Phim truyện điện ảnh Việt 2025 có thể khác?
Cuộc đua phòng vé của phim Việt đang sôi nổi nhưng dường như vẫn hiếm hoi 'rực rỡ' về chất lượng, tư duy.
![Phim 'Bộ tứ báo thủ' gây tranh cãi về chất lượng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_181_51487387/aee090eca3a24afc13b3.jpg)
Phim 'Bộ tứ báo thủ' gây tranh cãi về chất lượng.
Khởi điểm này khá tương đồng với năm qua nên không khỏi thấp thỏm: Liệu phim truyện điện ảnh Việt 2025 có thể khác?
Nhìn lại, phim truyện điện ảnh 2024 dù có sự phát triển về bề rộng, số lượng phim ra rạp cùng tổng doanh thu phòng vé cao hơn; sôi nổi liên hoan phim quốc tế ở Bắc – Trung – Nam; mở nhiều cơ hội hợp tác, quảng bá điện ảnh... nhưng tư duy làm phim, chất lượng phim vẫn là điều chưa thể khác.
Dòng phim kinh dị lên ngôi
Tiếp nối thành công đầy bất ngờ của “Quỷ cẩu” (ra rạp cuối năm 2023), các phim kinh dị Việt nối tiếp nhau ra rạp: “Ma da” (đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng), “Cám” (đạo diễn Trần Hữu Tấn), “Làm giàu với ma” (đạo diễn Nguyễn Nhật Trung), “Linh miêu: Quỷ nhập tràng” (đạo diễn Lưu Thành Luân).
Trong đó, “Làm giàu với ma” và “Ma da” vinh dự gia nhập câu lạc bộ trăm tỉ của điện ảnh Việt. Điều đáng nói là danh sách này của năm 2024 chỉ có 4 phim, trong đó đứng đầu là “Mai” của Trấn Thành, sau đó có “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải (căn cứ theo số liệu của Box office Việt Nam).
Yếu tố dân gian khai thác từ cổ tích, truyền thuyết để kể một câu chuyện vừa có yếu tố quen thuộc vừa mới mẻ là một hướng đi tốt. Điều này đã được nhà sản xuất tổng hợp, phân tích từ thành công và thất bại của những phim đi trước. Ví như phim “Cám” được khai triển từ truyện cổ tích Tấm Cám.
Phim “Ma da” lấy cảm hứng từ truyền thuyết dân gian “ma da kéo giò” vùng sông nước. Hay “Linh miêu: Quỷ nhập tràng” lấy cảm hứng từ truyền thuyết dân gian về quỷ nhập tràng. Những “cơn cớ” này góp phần kể một câu chuyện có tính gần gũi với phong tục, văn hóa và tâm lý người Việt.
Ở góc độ kịch bản, các phim này chưa thực sự thuyết phục khán giả. Vẫn còn đó sự đơn giản, dễ đoán, những chi tiết không hợp lý, thiếu những hồi hộp kịch tính và bất ngờ đến nghẹt thở - bí quyết hút người xem của dòng phim kinh dị.
Nhưng về tổng thể, cả đạo diễn và nhà sản xuất đều có kinh nghiệm từ các sản phẩm trước đó, nên mạnh tay đầu tư vào hình ảnh, bối cảnh, trang phục, đạo cụ. Với các phim cần hóa trang như “Cám”, nhà sản xuất tiết lộ đã tiêu tốn gần 1 tỉ đồng cho mặt nạ của nhân vật Cám.
Phần làm hậu kỳ với kĩ xảo, âm thanh, âm nhạc và chỉnh màu phim cũng được thực hiện chỉn chu. So với các sản phẩm bị coi là thảm họa như “Virus cuồng loạn”, “Cù lao xác sống” thì thực sự là một cuộc cách mạng.
Thành công về doanh thu chiếu rạp của các phim kinh dị Việt cho thấy khán giả đã từng bước chấp nhập và ủng hộ những tìm tòi, nỗ lực của các nhà làm phim trước một thể loại còn mới mẻ của điện ảnh nước nhà.
Lựa chọn rạp phim để đáp ứng nhu cầu giải trí cũng được khán giả coi trọng hơn, bởi tính hiện đại, tính đại chúng của điện ảnh. Giá thành một vé xem phim cũng chỉ nhỉnh hơn tách cà phê ở quán.
Tuy không thể so sánh với những bom tấn kinh dị của Hollywood, cũng không thể so sánh với các siêu phẩm khuấy đảo phòng vé của Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan, nhưng nhà làm phim Việt có lợi thế sân nhà.
Mới đây, nhà sản xuất phim “Quỷ cẩu” đã hé lộ thông tin về “vũ trụ phim kinh dị Việt”, với kế hoạch đến năm 2030, xây dựng các phim dựa theo các con vật trong truyền thuyết dân gian như heo năm móng, chuột ngũ sắc, hổ tinh, ngư tinh… Mở rộng thị phần cho dòng phim kinh dị, song cần tránh sự vội vàng, đưa ra các sản phẩm “mì ăn liền” gây thừa thãi.
![Phim 'Nụ hôn bạc tỷ' đang có sự bứt tốc về doanh thu phòng vé.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_181_51487387/a3209e2cad62443c1d73.jpg)
Phim 'Nụ hôn bạc tỷ' đang có sự bứt tốc về doanh thu phòng vé.
Hào nhoáng mà không… rực rỡ
Trong năm qua, điện ảnh nước nhà cũng chứng kiến nhiều “cuộc chơi” tốn kém. Gần nhất là phim “Công tử Bạc Liêu”. Dù nhà sản xuất không tiết lộ kinh phí cụ thể, nhưng nhìn vào những khung hình đẹp, từ bối cảnh đến trang phục, đạo cụ được thiết kế riêng phục vụ cho từng cảnh quay, có thể thấy đây là một dự án tốn kém.
Góc độ sản xuất đã “trăm thứ bà giằn”. Chỉ riêng kinh phí để chế tác chiếc máy bay của vị công tử nổi tiếng ăn chơi đã mất hơn nửa tỉ đồng. Khâu truyền thông, quảng cáo từ thời điểm bắt đầu dự án đến khi phim ra rạp cũng ngốn số tiền khủng, chưa tính tỉ lệ ăn chia với nhà rạp.
Thường khi kỳ vọng nhiều, thất bại cũng sẽ nhiều. Trường hợp này không chỉ xảy ra với “Công tử Bạc Liêu”. Ra rạp trước phim này khoảng một tháng, “Ngày xưa có một chuyện tình” (đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh) dù có doanh thu khá hơn (hơn 40 tỉ đồng), chi phí sản xuất lại không tốn kém bằng, nhưng vẫn là một thất bại, dù mọi khâu chuẩn bị đều khá hoàn hảo, từ nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên… đến cả thương hiệu “vũ trụ điện ảnh Nguyễn Nhật Ánh”.
“Kỳ vọng” cũng là tâm lý chung của các nhà sản xuất, đạo diễn. Cũng phải thôi. Ai mà chẳng mong muốn đứa con tinh thần của mình được đông đảo khán giả yêu mến. Thời điểm ra mắt phim “Móng vuốt”, đạo diễn Lê Thanh Sơn cho rằng để phim hòa vốn và có lời thì doanh thu phải ở ngưỡng 300 tỉ đồng.
Đây là một dự án được ấp ủ từ lâu. Bản thân đạo diễn được giới trong nghề biết đến, từng có phim thu về hơn trăm tỉ. Công tác truyền thông cho phim cũng được đẩy mạnh. Song thực tế thu về từ chiếu rạp chưa đầy 4 tỉ đồng. Không còn là bất ngờ nữa, mà là sốc nặng.
Tiền tỉ vẫn là con số lớn, nếu như so sánh với các phim chỉ bán vé được vài trăm triệu, thậm chí vài chục triệu. “Đóa hoa mong manh” được giới thiệu là quay và làm hậu kỳ ở Mỹ, chủ đề có tính giải trí cao nhưng chỉ thu về hơn 400 triệu đồng, thấp nhiều lần so với “Kiều” – phim đầu tiên của nhà sản xuất Mai Thu Huyền cũng bị thua lỗ nặng nề. “Biệt đội hot girl” là phim có doanh thu chiếu rạp thấp nhất 2024 (chưa đầy 70 triệu đồng), dù phim được truyền thông là có bối cảnh quay ở nhiều quốc gia, quy tụ những diễn viên tên tuổi.
Tất nhiên, lợi nhuận không phải là tiêu chí duy nhất đánh giá một bộ phim. “Sáng đèn” (đạo diễn Hoàng Tuấn Cường) là một phim khá, nhưng cách dựng phim có phần luộm thuộm.
Các phim có hướng tìm tòi như “Án mạng lầu 4” (phim remake, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn) hay phim được đánh giá cao ở các liên hoan phim quốc tế như “Cu li không bao giờ khóc” (đạo diễn Phạm Ngọc Lân) thì lại kén khán giả. Song nhìn chung, kịch bản vẫn là điểm yếu nhất của phim Việt.
Nếu chỉ nhìn vào doanh thu chiếu rạp năm vừa qua (khoảng 2.000 tỉ đồng) và so với năm trước đó rồi đưa ra nhận định rằng điện ảnh nước nhà đang phát triển, công nghiệp điện ảnh đang hình thành thì e rằng nhận định đó đầy sơ hở, bởi số lượng phim ra rạp nhiều hơn, trong đó phim thua lỗ chiếm đến 2/3.
Hai điểm sáng rực rỡ là “Mai” và “Lật mặt 7: Một điều ước” chiếm tới hơn một phần hai tổng doanh thu. Và ngay cả ở các phim điện ảnh lãi đậm này, yếu tố “truyền hình” vẫn thể hiện rất rõ, cho thấy chất lượng phim Việt chưa vượt lên khỏi vùng trũng – cái vùng trũng mà chúng ta tự sa vào nhiều năm nay.
![Phim 'Yêu nhầm bạn thân' chưa đạt như kỳ vọng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_181_51487387/354509493a07d3598a16.jpg)
Phim 'Yêu nhầm bạn thân' chưa đạt như kỳ vọng.
Vẫn nỗ lực tiếp cận thị trường
Điện ảnh giống như một cỗ máy tiêu tiền và cũng sản sinh ra rất nhiều tiền. Những bộ phim lớn trên thế giới được đầu tư lên tới hàng trăm triệu USD, doanh thu có khi cả tỉ USD. Phim Việt được đầu tư vài triệu USD đã là con số lớn. Và tất nhiên, nếu thắng thì niềm vui sẽ nhân lên rất nhiều.
Vậy nên, sang 2025, việc tiếp tục tiếp cận thị trường là một hướng đi không thể khác, ngay cả khi chúng ta có dùng những mỹ từ như “công nghiệp điện ảnh”, “công nghiệp văn hóa”.
Về phía các đơn vị quản lý như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh, các hội nghề nghiệp như Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh hay Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam tiếp tục có nhiều hoạt động quảng bá, liên kết ở phạm vi trong nước và nước ngoài, thể hiện qua các hội thảo, các liên hoan phim quốc tế.
Năm 2024, lần đầu tiên chúng ta có tới 3 liên hoan phim quốc tế tổ chức ở ba thành phố lớn: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Thành phố Hồ Chí Minh không che giấu mục tiêu trở thành Thành phố Điện ảnh. Các tỉnh, thành như Nha Trang, Phú Yên, Tuyên Quang, Ninh Bình cũng đưa ra những cam kết tốt nhất cho các đoàn làm phim khi chọn bối cảnh quay ở địa phương mình.
![Dù xuất sắc về doanh thu, song phim 'Mai' (2024) vẫn thể hiện rõ yếu tố 'truyền hình'.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_181_51487387/07ff44f377bd9ee3c7ac.jpg)
Dù xuất sắc về doanh thu, song phim 'Mai' (2024) vẫn thể hiện rõ yếu tố 'truyền hình'.
Việc triển khai thực hiện Đề án Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam sẽ mang đến những cơ hội thực tế gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng, nguồn vốn, các quỹ phát triển, lộ trình đào tạo, nguồn nhân lực… Tất nhiên, đó là câu chuyện lâu dài, cần một nhạc trưởng, một trung tâm điều phối, nếu không sẽ xảy ra tình trạng dẫm chân nhau, cái thiếu cứ thiếu, cái thừa vẫn thừa.
Khi có rất nhiều khó khăn phải đối diện, giới làm phim còn thêm phần e ngại bởi Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) áp thuế 10% (thay vì 5% như trước đó) đối với lĩnh vực văn hóa (trong đó có sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim). Mức thuế này không làm khó với các phim có lãi cao nhưng sẽ gây áp lực thêm cho nhà sản xuất không tiếp cận được thị trường. Đầu tư cho dự án phim khi ấy thực sự là một canh bạc.
“Điện ảnh: Sáng tạo - Cất cánh” là chủ đề của Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ 7, thể hiện kì vọng, mục tiêu phát triển của điện ảnh nước nhà. Trong ngành hàng không dân dụng, muốn cất cánh, ngoài máy bay và ê-kíp phục vụ trên chuyến bay thì phải có hạ tầng cảng hàng không, hệ thống kiểm soát không lưu và rất nhiều bộ phận phục vụ khác. Một hạ tầng đồng bộ cho điện ảnh – mong lắm thay!
Khai màn năm 2025 là các phim: “Bộ tứ báo thủ”, "Nụ hôn bạc tỷ", "Yêu nhầm bạn thân" và "Đèn âm hồn". Bộ phim của Trấn Thành - “Bộ tứ báo thủ” tiếp tục dẫn đầu doanh thu phòng vé sau gần 3 tuần ra rạp đã đạt hơn 300 tỷ đồng. “Nụ hôn bạc tỷ” của Thu Trang bước vào cuộc đua doanh thu vài trăm tỷ đồng còn "Đèn âm hồn" cũng đang có sự bứt tốc. Riêng “Yêu nhầm bạn thân” là chững lại với vài chục tỷ đồng. Dù một số phim khá thành công về phòng vé song chưa có sự khác biệt về chất lượng, thậm chí “Bộ tứ báo thủ” còn gây tranh cãi.