Phim lịch sử trỗi dậy

Từ năm 2023 đến nay, các bộ phim về đề tài lịch sử nhận được sự quan tâm của công chúng. Các nhà làm phim cũng chỉn chu, đầu tư hơn hẳn cho thể loại phim đặc biệt này.

Khác với các thể loại phim khác, dòng phim lịch sử cách mạng luôn đòi hỏi nỗ lực của nhà làm phim. Bởi ngày nay, dòng phim này phải mở rộng đối tượng tiếp cận là khán giả trẻ. Họ xem, thích, ngẫm và thấm nhiều hơn về sử Việt, về những chiến sĩ cách mạng và những cột mốc vàng son của dân tộc. Hơn ai hết, họ chính là những “nhân viên truyền thông” nghiệp dư nhưng hiệu quả, đẩy hiệu ứng phim lan rộng toàn xã hội.

Nắm bắt được nhịp chảy thời đại và thị hiếu khán giả, các nhà làm phim Việt bắt đầu có những “cú đột phá” ngoạn mục cho dòng phim lịch sử. Ðiển hình phải kể đến là "Ðào, phở và piano" của Ðạo diễn Phi Tiến Sơn ra mắt vào năm 2023. Phim lấy bối cảnh Hà Nội mùa đông năm 1946 với hình ảnh những chiến sĩ cách mạng kiên trung bám giữ thủ đô đến cùng trong cuộc chiến khốc liệt. Hình ảnh chiến sĩ cách mạng qua từng thước phim bỗng trở nên sống động, gần gũi, đầy yêu thương với thế hệ trẻ bằng câu chuyện giàu xúc cảm và cách kể chân thực nhất. Bộ phim tạo được hiệu ứng mạng xã hội với hàng triệu lượt chia sẻ, bình luận về từng nhân vật và các chi tiết lịch sử trong phim.

“Ðào, phở và piano” đã chạm đến trái tim nhiều người trẻ.

“Ðào, phở và piano” đã chạm đến trái tim nhiều người trẻ.

Mới đây nhất, sức nóng của dòng phim lịch sử phải kể đến là "Ðịa đạo: Mặt trời trong bóng tối" của Ðạo diễn Bùi Thạc Chuyên, tính đến thời điểm này, đã vượt mốc 100 tỷ giữa sự cạnh tranh gay gắt với vô số phim nước ngoài khác. Không còn sự khô cứng trong hô hào khẩu hiệu, hay quá gượng gạo trong cách truyền tải tinh thần yêu nước, tri ân những anh hùng dân tộc; phim đưa câu chuyện của 21 chiến sĩ du kích tại Ðịa đạo Củ Chi với tinh thần hy sinh, lòng dũng cảm đi sâu vào trái tim khán giả. Mỗi nhân vật lại len lỏi vào từng nhịp đập, từng dòng cảm xúc của người xem. Khán giả yêu cuộc chiến tranh Nhân dân quật cường của dân tộc và trào dâng niềm tự hào về thế giới dưới lòng đất mà người dân đã đào bằng tay, bằng sức mạnh ý chí và niềm tin mãnh liệt trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược.

"Ðịa đạo: Mặt trời trong bóng tối" có không ít những khoảnh khắc khiến người xem căng thẳng, thậm chí phải nín thở, cảnh nhân vật Tư Ðạp (do Quang Tuấn thủ vai) cùng đồng đội cưa bom là một trong số đó. Cảnh phim không phô trương mà tái hiện chân thực công việc đầy rủi ro của chiến sĩ Ðịa đạo Củ Chi. Cảnh cưa bom không chỉ là màn trình diễn căng thẳng về mặt kỹ thuật, mà còn là minh chứng sâu sắc về tinh thần chiến sĩ địa đạo, thế hệ ngày nay khó mường tượng ra được, đó là lòng can đảm, sự khéo léo, sáng tạo trong chiến đấu với kẻ thù quá hùng mạnh về mọi mặt.

Cảnh cưa bom, một trong những cảnh phim gay cấn ở “Ðịa đạo: Mặt trời trong bóng tối”.

Cảnh cưa bom, một trong những cảnh phim gay cấn ở “Ðịa đạo: Mặt trời trong bóng tối”.

