Phim kinh dị Việt 'Tìm xác: Ma không đầu' bị đè bẹp doanh thu vì sao?

Bộ phim 'Tìm xác: Ma không đầu' của đạo diễn Bùi Văn Hải đạt doanh thu hơn 41 tỷ đồng, bất chấp nội dung gây tranh cãi. Những khuyết điểm của phim một lần nữa báo động về thực trạng kịch bản và tương lai của phim kinh dị Việt trong thời gian qua.

Doanh thu không cao nhưng vẫn thuộc top đầu

Ra rạp từ ngày 18/4, bộ phim "Tìm xác: Ma không đầu" của đạo diễn Bùi Văn Hải hiện đã đạt doanh thu hơn 41 tỷ đồng (tính đến trưa 25/4), theo Box Office Vietnam.

Trong tuần đầu ra rạp (từ 18-20/4), phim đứng đầu phòng vé với doanh thu hơn 21,4 tỷ đồng trên tổng số 7.778 suất chiếu và 251.970 vé được bán ra. Bình quân, mỗi suất chiếu bán được khoảng 32 vé.

Doanh thu tuần đầu ra rạp của phim "Tìm xác: Ma không đầu".

Doanh thu tuần đầu ra rạp của phim "Tìm xác: Ma không đầu".

Cần lưu ý, thời điểm này rạp Việt không có phim mới nào ra mắt. Các phim kinh dị nước ngoài được xếp rất ít suất chiếu, ít hơn nhiều lần so với "Tìm xác: Ma không đầu".

Cụ thể, "Cưới ma giải hạn" ra mắt từ ngày 11/4, Thái Lan, được xếp 2.874 suất chiếu. Phim "Panor: Tà thuật huyết ngải" ra rạp từ ngày 11/4 hay "Mẹ quỷ con ma" của Indonesia, ra mắt từ ngày 18/4 chỉ được xếp từ 330-464 suất chiếu.

Tuy nhiên, đến ngày 25/4, doanh thu "Tìm xác: Ma không đầu" bị đẩy xuống vị trí thứ 3, xếp sau "Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu" (Victor Vũ), ra mắt từ ngày 24/4, doanh thu hơn 1,2 tỷ đồng và "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" (Bùi Thạc Chuyên, ra mắt từ 4/4), doanh thu hơn 707 triệu đồng.

Phim đầu tay của Bùi Văn Hải chỉ thu về hơn 460 triệu đồng, trên tổng số 2.285 suất chiếu và 5.561 vé được bán ra.

Thành tích của "Tìm xác: Ma không đầu" cho thấy sự lép vế so với "Ma da" và "Quỷ nhập tràng". Đây là 2 tác phẩm cùng "vũ trụ kinh dị" do nhà sản xuất Nhất Trung xây dựng.

Theo đó, sau khoảng 7 tuần phát hành vào năm 2024, "Ma da" rời rạp với doanh thu 127 tỷ đồng. "Quỷ nhập tràng" ra rạp từ ngày 7/3 cũng đã bỏ túi hơn 149,6 tỷ đồng.

Với mức tăng trưởng doanh thu hiện tại, đặc biệt là khi sắp tới ngoài "Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu", "Lật mặt 8: Vòng tay nắng" của Lý Hải ra mắt, hứa hẹn sẽ cạnh tranh gay gắt với "Tìm xác: Ma không đầu".

Đại Nghĩa (phải) và Ngô Kiến Huy trong phim "Tìm xác: Ma không đầu".

Đại Nghĩa (phải) và Ngô Kiến Huy trong phim "Tìm xác: Ma không đầu".

"Tìm xác: Ma không đầu" gây tranh cãi

"Tìm xác: Ma không đầu" lấy cảm hứng từ một vụ án vào năm 1987. Câu chuyện bắt đầu khi thi thể nạn nhân mất một tay, một chân và đầu được tìm thấy trong rừng.

3 nhân viên nhà xác gồm: Tiến (Tiến Luật), Thành (Ngô Kiến Huy), Trung (Ðại Nghĩa) nhận nhiệm vụ đưa thi thể này về nhà xác để lưu giữ, phối hợp cùng công an điều tra.

Từ đó, bộ 3 gặp nhiều hiện tượng kỳ bí, ghê rợn. Ðặc biệt, bà Hồng (Hồng Vân) - người mẹ bị loạn thần của Tiến - bị hồn ma hù dọa liên tục.

Theo chỉ dẫn của người quen, Tiến phải tìm ra những bộ phận đã mất của người đã khuất mới thoát được nạn kiếp. Thế nhưng khi các bộ phận được tìm thấy, một bí mật kinh hoàng cũng được hé lộ.

Tuy nhiên, phim gây thất vọng vì kịch bản thiếu thuyết phục cùng những màn hù dọa cũ kỹ khiến người xem dễ quên khi rời rạp.

Phim có ý tưởng ban đầu khá thú vị, nhưng kịch bản lại thiếu sự chặt chẽ. Song, càng về cuối, câu chuyện càng trở nên nhàm chán.

Các cảnh kinh dị, hài hước trong phim không gây ấn tượng với khán giả.

Các cảnh kinh dị, hài hước trong phim không gây ấn tượng với khán giả.

Theo nhà quan sát, đầu tư văn hóa Nguyễn Anh Tuấn, "Tìm xác: Ma không đầu" không tệ đến mức như một phim hài nhảm. Nguyên nhân vì phim được thực hiện bởi một ê kíp mạnh.

Từ nhà sản xuất Nhất Trung - Nguyễn Ngọc Quyền với 10-15 năm kinh nghiệm, đến dàn diễn viên lành nghề như: Tiến Luật, Ngô Kiến Huy, NSND Hồng Vân, Đại Nghĩa, Thanh Hương... đều là cái tên "bảo chứng" cho dự án.

"Từng được tiếp xúc trực tiếp với hồ sơ mời đầu tư của phim, tôi đánh giá ê-kíp có chiến lược tương đối rõ ràng.

Đặc biệt, dự án được thực hiện trong gần 1 năm, nhưng riêng khâu tiền kỳ được nghiên cứu, chuẩn bị trong gần nửa năm.

Tuy nhiên, những yếu tố trên không thể nào khỏa lấp được sự thật là nội dung của bộ phim này rất yếu. Nguyên nhân vì phần kịch bản dường như không được đầu tư, coi trọng như các công đoạn khác.

Một bộ phim có thể được quảng bá tốt, tạo hiệu ứng truyền miệng trong tuần đầu, nhưng yếu tố quan trong để giữ chân khán giả vẫn là nội dung. Khán giả ngày nay vô cùng thông minh và tinh tế", ông Tuấn cho hay.

Kịch bản yếu dễ khiến phim kinh dị Việt "chết yểu"?

Chia sẻ với Báo Xây dựng, chuyên gia phê bình điện ảnh Nguyễn Phong Việt từng cho rằng "Tìm xác: Ma không đầu" sẽ là phép thử cuối cùng cho dòng phim kinh dị Việt.

Ông Việt cho rằng, sự thành bại của phim sẽ nói lên rằng, chúng ta có thể duy trì sức hút của "Ma da", "Quỷ nhập tràng" đến đâu.

Phim "Ma da" (trái) và "Quỷ nhập tràng" là hai dự án từng rất thành công trong "vũ trụ" phim kinh dị của nhà sản xuất Nhất Trung.

Phim "Ma da" (trái) và "Quỷ nhập tràng" là hai dự án từng rất thành công trong "vũ trụ" phim kinh dị của nhà sản xuất Nhất Trung.

Cùng chung quan điểm với ông Nguyễn Phong Việt, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng cho rằng điện ảnh Việt đã, đang có trào lưu làm phim kinh dị.

Bằng chứng ở việc, 2-3 năm trở lại đây, số lượng phim kinh dị Việt luôn áp đảo phim của các đề tài khác.

Thực trạng này khiến ông nhớ đến trào lưu phim hài nhảm ở rạp cách đây khoảng 10 năm. Song, trào lưu này cũng "sớm nở tối tàn" như nhiều trào lưu khác trong xã hội.

"Nguyên nhân vì mật độ, nhịp độ sản xuất phim hài nhảm quá dày đặc. Thái Lan, Hàn Quốc đều có phim thể loại này nhưng họ vẫn duy trì được sức hút qua các năm nhờ việc truyền tải thông điệp sâu cay, các vấn đề mang tính tiêu biểu, bản sắc trong đời sống xã hội.

