Phiên họp thứ 17 của Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải
Sáng 10/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải chủ trì phiên họp thứ 17 (trực tuyến) của BCĐ.
Tại điểm cầu tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh chủ trì. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Thạch; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị hữu quan.

Các đại biểu dự tại điểm cầu Cao Bằng.
Các dự án thuộc BCĐ gồm 37 dự án/95 dự án thành phần (DATP), trong đó có 35 dự án thuộc lĩnh vực đường bộ và 2 dự án thuộc lĩnh vực hàng không (Bộ Xây dựng 12 dự án/33 DATP; các địa phương 23 dự án/57 DATP; các cơ quan khác 2 dự án/5 DATP).
Đến nay, nhiều khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ, tiến độ thi công các dự án chuyển biến rõ rệt, đặc biệt 19 dự án/DATP đưa vào khai thác, nổi bật như: hoàn thành đưa vào khai thác 16 tuyến cao tốc, nâng tổng số đường bộ cao tốc của cả nước từ 1.327 km lên 2.268 km. Đang triển khai thi công 52 dự án/DATP cơ bản bám sát tiến độ đề ra. Trước đó, tại phiên họp lần thứ 16 ngày 9/3/2025, Thủ tướng Chính phủ đã giao 33 nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương, trong đó tập trung vào tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án; đến nay, các đơn vị đã hoàn thành 26 nhiệm vụ đúng thời hạn yêu cầu.
Đối với các dự án đường bộ cao tốc có kế hoạch hoàn thành năm 2025 để đạt mục tiêu cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc, công tác GPMB, cấp mỏ, nâng công suất khai thác các mỏ vật liệu xây dựng đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng tiến độ thi công. Hiện nay, Bộ Xây dựng và các địa phương đang triển khai thi công 28 dự án/DATP với tổng chiều dài khoảng 1.188 km. Hai dự án Hữu Nghị - Chi Lăng, Đồng Đăng - Trà Lĩnh có kế hoạch hoàn thành năm 2026, tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng đang nỗ lực triển khai để bảo đảm thông tuyến vào cuối năm 2025.
Còn một số khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tập trung tháo gỡ: Một phần diện tích không lớn và di dời hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thành GPMB theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án. Về vật liệu xây dựng, một số địa phương chưa hoàn thành thủ tục cấp phép đối với một số mỏ còn lại ảnh hưởng đến tiến độ thi công và kế hoạch hoàn thành các dự án. Về triển khai thi công, tiến độ một số dự án có kế hoạch hoàn thành năm 2025 do các địa phương làm cơ quan chủ quản còn chậm chưa có chuyển biến rõ rệt, tiềm ẩn nguy cơ không hoàn thành đúng tiến độ, ảnh hưởng đến kế hoạch hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc.
Tại phiên họp, đại diện các địa phương nêu những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; cung cấp nguồn vật liệu xây dựng và triển khai thi công các dự án... Đại diện các nhà thầu, đơn vị thi công bày tỏ tinh thần chủ động, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc phát triển hạ tầng giao thông có ý nghĩa lớn đối với thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, làm thay đổi diện mạo giao thông của đất nước. Để đạt được các mục tiêu, phấn đấu hoàn thành vượt tiến độ đề ra, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chủ quản, các chủ đầu tư cần quyết liệt triển khai các nhiệm vụ được giao bảo đảm tiến độ hoàn thành theo yêu cầu, không được lơ là công tác quản lý chất lượng, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Các địa phương căn cứ hướng dẫn của Bộ Xây dựng về điều chỉnh giải pháp xử lý nền đất yếu, vật liệu gia tải, giải pháp thiết kế nền móng, mặt đường nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, chỉ đạo các chủ đầu tư chủ động quyết định các giải pháp kỹ thuật theo thẩm quyền, bảo đảm hoàn thành các dự án đúng tiến độ đề ra. Bộ Xây dựng chủ động nắm bắt tình hình triển khai các dự án đường cao tốc thuộc danh mục 3.000 km để phối hợp với các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền…