Phim tài liệu 'Những người hát bè trầm': Bản anh hùng ca thầm lặng của lực lượng hậu cần - kỹ thuật trong kháng chiến

Phim tài liệu "Những người hát bè trầm" khắc họa chân thực vai trò thầm lặng mà vĩ đại của lực lượng hậu cần - kỹ thuật trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam là bản hùng ca ghi dấu không chỉ bởi những trận đánh oanh liệt, mà còn bởi sự kiên cường, bền bỉ, âm thầm của những con người đứng phía sau chiến tuyến. Họ là những chiến sĩ hậu cần - kỹ thuật, những người lính không cầm súng trực tiếp xông pha chiến trường, nhưng lại là mắt xích sống còn trong chiến thắng của cả dân tộc. Bộ phim tài liệu "Những người hát bè trầm" chính là lời tri ân, là khúc hát ngợi ca những người hùng thầm lặng ấy.

Với giọng kể trầm lắng nhưng đầy cảm xúc, bộ phim dẫn dắt người xem ngược dòng thời gian, trở về giai đoạn 1954 - 1975, khi hậu phương lớn miền Bắc được xây dựng thành pháo đài vững chắc về hậu cần - kỹ thuật, sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Từ đó, một hệ thống tổ chức bài bản, liên hoàn giữa hậu cần Nhà nước - quân đội - nhân dân được hình thành và vận hành hiệu quả, tạo nên thế trận vững chắc phục vụ chiến đấu.

Trong phim cũng nhắc đến đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn, một kỳ tích của quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, một "con đường của ý chí quyết chiến quyết thắng và lòng dũng cảm, của khí phách một dân tộc anh hùng". Đó là tuyến đường huyền thoại, bởi đây không chỉ là một tuyến chi viện chiến lược quy mô lớn mà còn là một chiến trường thực sự, nơi đấu trí, đấu lực quyết liệt. Những đoàn xe cơ giới chở súng pháo, vũ khí đạn dược hướng tới miền Nam. Hệ thống đường ống xăng dầu vượt sông, vượt suối, băng qua núi đèo, lửa đạn Đông - Tây hai ngả Trường Sơn hướng ra mặt trận. Đoàn xe chạy vì miền Nam phía trước. Những trái tim căng sức sống đôi mươi khao khát hòa bình.

Những câu chuyện như của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Viết Sinh - người đã gùi hơn 55 tấn hàng trên lưng, vượt quãng đường dài tương đương một vòng trái đất - khiến người xem không khỏi xúc động, thán phục trước ý chí và tinh thần thép.

Bên cạnh đó, những lời kể chân thực của các nhân chứng như Thiếu tướng Võ Sở - nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Trường Sơn, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, bác sĩ Tạ Lựu, hay Đại tá -Tiến sĩ Lê Thanh Bài, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu - nguyên kỹ sư khảo sát, thiết kế đường ống xăng dầu Trường Sơn… giúp tái hiện một cách sinh động thế trận hậu cần - kỹ thuật trong chiến tranh, đặc biệt là vai trò then chốt của lực lượng này trong chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, mở đường cho đại thắng mùa xuân 1975.

Chiến tranh đã qua đi trọn vẹn nửa thế kỷ, những chiến sĩ hậu cần - kỹ thuật từng chiến đấu, công tác kiên cường, bất khuất trong kháng chiến chống Mỹ năm xưa giờ đều đã vảo tuổi xưa nay hiếm. Song những chiến công của họ vẫn hiển hiện trong những trang sử vàng, trên những tấm bia di tích hay công trình tưởng niệm và đặc biệt là sẽ mãi lưu truyền đến các thế hệ mai sau thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật để chúng ta sẽ luôn nhớ về vẻ đẹp tâm hồn và giá trị nhân văn cao cả của anh bộ đội cụ Hồ nói chung và người chiến sĩ hậu cần - kỹ thuật nói riêng trong những năm kháng chiến chống Mĩ, cứu nước, một biểu hiện của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Họ chính là những nốt trầm rạng rỡ mà đầy xao xuyến trên cung đàn thống nhất non sông.

Bộ phim tài liệu nghệ thuật "Những người hát bè trầm" là bản trường ca về tinh thần dân tộc, lòng yêu nước và sự hy sinh lặng lẽ. Bộ phim góp phần khắc họa rõ nét hình ảnh "anh bộ đội Cụ Hồ" mà cụ thể là những người chiến sĩ hậu cần - kỹ thuật trong chiến tranh và cả trong thời bình.

Theo vtv.vn

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202504/phim-tai-lieu-nhung-nguoi-hat-be-tram-ban-anh-hung-ca-tham-lang-cua-luc-luong-hau-can-ky-thuat-trong-khang-chien-d684fa7/
Zalo