Phiên tòa trực tuyến xét xử những vụ án nào?

Tôi xem trên các phương tiện truyền thông nói về phiên tòa trực tuyến. Vậy cho hỏi những vụ án nào được đưa ra xét xử trực tuyến và thành phần tham dự?

Tại Điều 1 Nghị quyết số: 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến quy định: TAND được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, trừ các trường hợp sau đây: Vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật nhà nước; Vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật Hình sự; Vụ án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật Hình sự.

Phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do Tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm.

Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phải tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa.

Về thành phần tham gia phiên tòa trực tuyến, Điều 10 Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 quy định:

1. Tại điểm cầu trung tâm, thành phần tham gia bắt buộc gồm Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, Kiểm sát viên được phân công giải quyết vụ án. Đương sự, bị hại; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; người bào chữa, người tham gia tố tụng khác (nếu có) tham gia tại điểm cầu trung tâm nếu họ lựa chọn hoặc Tòa án triệu tập. Trường hợp phiên tòa được tổ chức công khai thì Tòa án có trách nhiệm chuẩn bị các điều kiện cần thiết để cá nhân, cơ quan, tổ chức tham dự phiên tòa theo đúng quy định của pháp luật.

2. Tại điểm cầu thành phần: Đối với vụ án hình sự mà điểm cầu thành phần được đặt tại cơ sở giam giữ thì thành phần tham gia gồm: bị cáo, người bào chữa; người phiên dịch, cán bộ, chiến sỹ thuộc cơ sở giam giữ và Kiểm sát viên, công chức khác thuộc Viện kiểm sát (nếu có). Trường hợp bị cáo là người dưới 18 tuổi thì bố trí người đại diện hợp pháp của họ tham gia tại điểm cầu này, trừ trường hợp họ đề nghị tham gia tại điểm cầu trung tâm. Trường hợp điểm cầu thành phần đặt tại trụ sở Tòa án khác thì thành phần tham gia gồm: bị cáo, bị hại, đương sự; người tham gia tố tụng khác; công chức Tòa án nơi đặt điểm cầu thành phần hỗ trợ tổ chức phiên tòa; Kiểm sát viên, công chức khác thuộc Viện kiểm sát (nếu có); cán bộ, sỹ quan, chiến sỹ thuộc cơ sở giam giữ; cảnh sát hỗ trợ tư pháp (nếu thấy cần thiết);

Đối với vụ án hình sự, dân sự, hành chính mà điểm cầu thành phần được đặt tại nơi đương sự hoặc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước lựa chọn được Tòa án chấp nhận thì thành phần tham gia gồm: người tham gia tố tụng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (nếu có).

3. Đối với vụ án có người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự thì họ tham gia phiên tòa tại một trong các điểm cầu mà Tòa án đã bố trí hoặc chấp nhận.

Trường hợp người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự không thể tham gia phiên tòa tại một trong các điểm cầu mà Tòa án đã bố trí hoặc chấp nhận thì phải có văn bản đề nghị Tòa án cho phép tham gia phiên tòa tại điểm cầu mình tự bố trí. Điểm cầu thành phần của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự phải bảo đảm theo quy định tại khoản 2 Điều 4, khoản 1 Điều 5 của Thông tư liên tịch này.

Người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự được quyền trao đổi với bị cáo, bị hại, đương sự khi được chủ tọa phiên tòa đồng ý.

Luật sư Quang Trung

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phap-luat/tu-van-luat/phien-toa-truc-tuyen-xet-xu-nhung-vu-an-nao-117596.html
Zalo