Phiên giao dịch chứng khoán sáng 5/9: Thị trường mất điểm, nhóm cổ phiếu thép ngược dòng nổi sóng
Áp lực bán gia tăng về cuối phiên khiến thị trường đảo chiều giảm về dưới vùng giá 1.280 điểm, tuy nhiên nhóm cổ phiếu thép vẫn ngược dòng thành công với đà tăng mạnh về giá cùng thanh khoản vượt trội.
Thị trường đã kết thúc tháng 8 ở mức 1.280 điểm, ghi nhận tháng tăng điểm thứ 2 liên tiếp sau đợt lao dốc mạnh trong quý II/2022, cùng thanh khoản cải thiện với khối lượng giao dịch tiếp tục tăng tích cực.
Tuy nhiên, phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8, chỉ số VN-Index đã kết phiên bằng cây nến tăng có bóng trên khá dài ở gần vùng đỉnh hồi phục (gần nhất là 1.295 điểm), cho thấy áp lực bán vẫn đang khá mạnh ở vùng này.
Thân nến vẫn nằm trong khoảng Gap 1.270-1.280 điểm, tương ứng là hỗ trợ và kháng cự ngắn hạn được tạo lập từ hai phiên trước đó, cho thấy đây là ngưỡng giá tâm lý mà cung – cầu vẫn đang tranh đấu và chưa xác định được xu hướng rõ ràng cho thị trường trong thời điểm hiện tại.
Không nằm ngoài trạng thái trên, sau kỳ nghỉ lễ dài ngày, bước vào phiên giao dịch sáng 5/9, tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng khiến dòng tiền tham gia khá hạn chế. Chỉ số VN-Index biến động giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu trước sự phân hóa mạnh trên thị trường.
Sau khoảng 90 phút giao dịch, trên sàn HOSE, số mã tăng và giảm khá cân bằng nhau với mức biến động không quá lớn, cho thấy tâm lý mua bán khá thăm dò. Đồng thời, giá trị giao dịch cũng chỉ đạt hơn 4.300 tỷ đồng.
Trong khi nhóm cổ phiếu ngân hàng với sắc đỏ chiếm ưu thế; thì nhóm cổ phiếu chứng khoán có phần tích cực hơn khi chỉ còn một vài mã giao dịch dưới mốc tham chiếu; tuy nhiên, điểm chung là mức biến động tăng giảm của các mã này khá hẹp, chủ yếu chỉ dưới 1%.
Tâm điểm đáng chú ý của thị trường trong phiên sáng nay là nhóm cổ phiếu thép thì đồng loạt đều tăng mạnh cả về giá và thanh khoản. Cụ thể, NKG tăng 5%, HSG và TLH cũng tăng gần 5%, POM tăng hơn 3%, HPG tăng 2,5%, trong đó, NKG, HSG, HPG đang dẫn đầu thanh khoản thị trường khi đều khớp hơn 10 triệu đơn vị.
Áp lực bán gia tăng về cuối phiên khiến nhiều mã lớn bé đảo chiều giảm và thị trường cũng không giữ được sắc xanh. Chỉ số VN-Index quay đầu giảm nhẹ về dưới mốc 1.280 điểm với thanh khoản cải thiện.
Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 2,44 điểm (-0,19%) xuống 1.278,07 điểm với 157 mã tăng và 264 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 215 triệu đơn vị, giá trị 5.294,9 tỷ đồng, tăng 22,22% về khối lượng và hơn 25% về giá trị so với phiên sáng 31/8. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 26,44 triệu đơn vị, giá trị 678,5 tỷ đồng.
Nhóm VN30 cũng trong xu hướng chung của thị trường khi ghi nhận 22 mã giảm và chỉ còn 8 mã tăng. Trong đó, các mã lớn đang đóng vai trò mã phanh khá tốt như BVH tăng 2,1%, HPG tăng 1,5%, GVR và VIC cùng tăng 1,3%, VHM, MSN, VNM đều tăng nhẹ.
Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu giao dịch trong sắc đỏ với mức giảm không quá sâu, chỉ trên dưới 1%. Trong đó, các mã ngân hàng là HDB, VCB, BID đang dẫn đầu khi để mất 1,3-1,9%.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, các mã trong họ FLC là AMD, KLF, ART đều tạm dừng ở mức giá sàn.
