Phiên tòa giả định thay đổi nhận thức về tuân thủ pháp luật

Việc phối hợp tổ chức phiên tòa giả định trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ rất cần thiết...

“Phiên tòa giả định” vụ án “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự”. Ảnh: TT

“Phiên tòa giả định” vụ án “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự”. Ảnh: TT

Lấy vụ án nhóm học sinh THPT tổ chức uống rượu, đua xe gây tai nạn chết người làm “phiên tòa giả định” đã giúp học sinh ở Đắk Lắk hiểu rõ hơn về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Tổ chức uống rượu, đua xe

Liên ngành Tư pháp, Công an, Đoàn thể huyện Krông Năng vừa phối hợp với Trường THPT Phan Bội Châu (Krông Năng, Đắk Lắk) tổ chức “Phiên tòa giả định” vụ án “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự”.

Phiên tòa nhằm mục đích nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với học sinh, góp phần xây dựng môi trường văn hóa học đường an toàn, lành mạnh.

Theo nội dung cáo trạng, khoảng 11 giờ ngày 6/9/2024, nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Viết X., huyện Krông Năng gồm: Lê Văn An, Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Vân Anh, Nguyễn Quang Huy, Trần Gia Hân và một số bạn khác tổ chức sinh nhật cho Lê Văn An tại nhà Hải. Tất cả ăn, uống rượu bia và hát karaoke đến khoảng 13 giờ cùng ngày.

Lúc này, An, Tuấn, Vân Anh, Huy và Gia Hân có ca học buổi chiều tại trường nên cùng đi học. Để đến trường, An điều khiển xe mô tô BKS 47AB-132.93 (bố mẹ mua cho) dung tích dưới 50cc, xe này đã được xoáy nòng lên 110cc. Tuấn điều khiển xe mô tô BKS 47AB 113.14 chở Vân Anh. Huy điều khiển xe mô tô BKS 47AB -123.45 chở Gia Hân.

Nhóm đi từ nhà Hải đến Trường THPT Nguyễn Viết X. Trên đường đi, An, Tuấn và Huy cá cược nhau, nếu xe nào đến trường sau phải mua 5 lon nước ngọt cho cả nhóm. Sau đó An, Tuấn và Huy điều khiển với tốc độ cao, rồ ga, lạng lách, đánh võng. Trên các đoạn đường đến trường, ba xe mô tô liên tục thay đổi vị trí chạy đầu...

Khi đến đoạn đường thuộc thị trấn Krông Năng, An ở vị trí thứ 3, vì muốn vượt xe phía trước do Huy điều khiển nên rồ ga tăng tốc độ, lấn sang phần đường bên trái. Do không làm chủ tốc độ, An đã tông trực diện vào xe mô tô BKS 47AB-199.64 do anh Trần An Khánh (cùng huyện Krông Năng) điều khiển theo hướng ngược lại khiến cả 2 ngã xuống đường. Mặc dù được người dân hỗ trợ đưa đi cấp cứu, nhưng anh Khánh đã tử vong.

 Đông đảo học sinh tại huyện Krông Năng, Đắk Lắk dự “Phiên tòa giả định”. Ảnh: TT

Đông đảo học sinh tại huyện Krông Năng, Đắk Lắk dự “Phiên tòa giả định”. Ảnh: TT

Trực quan, sinh động dễ hiểu

Theo Đoàn Anh Quốc - lớp 12, Trường THPT Phan Bội Châu, phiên tòa giả định đã lấy một vụ án sát với thực tiễn vi phạm quy định về giao thông đường bộ của học sinh trong thời gian qua; nhất là học sinh vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc thiểu số THPT, việc tổ chức uống rượu, lái xe còn diễn ra.

“Qua vụ án, em hiểu rõ, sâu hơn về quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, từ đó tự giác chấp hành quy định khi tham gia giao thông. Hơn nữa, khi đã hiểu, em sẽ tuyên truyền, nhắc nhở người thân, bạn bè về quy định của Luật, mức xử phạt để mọi người hiểu, tránh vi phạm”, Quốc nói.

Cũng theo Quốc, so với việc nghe tuyên truyền qua phát thanh, diễn thuyết của cán bộ Cảnh sát giao thông hay thầy, cô dạy trên lớp, phiên tòa giả định đã đưa Luật vào đời sống một cách trực quan, sinh động giúp em hiểu rõ hơn.

Chung quan điểm, Trần Huyền Vân - lớp 11, Trường THPT Nguyễn Huệ, huyện Krông Năng cho rằng: “Khi nghe phiên tòa giả định, từng câu chữ, lời thoại đã hiện lên như thước phim quay lại nguyên nhân, diễn biến và hậu quả vụ tai nạn. Những lời luận tội của Chánh án không chỉ giúp thức tỉnh lương tâm bị cáo mà còn làm thay đổi nhận thức về mức độ nghiêm trọng từ sự coi thường pháp luật của một bộ phận không nhỏ học sinh hiện nay”.

Huyền Vân cũng bày tỏ, tòa đã tuyên án rõ ràng về hành vi vi phạm của bị cáo. Tuy nhiên, trước khi tổ chức, các trường học và đơn vị nên đặt ra yêu cầu về các điều luật liên quan vụ án để học sinh đọc trước, tập trung nắm chắc hơn khi dự phiên tòa.

“Ví dụ, khi vi phạm Điều 260 Bộ luật Hình sự sẽ bị xử phạt như thế nào? Những người giao phương tiện cho người chưa đủ tuổi điều khiển dẫn đến tai nạn thì xử lý ra sao”, Huyền Vân nêu.

Theo thầy Lã Mạnh Hà - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu, phiên tòa giả định đã giúp học sinh nhà trường hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; hành vi vi phạm, tính chất, hậu quả gây ra cho cộng đồng, xã hội, hậu quả pháp lý phải gánh chịu…

“Đây là bài học thiết thực trong hoạt động giáo dục pháp luật ở trường học. Từ đó, nâng cao ý thức chấp hành quy định, phòng ngừa, hạn chế tai nạn giao thông lứa tuổi học sinh, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội tại địa phương”, thầy Hà nói.

Trao đổi thêm, Thượng tá Trần Quang Vinh - Trưởng Công an huyện Krông Năng (Đắk Lắk) cho biết, từ thực tế trên cho thấy, một bộ phận học sinh trên địa bàn chưa nhận thức đúng, đủ; không chấp hành nghiêm các quy định về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho chính các em và người xung quanh khi tham gia giao thông. Vì vậy, việc phối hợp tổ chức phiên tòa giả định trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ rất cần thiết.

Theo thống kê, năm 2024 huyện Krông Năng xảy ra 14 vụ tai nạn giao thông, làm chết 12 người. Trong đó, liên quan đến lứa tuổi học sinh có 3 vụ, chiếm 21,42%. Đặc biệt, qua tuần tra kiểm soát, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an huyện đã phát hiện 479 học sinh vi phạm Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, chiếm 11,7% tổng số trường hợp vi phạm được phát hiện.

Các lỗi vi phạm chủ yếu, gồm: Tốc độ 133 trường hợp, không đủ tuổi điều khiển phương tiện 137 trường hợp, không lắp gương chiếu hậu 119 trường hợp, cá biệt có 20 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn.

Thành Tâm

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phien-toa-gia-dinh-thay-doi-nhan-thuc-ve-tuan-thu-phap-luat-post717207.html
Zalo