Phim nhựa và cuộc đua với thời gian

Dù công nghệ số len lỏi vào mọi ngóc ngách cuộc sống, gồm cả điện ảnh, phim nhựa vẫn giữ vị trí đặc biệt trong lòng người yêu nghệ thuật thứ bảy. Những người bảo tồn đang chạy đua với thời gian để bảo vệ những thước phim quý giá mang ký ức, giá trị tinh thần của quá khứ.

Phát triển kỹ thuật số nhưng không từ chối phim nhựa

Phim nhựa có mặt ngay từ những ngày đầu sơ khai của điện ảnh thế giới. Những thước phim nhựa đã ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ, những câu chuyện xúc động, các tác phẩm nghệ thuật kinh điển. Chất lượng hình ảnh của phim nhựa đã tạo nên một vẻ đẹp riêng biệt.

Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, phim ảnh dần phổ biến với định dạng kỹ thuật số. Có ưu điểm vượt trội như thuận lợi trong quá trình quay, dựng phim, chi phí sản xuất thấp, phim kỹ thuật số được nhiều nhà làm phim lựa chọn. NSND Nguyễn Hữu Tuấn, người dành cả đời làm phim nhựa nêu thực tế: “Điện ảnh phim nhựa đã qua. Phim nhựa cồng kềnh, phiền phức và hiệu quả chưa chắc bằng số. Quay phim kỹ thuật số đã được lập trình, người quay không phải lo âu, khó khăn, khắc phục những hạn chế vật liệu của phim nhựa. Tuy vậy, dù cả đời vật lộn, khổ sở với vật liệu ấy, tôi vẫn thích phim nhựa”.

Phim nhựa vẫn giữ vị trí đặc biệt cần bảo tồn và phát huy giá trị. Ảnh: Nguyễn Thanh Vân

Phim nhựa vẫn giữ vị trí đặc biệt cần bảo tồn và phát huy giá trị. Ảnh: Nguyễn Thanh Vân

Một số nhà làm phim hiện nay vẫn tiếp tục lựa chọn phim nhựa, bởi chất lượng hình ảnh và cảm giác chân thực mà phim kỹ thuật số không thể sánh bằng. Từng có thời gian học làm phim ở Nga và Mỹ, NSƯT, đạo diễn Bùi Trung Hải cho biết, ở Mỹ, kỹ thuật số phát triển đầu tiên, nhưng họ vẫn rất tôn trọng phim nhựa. Đến nay, một số đạo diễn danh tiếng vẫn trung thành với phim nhựa. Tỷ lệ quay phim nhựa không quá cao, nhưng tác phẩm quay bằng phim nhựa thường giành các giải thưởng điện ảnh lớn. Năm 2020, theo thống kê đề cử giải Oscar Phim xuất sắc nhất, phim nhựa chiếm 52%. Hay giải Oscar năm vừa qua, 2 giải đứng đầu đều quay bằng phim nhựa; đề cử Đạo diễn xuất sắc có 3/5 phim nhựa; đề cử Quay phim xuất sắc có 4/5 phim được quay bằng phim nhựa. Tại Liên hoan phim Cannes 2024, 9/10 giải thưởng quan trọng dành cho tác phẩm là phim nhựa.

Theo đạo diễn Bùi Trung Hải, phim kỹ thuật số tiện về quay, dựng, kỹ xảo và giá rẻ. Không phải các đạo diễn ở Mỹ không quan tâm đến tài chính, nhưng họ quan tâm hơn về thẩm mỹ. Bởi nguyên tắc thu hình của phim kỹ thuật số và phim nhựa khác nhau. Hiện nay có những bộ phim nhựa 65mm, độ phân giải lên 18 - 20K, trong khi phim kỹ thuật số chỉ khoảng 7 - 8K. Nhiều người yêu điện ảnh muốn xem tác phẩm quay bằng phim nhựa tại rạp chiếu phim nhựa để có thể thấy hết vẻ đẹp từng khung hình.