Ðạo diễn Bùi Thạc Chuyên tâm sự: “Ước nguyện của tất cả chúng tôi là thực hiện một bộ phim hướng đến kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước và có thể chiếu cho càng nhiều người xem càng tốt, để ai cũng cảm nhận được cha ông chúng ta rất biết cách chiến đấu và có thể chiến thắng bất kỳ kẻ thù hùng mạnh nào. Lịch sử là nền tảng cho tương lai, con đường gần nhất để chạm đến và phát huy giá trị lịch sử chính là nghệ thuật. Những người làm phim như chúng tôi đã đặt cái tâm và sự sáng tạo vào tác phẩm. Những gì thế hệ trước đã đánh đổi sẽ không bị lãng quên hay mất đi, mà lưu giữ mãi trong mỗi người Việt Nam bằng phim ảnh, bằng nghệ thuật chân chính”.

Sắp tới đây, "Lật mặt 8: Vòng tay nắng" của Ðạo diễn Lý Hải cũng là bộ phim tiếp theo kết nối lịch sử và hiện đại. Chỉ một cảnh dù ngắn cũng đủ khiến khán giả nôn nao, tái hiện cảnh người dân chạy giặc trong bom đạn ác liệt ở rừng dừa, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần dân tộc, nhất là trong tháng Tư đầy tự hào này.

Hình ảnh chiến tranh được tái hiện trong “Lật mặt 8: Vòng tay nắng”.

Hình ảnh chiến tranh được tái hiện trong “Lật mặt 8: Vòng tay nắng”.

Ðạo diễn Lý Hải cho biết: "Với địa điểm bối cảnh cháy nổ trong rừng dừa xuất hiện ở "Lật mặt 8", đoàn phim phải rong ruổi rất nhiều nơi mới chọn được. Sau rất nhiều nỗ lực, chúng tôi chọn được xã Thiện Nghiệp, phường Hàm Tiến, tỉnh Bình Thuận. Ðây cũng chính là nơi chứng kiến nhiều trận đánh ác liệt giữa quân ta và quân địch trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập. Ðiều tuyệt vời nhất là chú chủ đất cũng là người trải qua và chứng kiến những mất mát đau thương trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ".

Nhà sản xuất Minh Hà chia sẻ thêm: “Bối cảnh thật này có rất nhiều cây dừa còn lại vết tích của bom đạn ngày xưa. Dù cuộc chiến tranh đã kết thúc cách đây tròn 50 năm, nhưng dấu tích của bom đạn vẫn còn ở rất nhiều nơi trên đất nước ta. Chúng tôi quay phim tại đây và không thể giấu được cảm xúc bồi hồi, tự hào khó tả”.

Ðạo diễn Lý Hải tâm sự: “Với tôi, điện ảnh không chỉ thuần túy mang tính giải trí mà còn mang sứ mệnh lan tỏa bản sắc dân tộc, là cách để văn hóa, lịch sử Việt Nam được kể lại, được gìn giữ và chạm tới trái tim khán giả bằng chất nghệ thuật lan tỏa. Vì thế, tôi lẫn ê kíp đặt nhiều tâm huyết vào việc lồng ghép các yếu tố văn hóa, lịch sử vào mỗi tác phẩm".

Một cảnh cháy nổ được dàn dựng như thật trong “Lật mặt 8: Vòng tay nắng”.

Một cảnh cháy nổ được dàn dựng như thật trong “Lật mặt 8: Vòng tay nắng”.

Từ thành công của một số bộ phim đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, chúng ta phải thừa nhận rằng, để khán giả trẻ yêu mến dòng phim này, các nhà làm phim phải tạo ra sự đồng cảm trong hành trình trải nghiệm tác phẩm, như là cách tiếp cận, tìm hiểu và tự hào với lịch sử hào hùng của dân tộc. Cách làm phim phải nâng tầm hơn, đầu tư tỉ mỉ từ kịch bản đến bối cảnh lẫn âm nhạc và kỹ thuật. Lịch sử qua phim không thể khô cứng mà cần sự chặt chẽ về kịch bản, nhân vật có chiều sâu, thoại tự nhiên phù hợp giai đoạn lịch sử, cùng tính thẩm mỹ cao trong bối cảnh lẫn cảnh dàn dựng. Song song đó, những buổi chiếu phim lịch sử kết hợp tọa đàm tại trường học cũng là cách khơi gợi tinh thần yêu nước, đây là giải pháp được các nhà làm phim đề tài này thực hiện rất tốt.

Ðể có cuộc sống tốt đẹp hôm nay, các thế cha ông đã đánh đổi biết bao xương máu để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Làm phim kể lại lịch sử bi tráng ấy cũng là điều hiển nhiên để tỏ lòng biết ơn những người đã ngã xuống. Ðó mới là tính nhân văn của người làm nghệ thuật./.

Lam Khánh

(Ảnh Ðoàn phim cũng cấp)

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/phim-lich-su-troi-day-a38432.html
Zalo