Mã nóng KPF tiếp tục bị bán tháo và có phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp với thanh khoản chỉ khớp 2.600 đơn vị, dư bán sàn 107.000 đơn vị.
Xét về nhóm ngành, các cổ phiếu thép dù có chút hạ nhiệt nhưng vẫn là nhóm đi ngược xu hướng thành công. Trong đó, HPG tăng 1,5% lên 23.350 đồng/CP, HSG tăng 4,1% lên 21.650 đồng/CP, NKG tăng 4,7% lên 22.200 đồng/CP, TLH tăng 3,5% lên 10.400 đồng/CP, POM và SMC tăng 2,6%.
Đồng thời, thanh khoản của các cổ phiếu thép có đóng góp lớn cho thị trường với bộ 3 gồm HPG, HSG, NKG vẫn dẫn đầu thị trường. Cụ thể, NLG khớp 13,15 triệu đơn vị, HPG khớp 12,4 triệu đơn vị, HPG khớp 11,83 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu bảo hiểm với sự dẫn dắt khá tốt từ mã đầu ngành là BVH cũng ghi nhận phiên tăng nhẹ. Trong đó, BMI tăng 1%, MIG và PDI nhích nhẹ, PTI tăng 1,4%, VNR tăng 4,6%, BLI tăng 4,3%.
Mặt khác, ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, chỉ còn EIB và LPB giữ được sắc xanh nhạt với mức tăng chỉ trên dưới 0,5%, còn lại phần lớn lùi sâu hơn. Trong đó, VCB, BID, SSB, HDB, VIB đều giảm hơn 1%.
Nhóm chứng khoán phần lớn cũng giao dịch dưới mốc tham chiếu, chỉ còn HCM, VCI, CTS tăng nhẹ.
Trên sàn HNX, thị trường vẫn giữ được đà tăng nhẹ.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 1,1 điểm (+0,38%) lên 293,03 điểm với 59 mã tăng và 93 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 34,62 triệu đơn vị, giá trị 744,47 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1,61 triệu đơn vị, giá trị tương ứng hơn 15 tỷ đồng.
Trái với diễn biến không mấy khả quan từ nhóm ngành, cổ phiếu ngân hàng NVB đã có phiên tăng vọt và có thời điểm chạm trần, là điểm tựa chính cho thị trường. Chốt phiên sáng nay, NVB tăng 8,8% lên mức 25.900 đồng/CP.
Ngoài ra, một số mã khác trong nhóm HNX30 hỗ trợ giúp thị trường giữ sắc xanh như VNR tăng 4,6%, TNG tăng 1,5%, các mã DXP, SLS, L18, PVC, HUT, THD tăng nhẹ.
Trái lại, cũng như sàn HOSE, các mã chứng khoán trên HNX phần lớn mất điểm như SHS giảm 1,5%, BVS giảm 1,3%, TVC giảm 1,1%, MBS giảm 0,5%...
Như đã nói ở trên, cặp đôi họ FLC là KLF và ART đều chốt phiên ở mức giá sàn, tuy nhiên giao dịch khá sôi động, thuộc top 3 thanh khoản tốt nhất với khối lượng giao dịch lần lượt đạt 3,49 triệu đơn vị và hơn 2,7 triệu đơn vị.
Một số mã đáng chú ý khác như IDC giảm nhẹ 0,3% xuống 62.100 đồng/CP, CEO cũng giảm 0,3% xuống 31.500 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 2,3 triệu đơn vị và 1,2 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường nới rộng đà giảm về vùng giá thấp nhất trong phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,71 điểm (-0,77%), xuống 91,73 điểm với 115 mã tăng và 101 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 14,27 triệu đơn vị, giá trị 266,96 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.
Cũng như các cổ phiếu trong nhóm dầu khí, BSR chốt phiên giảm 1,6% xuống 25.300 đồng/CP, nhưng giao dịch vẫn tốt nhất với 3,25 triệu đơn vị giao dịch thành công.
Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản là DDV khớp 1,93 triệu đơn vị, chốt phiên tăng 4,6% lên 20.600 đồng/CP, và TTG khớp hơn 1 triệu đơn vị, chốt phiên ở mức giá trần 5.800 đồng/CP.