Giữ bằng chứng sống động về quá khứ

Cùng với việc phim nhựa tiếp tục được sản xuất, câu chuyện bảo tồn di sản điện ảnh cũng được đặt ra một cách cấp bách. Bởi phim nhựa dễ bị hư hỏng do tác động của thời gian, nhiệt độ, độ ẩm và các yếu tố môi trường khác. Nếu không được bảo quản đúng cách, những thước phim quý giá có thể bị mờ, phai màu, thậm chí biến mất vĩnh viễn. Bảo tồn phim nhựa là một công việc lâu dài và cần sự đầu tư lớn. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng để giữ di sản văn hóa của quốc gia, nhân loại.

Trên toàn cầu, các nhà làm phim, nhà khoa học và người yêu điện ảnh không ngừng nỗ lực để bảo vệ kho tàng phim nhựa. Nhiều trung tâm lưu trữ phim chuyên biệt tại Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản… đã đầu tư vào hệ thống bảo quản hiện đại, kiểm soát chặt chẽ nhiệt độ và độ ẩm để bảo vệ phim. Các dự án số hóa quy mô lớn cũng được triển khai nhằm chuyển đổi phim nhựa sang định dạng số, giúp bảo tồn lâu dài và dễ dàng chia sẻ. Nhiều nhà làm phim và chuyên gia kỹ thuật đang không ngừng nghiên cứu và phát triển các phương pháp phục chế phim nhựa như chất lượng ban đầu.

Tại Việt Nam, việc bảo tồn các cuốn phim nhựa đã được thực hiện từ nhiều năm nay, dù điều kiện còn hạn chế. Gần đây, nhiều ý kiến tranh luận về việc 300 cuộn phim của Hãng Phim truyện Việt Nam không được bảo đảm điều kiện lưu trữ nên đã bị hư hại. Theo đạo diễn Bùi Trung Hải, các tác phẩm này không phải bản sao mà là bản chính, là tác phẩm hoàn thiện, trước đó vẫn được sử dụng để trình chiếu tham dự các liên hoan phim. Và ngay cả khi Viện phim Việt Nam vẫn còn những bản phim đầy đủ, thì chi phí phục chế để in ra phim dương bản - như 300 bản phim của Hãng phim truyện Việt Nam là từ 100.000 - 1 triệu USD/bộ phim. Dù chi phí đắt đỏ như vậy, khâu phục chế này hiện nay tại Việt Nam chưa làm được do không đủ máy móc và tay nghề chuyên gia… "Bởi thế, cần trân trọng và bảo quản tốt các cuộn phim nhựa - bằng chứng sống động về quá khứ, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về con người và sự kiện lịch sử".

Bên cạnh nỗ lực của các cơ quan lưu trữ điện ảnh, ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân với nhiệt huyết và sáng tạo đã thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa để góp phần gìn giữ những thước phim nhựa quý giá. Một số dự án tập trung phục chế những bộ phim bị hư hỏng, mất màu, hoặc thiếu âm thanh; tổ chức sự kiện giới thiệu các bộ phim đã được phục chế, nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của di sản phim ảnh. Đặc biệt, một số bạn trẻ đã nghiên cứu tô màu phim đen trắng, tăng độ sắc nét của hình ảnh, thậm chí thêm lời thuyết minh cho phim…

Tuy nhiên, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng, để bảo tồn di sản điện ảnh, cần bình tĩnh quan sát những sáng tạo mang đến sản phẩm phái sinh như vậy; đồng thời tạo môi trường rộng mở và đối thoại, để người trẻ ngày càng chuyên nghiệp, có sự tiếp đà, phát triển trong phục chế, bảo tồn di sản phim của Việt Nam.

Mặc dù vậy, có thể thấy, tầm ảnh hưởng của các sản phẩm phái sinh này thậm chí còn tốt hơn phim gốc, do cách làm mới mẻ, lay động cảm xúc nhiều khán giả. Những người đang làm trong lĩnh vực này mong muốn có cơ chế tăng khả năng tiếp cận di sản phim của công chúng; bên cạnh đó, thúc đẩy hợp tác công tư để bổ sung nguồn lực cho công tác bảo tồn di sản điện ảnh trong nước.

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/phim-nhua-va-cuoc-dua-voi-thoi-gian-i383904/
Zalo