Để làm được điều đó, đội ngũ biên kịch dành nhiều năm nghiên cứu, sáng tạo. Trong khi đó, thời gian phát triển kịch bản của phim Việt trong khoảng 10 năm trở lại đây, đa số đều được thực hiện trong thời gian rất ngắn, mang những đặc trưng của kiểu phim "mỳ ăn liền" từng thịnh hành ở miền Nam những năm 1990.

Chẳng hạn như 'Tìm xác: Ma không đầu", kịch bản phim có lẽ được xây dựng vỏn vẹn trong 3 tháng trở xuống.

Với một bộ phim dài khoảng 90 phút, hơn 100 trang kịch bản được xây dựng trong thời gian như vậy, để có một tác phẩm chất lượng là điều không nhiều người làm được", ông Tuấn nhận định.

Nhà quan sát, đầu tư văn hóa Nguyễn Anh Tuấn.

Nhà quan sát, đầu tư văn hóa Nguyễn Anh Tuấn.

Thiếu vắng biên kịch lành nghề

Từng được tiếp xúc nhiều với các dự án điện ảnh, giới làm phim, biên kịch, ông Tuấn cho rằng, có nhiều lý do khiến điện ảnh Việt thiếu đội ngũ biên kịch "lành nghề".

Trong đó, điều quan trọng nhất là đội ngũ sản xuất nội dung của Việt Nam đang trong giai đoạn khủng hoảng.

"Đã bao lâu rồi chúng ta chưa có cây bút phóng sự sắc bén như Ngô Tất Tố, Nam Cao? Thị trường văn học có thể vẫn xuất hiện những gương mặt nhà văn hot trend, sở hữu số lượng xuất bản hàng chục, hàng trăm nghìn, nhưng yếu tố đóng góp lớn cho doanh số đó đến từ yếu tố marketing, các yếu tố bên lề, ít đến từ bản thân tác phẩm.

Văn học Việt Nam - nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa, đang rất thiếu những tác phẩm mang tính thời đại, phản ánh các vấn đề chung toàn cầu như thân phận con người, biến đổi khí hậu, buôn bán nô lệ.

Sự thiếu vắng của các cây viết chất lượng dẫn đến sự khủng hoảng trong chất lượng đội ngũ biên kịch", ông Tuấn đánh giá.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, không chỉ với điện ảnh, văn chương mà âm nhạc cũng rơi vào thực trạng tương tự.

Ông cho rằng, đây là hệ quả của toàn cầu hóa văn hóa, khi những giai đoạn sáng tạo được công thức hóa, không còn đất cho những sáng tạo nghệ thuật mang dấu ấn cá nhân mạnh mẽ.

Người sáng tạo nghệ thuật như một người công nhân, dẫn đến việc tạo ra các sản phẩm được sản xuất đồng loạt một cách chỉn chu, đại trà, đúng công thức nhưng hay ho, đột phá thì không.

"Trong thế kỷ XX, nền âm nhạc toàn cầu từng có những tác phẩm mang ý nghĩa của vượt khỏi các bảng xếp hạng thời sự như: 'Heal the world', 'We are the world', 'Yesterday'…

Âm nhạc ngày nay chủ yếu là các ca khúc theo công thức, sức sống chỉ 1-2 năm. Kể cả nền văn hóa giải trí toàn cầu cũng đã ít dần các tác phẩm mang tính thời đại chứ không riêng gì Việt Nam.

Trong nền kinh tế thị trường, biên kịch Việt Nam buộc phải bắt nhịp guồng quay sản xuất này. Khi họ ngừng viết, đồng nghĩa với việc không có thu nhập.

Song, nếu để có một đội ngũ biên kịch chất lượng, buộc chúng ta phải đánh đổi điều gì đó. Bởi, yếu tố quan trọng nhất vẫn là nội dung đi đầu", ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Trailer phim “Tìm xác: Ma không đầu. (Video: Galaxy)

Bạch Dương

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/phim-kinh-di-viet-tim-xac-ma-khong-dau-bi-de-bep-doanh-thu-vi-sao-192250425141705249.htm
Zalo