Phiên tòa trực tuyến: Xu hướng tất yếu trong tình hình mới

ĐBP - Dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xét xử của ngành Tòa án. Nhiều vụ án đến hạn nhưng không thể đưa ra xét xử theo quy định, một số vụ án bị kéo dài thời hạn giải quyết do đương sự, bị can, bị cáo đang cư trú hoặc bị tạm giam ở vùng có dịch nên không thể trực tiếp tham gia phiên tòa.

Khoản 2, điều 31 Hiến pháp 2013 quy định “Người bị buộc tội phải được tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định...”. Các luật tố tụng hiện hành đều quy định cụ thể thời hạn xét xử đối với các vụ án hình sự, dân sự, hành chính. Trước những tình hình bất cập đó, Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

Chia sẻ về công tác xét xử trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tại tỉnh ta, Thẩm phán Nguyễn Thị Hòa, Chánh Văn phòng Tòa án Nhân dân tỉnh cho biết: Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác xét xử của ngành Tòa án, nhiều vụ án kéo dài do phải hoãn nhiều lần bởi thực hiện áp dụng các biện pháp giãn cách, cách ly xã hội. Trong khi các luật tố tụng hiện hành chỉ quy định hình thức xét xử trực tiếp và được tiến hành tại phòng xử án; chưa quy định về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Do đó, chủ trương tổ chức phiên tòa trực tuyến là giải pháp kịp thời, phù hợp trước tình hình dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tòa án trong công tác xét xử; bảo đảm thời hạn xét xử theo luật định; bảo vệ quyền con người của bị cáo, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội và đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm khác do tòa án quyết định, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia tất cả trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể vào cùng một thời điểm. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến được tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, bình đẳng, dân chủ, nghiêm minh, khách quan, đúng pháp luật; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng và sự tôn nghiêm của tòa án. Đặc biệt, việc xét xử trực tuyến chỉ thực hiện khi không thể xét xử trực tiếp, các hình thức đều tuân thủ đúng luật, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng. Theo đó, phiên tòa trực tuyến sẽ không được tổ chức trong các trường hợp vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan bí mật Nhà nước; án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia; án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.

Có thể thấy, việc thực hiện phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp; xét xử trực tuyến nói riêng, tố tụng trực tuyến nói chung phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc cơ bản và thủ tục tố tụng do pháp luật quy định; phù hợp với thực tiễn; tiết kiệm chi phí xã hội. Bên cạnh đó, tổ chức phiên tòa trực tuyến còn là bước đi cần thiết cho việc xây dựng tòa án điện tử, tòa án số, tiến tới xây dựng tòa án thông minh. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến đáp ứng yêu cầu của hoạt động xét xử trong tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp hiện nay.

Mai Khôi

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/phap-luat/192723/phien-toa-truc-tuyen-xu-huong-tat-yeu-trong-tinh-hinh-moi
Zalo