Phim kinh dị 'Cám' hé lộ thế lực quỷ ám đến hội thử hài với bàn chân rướm máu

Phim điện ảnh 'Cám' chính thức công bố poster và trailer hé lộ một góc nhìn mới lạ về cổ tích 'Tấm Cám' đúng chất của một dị bản đẫm máu như đã tiết lộ trước đó. Điều đáng chú ý nhất là dung mạo dị dạng, ngũ quan lệch lạc của nhân vật Cám (Lâm Thanh Mỹ) cùng các chi tiết tà thuật ghê rợn, hứa hẹn 'Cám' là tựa phim giải trí độc đáo của tháng 9.

Dị bản đẫm máu của "Tấm Cám" tung poster bàn chân rướm máu bí ẩn: Chiếc hài ai thử?

Là một dị bản kinh dị của "Tấm Cám", phim điện ảnh "Cám" không thể thiếu những chi tiết ai cũng mong chờ được thấy từ cổ tích nổi tiếng cả tuổi thơ mọi nhà, đã có Tấm và Cám, ắt công chúng rất mong chờ được thấy lễ thử hài và hình dáng chiếc hài - một vật định tình quan trọng giữa hoàng tử và nàng Tấm.

Poster chính thức của phim điện ảnh "Cám"

Poster chính thức của phim điện ảnh "Cám"

Hiểu được sự đón chờ này, phim điện ảnh "Cám" công bố poster có hình ảnh trọng tâm là chiếc hài đầy quen thuộc. Trên thân chiếc hài đặc biệt còn có họa tiết thêu chỉ vàng chim vàng anh - một biểu tượng gắn liền cô Tấm trong nhưng phiên bản cổ tích. Tuy nhiên, điều đáng nói là trên tấm poster còn có bàn chân ai đó mang đầy vết loét rướm máu đang đưa chân ướm hài giữa khung cảnh gần giếng cá bống đầy u ám.

Trái ngược vẻ đẹp thôn quê mộc mạc, chân thực đầu trailer, câu chuyện ở làng Hương bỗng quay ngoắt 180 độ kể từ sau câu gọi cá lên ăn “Bống bống bang bang" của chị em Tấm Cám. Mọi sự xảy đến ngôi làng và hàng loạt biến cố ập đến tận nhà ông lý trưởng đều quỷ quái, đen tối, tàn khốc, khác xa những gì người ta nhớ về một cổ tích thần bí "Tấm Cám".

Từ những khung hình đầu tiên, dung mạo dị dạng bất thường của Cám (Lâm Thanh Mỹ) cũng được tiết lộ là nguồn cơn của toàn bộ bi kịch gia đình ông lý trưởng Hai Hoàng (Quốc Cường). Đối với ông Cả Hương (Mai Thế Hiệp) - ông nội Tấm Cám - gương mặt này chính là nỗi ô nhục của cả dòng họ.

Ngoài ra, có thể thấy điểm mới lạ phát hiện rõ nhất là mối quan hệ chị em Tấm - Cám từ đầu chẳng hề đối đầu mà rất yêu thương nhau. Tấm (Rima Thanh Vy) xinh đẹp phúc hậu luôn kề cận, bảo vệ đứa em Cám luôn tự ti và thường phải che khuất nửa khuôn mặt biến dạng nhằm tránh lời đàm tiếu.

Trong teaser trailer, khán giả lần lượt nhìn thấy những chi tiết vốn khá quen thuộc trong các phiên bản cổ tích của "Tấm Cám" từ giếng cá bống, chi tiết nhặt thóc, quả thị, hội đình. Tuy nhiên, có điều gì đó khiến mẹ kế (Thúy Diễm) uất ức, cha ruột gặp vong oán, hội thử hài diễn ra kỳ dị, hàng loạt cái chết nhuộm đỏ sân làng đầy tai quái. Hơn nữa, những hình ảnh đầu tiên về lễ tế trinh nữ được chủ trì bởi ông Hai Hoàng, người buổi sáng vẫn là bậc trưởng làng đạo mạo, càng khiến công chúng tò mò.

Đặc biệt hơn nữa, teaser trailer cũng vén màn về ngày mẹ kế sinh hận từ ngày sinh ra đứa con bị ứng lời nguyền, ngày Cám sinh ra đời có lẽ đã báo hiệu một chuỗi sự kiện tai ương đang dần kéo đến.

Dị bản kinh dị "Cám" lấy bối cảnh cuối thời nhà Lê - đầu thời nhà Nguyễn ở đầu thế kỷ 19 theo cố vấn của các chuyên gia sử học cùng các tài liệu tìm thấy được về các phiên bản "Tấm Cám", vì thế các tạo hình trang phục được đầu tư bám sát và sáng tạo trên nền các cổ phục cùng thời từ áo Tứ thân, Ngũ thân, Giao lĩnh, Viên lĩnh, Đối khâm nhằm đem lại một cảm giác gần gũi, chân thực nhất với thời kỳ này. Bối cảnh làng Hương trong phim đồng thời tái hiện nghề làm hương truyền thống.

Ngoài ra, những chi tiết văn hóa dân gian cũng được đưa vào phim với nhiều tâm huyết qua các cảnh hội đình với các trò chơi dân gian đã tồn tại lâu đời như: cờ người, đấu vật, chợ đình; bến chợ nổi, ao sen, giếng nước, mái lợp nhà tranh, nghề làm nhang, lễ thả đèn thiên đăng, kiến trúc nhà Việt…

Với tâm huyết mang lại những trải nghiệm điện ảnh vừa có tính mới lạ vừa đưa vào nhiều chất liệu văn hóa dân gian, cổ phục, bối cảnh, dị bản kinh dị "Cám" được thành hình sau 3 năm, đúc kết nhiều bài học từ dự án song sinh khổng lồ "Tết ở làng địa ngục" và "Kẻ ăn hồn", bộ đôi đạo diễn Trần Hữu Tấn và NSX Hoàng Quân cùng toàn bộ ekip kỳ vọng "Cám" sẽ là một trải nghiệm điện ảnh đáng nhớ vì mang đến chất giải trí độc đáo cùng thông điệp xã hội đáng suy ngẫm.

“Cám” là dị bản từ câu truyện cổ tích nổi tiếng "Tấm Cám", dự kiến khởi chiếu ngày 27.9.2024.

Duy Đức

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/phim-kinh-di-cam-he-lo-the-luc-quy-am-den-hoi-thu-hai-voi-ban-chan-ruom-mau-post585981.antd
Zalo