Phiên họp thứ nhất của Đoàn Giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường
Chiều 13/1, tại Nhà Quốc hội, Đoàn Giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành' tổ chức Phiên họp lần thứ nhất. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn Giám sát chủ trì Phiên họp.
Tham dự Phiên họp có Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Lê Quang Mạnh, Phó Trưởng Đoàn Giám sát; Phó Tổng Thư ký, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngầncùng các thành viên, Tổ giúp việc.
Tại Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh cho biết: Ngày 07/01/2025, tại Phiên họp thứ 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và các đề cương Báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”. Các ý kiến cơ bản thống nhất với các dự thảo Kế hoạch, Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuẩn bị, đồng thời định hướng chỉ đạo, góp ý thêm một số nội dung để tiếp tục hoàn thiện dự thảo văn bản. Sau phiên họp, Trưởng Đoàn giám sát đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Tổ giúp việc nghiên cứu tiếp thu, tổ chức làm việc với cơ quan chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu, chỉnh lý Đề cương Báo cáo giám sát, hoàn thiện dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết theo ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về kế hoạch, nội dung giám sát, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát đã rà soát, bổ sung, hoàn thiện và đã cụ thể hóa một số nội dung giám sát, tập trung vào những vấn đề còn nhiều bất cập, hạn chế nổi lên trong thực tiễn và những vấn đề nổi cộm mà dư luận xã hội quan tâm.
Về tiến độ triển khai hoạt động giám sát và chương trình chi tiết, Đoàn giám sát sẽ nghiên cứu, tiếp thu và báo cáo Trưởng Đoàn giám sát để xem xét quyết định trong trường hợp cần thiết, bảo đảm hiệu quả và ảnh hưởng ít nhất đến hoạt động của các Bộ, ngành, địa phương đúng quy định của pháp luật về hoạt động giám sát.
Về các đề cương báo cáo của Đoàn giám sát, của Đoàn đại biểu Quốc hội và đối tượng chịu sự giám sát, tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát đã rà soát, hoàn thiện các Đề cương báo cáo, kèm theo phụ lục thu thập thông tin, số liệu báo cáo bảo đảm cụ thể, phù hợp với những vấn đề nổi bật với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý của từng bộ, ngành, địa phương gắn với mục tiêu của cuộc giám sát. Về đề cương báo cáo giám sát của UBND cấp tỉnh, Đoàn giám sát xin được thiết kế theo hướng yêu cầu báo cáo toàn diện các nội dung giám sát, trong đó ghi chú tập trung báo cáo những vấn đề đặc thù liên quan đến từng khu vực. Đề cương báo cáo chung như vậy sẽ bảo đảm phù hợp để tổng hợp xem xét những vấn đề ô nhiễm môi trường liên tỉnh như ô nhiễm môi trường không khí, ô nhiễm môi trường lưu vực sông trong phạm vi cả nước.
Tại Phiên họp, các thành viên Đoàn Giám sát ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong triển khai công việc; các nội dung tham mưu cơ bản đã bám sát Nghị quyết về chương trình giám sát, Nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 41.
Đoàn Giám sát cơ bản tán thành với dự thảo kế hoạch chi tiết giám sát, đề cương báo cáo gửi các đối tượng chịu sự giám sát, các cơ quan, tổ chức có liên quan và phân công nhiệm vụ thành viên Đoàn giám sát; đề nghị các thành viên Đoàn giám sát tiếp tục tham gia ý kiến bằng văn bản và gửi về Tổ giúp việc để tiếp tục hoàn thiện.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao những ý kiến của các đại biểu, thành viên Đoàn Giám sát; đồng thời lưu ý Đoàn Giám sát thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể:
Thứ nhất, rà soát, tiếp thu đầy đủ ý kiến tại Phiên họp 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện kế hoạch chi tiết và đề cương báo cáo, lưu ý các nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường nhưng không thể hiện trong Luật Bảo vệ môi trường mà thể hiện trong các luật khác cũng cần đề nghị Chính phủ, các cơ quan tổng hợp, các Bộ báo cáo, đánh giá tổng thể và kiến nghị phù hợp nếu có bất cập.
Thứ hai, chủ động đổi mới cách thức, phương pháp triển khai, nâng cao chất lượng, tạo chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và hành động trong tư duy, đáp ứng được yêu cầu của cử tri và Nhân dân cả nước; tăng cường cơ chế kết hợp tham gia ý kiến tại các cuộc họp Đoàn giám sát về việc xin ý kiến bằng văn bản, nhất là nắm rõ các vấn đề nổi cộm mà dư luận, cử tri quan tâm.
Thứ ba, quá trình triển khai cần tham khảo, tận dụng tối đa các kết quả giám sát trước đây, đồng thời tham khảo các kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chuyên đề, chuyên ngành của các cơ quan chuyên môn; tiếp tục đổi mới cải tiến tổ chức hoạt động giám sát, chú trọng tính hiệu quả thực chất, tuân thủ đúng các quy định, tránh tính hình thức, gây phiền hà cho các địa phương, cơ sở.
Thứ tư, các cơ quan Thường trực chỉ đạo tổ chức việc rà soát, bổ sung đầy đủ các công việc, nhiệm vụ triển khai, điều chỉnh thời gian, tiến độ làm việc với Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, sắp xếp đảm bảo tính khả thi.
Thứ năm, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chỉ đạo Tổ giúp việc khẩn trương hoàn thiện kế hoạch giám sát chi tiết, đề cương báo cáo giám sát, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình lãnh đạo Đoàn ký, ban hành.
Một số hình ảnh tại Phiên họp: