Phía sau công ty đấu giá mỏ cát gấp 300 lần khởi điểm ở Quảng Nam?

Trong 6 công ty tham gia đấu giá mỏ cát ĐB2B tại xã Điện Thọ (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), Công ty CP MT Quảng Đà và Công ty CP Nông Sơn Farm gây chú ý khi có cùng thành viên góp vốn.

Công ty CP MT Quảng Đà được thành lập từ tháng 5/2022, trụ sở địa chỉ tại số 461 - 463 Nguyễn Hữu Thọ (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng)

Công ty CP MT Quảng Đà được thành lập từ tháng 5/2022, trụ sở địa chỉ tại số 461 - 463 Nguyễn Hữu Thọ (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng)

Hai doanh nghiệp có cùng thành viên góp vốn

Công ty CP MT Quảng Đà, đơn vị vừa gây chú ý khi trúng đấu giá mỏ cát ĐB2B (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) lên tới 370 tỷ đồng. Mức này gấp hơn 300 lần so với giá khởi điểm (1,2 tỷ đồng), gấp 3,7 lần vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Theo hồ sơ doanh nghiệp, Công ty CP MT Quảng Đà được thành lập từ tháng 5/2022, trụ sở tại số 461 - 463 Nguyễn Hữu Thọ (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng); do ông Nguyễn Sỹ Minh Tiến (SN 2000) làm người đại diện pháp luật. Doanh nghiệp có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh 41 mã ngành nghề, mà hoạt động chính là dịch vụ lưu trú ngắn ngày (kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch; dịch vụ kinh doanh nhà trọ).

Tháng 2/2023, Công ty CP MT Quảng Đà thay đổi đăng ký kinh doanh và bổ sung thêm nhiều ngành nghề không hoạt động tại trụ sở, trong đó có lĩnh vực khai thác đá, cát, sỏi…, vốn điều lệ 100 tỷ đồng, với 3 cổ đông góp vốn là ông Nguyễn Sỹ Minh Tiến nắm giữ tỷ lệ 68% vốn góp, bà Võ Thị Hồng Nhung sở hữu 30% và ông Lê Nguyễn Đồng Quân nắm 2%.

Điều khiến dư luận chú ý là ngoài mức vốn điều lệ (100 tỷ đồng), thấp hơn nhiều so với quy định của Luật Khoáng sản (ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án đầu tư khai thác khoáng sản) tại giá bỏ thầu 370 tỷ đồng mà công ty này đưa ra đối với phiên đấu giá mỏ cát ĐB2B, thì trong số 6 công ty tham gia bỏ thầu đối với mỏ cát ĐB2B nổi lên Công ty CP Nông Sơn Farm có cùng cơ cấu thành viên góp vốn với công ty CP MT Quảng Đà.

5 công ty khác tham gia bỏ thầu, gồm: Công ty TNHH VLXD Khoáng sản Miền Trung (địa chỉ tại xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng); Công ty TNHH Xây lắp, Thương mại và Dịch vụ Tân Nguyên Văn (phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam); Công ty CP Đầu tư tư vấn thăm dò địa chất Trung Trung Bộ (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng); Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải Bá Anh (phường Điện Minh, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam),

Theo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Công ty CP Nông Sơn Farm (được thành lập từ tháng 8/2022, tại huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam), ngành nghề chính là chăn nuôi lợn và sản xuất giống lợn… với vốn điều lệ là 150 tỷ đồng.

Cơ cấu cổ đông của Công ty CP Nông Sơn Farm cũng có các cổ đông tương tự tại Công ty CP MT Quảng Đà. Cụ thể, ông Nguyễn Sỹ Minh Tiến nắm giữ 40,9% tỷ lệ vốn góp; bà Võ Thị Hồng Nhung nắm giữ 59% tỷ lệ vốn góp, Lê Nguyễn Đồng Quân nắm giữ 0,1%.

 Quang cảnh phiên đấu giá mỏ sát ĐB2B kéo dài từ sáng ngày 18/10 đến rạng sáng ngày 19/10 với giá bỏ thầu lên đến 370 tỷ đồng

Quang cảnh phiên đấu giá mỏ sát ĐB2B kéo dài từ sáng ngày 18/10 đến rạng sáng ngày 19/10 với giá bỏ thầu lên đến 370 tỷ đồng

Điều này đã dấy lên quan ngại về việc, liệu có sự bắt tay trong việc đẩy giá bỏ thầu làm ảnh hưởng đến tình hình giá cả vật liệu xây dựng để trục lợi và gây tác động xấu đến an ninh kinh tế và trật tự xã hội, như cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam cảnh báo.

Xác minh làm rõ động cơ, mục đích việc trả giá cao bất thường

Liên quan đến vấn đề, ngày 19/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có chỉ đạo, yêu cầu các Sở: TN&MT, Tư pháp, Xây dựng, Tài chính; Công an tỉnh và UBND thị xã Điện Bàn kiểm tra dấu hiệu bất thường đối với trường hợp đấu giá mỏ cát này.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, các ngành chức năng liên quan và UBND thị xã Điện Bàn kiểm tra, rà soát lại hồ sơ, quy trình, thủ tục liên quan đến việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với điểm mỏ ĐB2B nêu trên.

Đặc biệt, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra các vấn đề về năng lực tài chính, vốn chủ sở hữu của đơn vị tham gia đấu giá quy định tại Điều 53 Luật Khoáng sản năm 2010 và những bất cập trong việc thực hiện quy trình, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục kịp thời và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016 cho phù hợp.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam giao Công an tỉnh chỉ đạo điều tra, xác minh, làm rõ động cơ, mục đích của của việc trả giá cao bất thường tại phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại điểm mỏ cát ký hiệu ĐB2B nêu trên; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường để trục lợi.

Trong thời gian chờ các ngành chức năng kiểm tra, xử lý, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND thị xã Điện Bàn tạm thời chưa ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại điểm mỏ ĐB2B này.

Như VietTimes đưa tin, sáng 18/10, tại Hội trường UBND thị xã Điện Bàn, Công ty CP đấu giá hợp danh Hòa Thuận (đơn vị được Phòng TN&MT thị xã Điện Bàn thuê thực hiện đấu giá), đã tổ chức cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại điểm mỏ ký hiệu ĐB2B (xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) với mức giá khởi điểm 1,2 tỷ đồng.

Phiên đấu giá kéo dài hơn 20 tiếng đồng hồ, kết thúc vào lúc 4h08 sáng 19/10, trải qua 200 vòng đấu với giá bỏ thầu là 370 tỷ đồng, gấp hơn 300 lần so với giá khởi điểm. Doanh nghiệp bỏ giá trúng thầu là Công ty CP MT Quảng Đà.

Theo quy định tại điểm c, Khoản 2, Điều 53 Luật Khoáng sản Việt Nam năm 2010 quy định về Nguyên tắc và điều kiện cấp Giấy phép khai thác khoáng sản ghi rõ:

2. Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có dự án đầu tư khai thác khoáng sản ở khu vực đã thăm dò, phê duyệt trữ lượng phù hợp với quy hoạch quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 10 của Luật này. Dự án đầu tư khai thác khoáng sản phải có phương án sử dụng nhân lực chuyên ngành, thiết bị, công nghệ, phương pháp khai thác tiên tiến phù hợp; đối với khoáng sản độc hại còn phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép bằng văn bản;

b) Có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

c) Có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án đầu tư khai thác khoáng sản.

Hồ Xuân Mai

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/phia-sau-cong-ty-dau-gia-mo-cat-gap-300-lan-khoi-diem-o-quang-nam-la-ai-post179313.html
Zalo