Phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Hóa chất (sửa đổi)

Chiều 30/8, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy điều hành Phiên họp.

Toàn cảnh Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Tham dự Phiên họp có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh và một số Ủy viên; đại diện một số Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan, đơn vị liên quan.

Đề cập về sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Hóa chất, ông Phùng Mạnh Ngọc – Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết: Sau khi Luật Hóa chất năm 2007 có hiệu lực, nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước liên quan đến phát triển công nghiệp, quản lý hóa chất, an toàn hóa chất được ban hành. Qua 16 năm thi hành, việc thực thi Luật Hóa chất đã mang lại những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 Ông Phùng Mạnh Ngọc – Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương)

Ông Phùng Mạnh Ngọc – Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương)

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Luật Hóa chất năm 2007 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nên cần được sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp hóa chất phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh cho biết, Tiểu ban Môi trường và Biến đổi khí hậu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Hóa chất (sửa đổi) với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đã cụ thể hóa 04 nhóm chính sách của dự án Luật, đảm bảo thời gian theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đã đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh

Tuy nhiên, Tiểu ban cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung một số nội dung vào Tờ trình của Chính phủ, bổ sung thông tin, đánh giá tác động chính sách đầy đủ hơn đối với nội dung chính sách, nhất là chính sách mới, bổ sung phụ lục về nội dung Nghị quyết của Đảng và Quốc hội đã được thể chế hóa trong dự án Luật, số liệu dẫn chứng trong Báo cáo đánh giá tác động chính sách; bổ sung đánh giá toàn diện về nguồn lực để đảm bảo tính khả thi...

Chú trọng quản lý kỹ lưỡng các hóa chất nguy hiểm

Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) gồm 89 điều và được bố cục thành 9 chương. Phạm vi điều chỉnh của dự án Luật quy định về hoạt động hóa chất, phát triển công nghiệp hóa chất, hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, an toàn trong hoạt động hóa chất, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hóa chất, quản lý nhà nước về hóa chất.

Trong khuôn khổ Phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận vào các nội dung: Phân loại hóa chất; Quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa; Xuất nhập khẩu hóa chất; Trách nhiệm trong quản lý hoạt động hóa chất…

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung khẳng định sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Hóa chất nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh hiện đại hóa, công nghiệp hóa thông qua phát triển những lĩnh vực ưu tiên của các ngành công nghiệp nền tảng. Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung cho rằng, Ban soạn thảo cần chú trọng sự đồng bộ của Luật Hóa chất (sửa đổi) với các luật khác và các luật chuyên ngành. Bên cạnh đó là việc sửa đổi Luật phải đảm bảo luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đồng thời khắc phục các tồn tại, hạn chế của Luật Hóa chất hiện hành.

Đối với Các hành vi bị cấm quy định tại Điều 7 của dự án Luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung cho rằng, ngoài các hóa chất nguy hiểm ở trong nước thì cần rà soát, quản lý kỹ lưỡng các hóa chất nguy hiểm được nhập khẩu từ nước ngoài và điều này cần được cụ thể hóa ở trong dự án Luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Liên quan đến nội dung trên, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre nêu quan điểm: Trong dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) cần có sự phân loại hóa chất theo mức độ nguy hại và nguy hiểm. Trong đó chú trọng đến tính thống nhất khi phân loại hóa chất. Việc quản lý sản xuất, kinh doanh hóa chất cần có sự kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn cho các tổ chức, cá nhân. Đối với việc cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh, thu hồi Giấy phép sản xuất, nhập khẩu hóa chất cũng cần quy định rõ trách nhiệm cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc đào tạo, cấp giấy phép.

Đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh hóa chất

Khẳng định việc kiểm soát hóa chất có vai trò quan trọng trong sản xuất, tiêu dùng và tác động đến sức khỏe con người, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lê Văn Khảm nêu quan điểm: Các cơ quan, Bộ ngành phải kiểm soát chặt chẽ các loại hóa chất mà các tổ chức, cá nhân sử dụng để làm tiền chất sản xuất ma túy. Vấn đề này cần phải được quy định rõ ràng, trong đó có cả trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm soát, quản lý…

 Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lê Văn Khảm

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lê Văn Khảm

Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, đại diện các Ủy ban của Quốc hội và các đơn vị hữu quan. Các ý kiến đóng góp tập trung vào 2 nhóm vấn đề chung và 4 nhóm chính sách quan trọng trong dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy khẳng định, hồ sơ dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 37 tới. Để dự án Luật đảm bảo chất lượng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy yêu cầu cơ quan soạn thảo và thẩm tra tiếp thu ý kiến của các đại biểu, cơ quan, các Ủy ban của Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu trong quá trình hoàn chỉnh dự án Luật trước khi trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 tới.

Bích Lan - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=88908
Zalo