc điều tra. Đối với những cuộc đối thoại trong phòng thẩm vấn, từng câu chữ đều như những cú đánh tâm lý, bóc tách sự thật từ nhân vật, khiến khán giả luôn hồi hộp, chờ đợi diễn biến tiếp theo. Ngôn ngữ thoại sinh động, sắc bén giúp bộ phim hình sự trở nên cuốn hút, nâng cao chiều sâu cho từng tình huống và mối quan hệ trong câu chuyện.

Dù vậy trong giới hạn các bộ phim truyền hình trên màn ảnh nhỏ thì chủ thể theo dõi chính là khán giả. Các hướng tiếp cận mới nhằm mục đích mang tới cho khán giả những món ăn tinh thần ngày càng chất lượng, đồng thời đưa những thông điệp ý nghĩa tới cộng đồng. Khán giả theo dõi rồi chia sẻ những điều mình ấn tượng, thích thú về các bộ phim hình sự cũng như góp ý những cái chưa được trên các diễn đàn là động lực rất lớn cho những người sáng tạo. Biên kịch Vũ Liêm tin rằng thời gian tới sự phát triển của dòng phim hình sự ở Việt Nam sẽ có những bước chuyển biến đặc biệt theo hướng tích cực bởi chính sự quan tâm theo dõi của khán giả.

Ngọc Nguyễn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-hoa/phim-truyen-hinh-ve-canh-sat-hinh-su-hap-dan-khan-gia-nho-nhieu-guong-mat-moi-i744602/
Zalo