Phí cảng với tàu Trung Quốc phủ bóng lên ngành xuất khẩu LNG của Mỹ

Theo Viện Dầu mỏ Mỹ, các quy định nhằm buộc doanh nghiệp sử dụng tàu vận tải của Mỹ bằng cách đánh thuế các tàu do Trung Quốc sản xuất cập cảng Mỹ có thể gây thiệt hại cho ngành xuất khẩu.

Tàu chở khí hóa lỏng tại cảng Texas, Mỹ. (Ảnh: Bloomberg/TTXVN)

Tàu chở khí hóa lỏng tại cảng Texas, Mỹ. (Ảnh: Bloomberg/TTXVN)

Theo tờ Global Times, các khoản phí cảng mà Mỹ áp đặt đối với tàu Trung Quốc đã phủ bóng lên ngành xuất khẩu năng lượng của nước này.

Do Mỹ không có khả năng đóng tàu vận tải khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong nước hoặc thiếu đội tàu vận tải LNG thay thế, những nỗ lực của họ nhằm kiềm chế ngành đóng tàu Trung Quốc cuối cùng sẽ phản tác dụng.

Trong những lá thư vận động hành lang gửi chính phủ Mỹ trong tuần này, Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cảnh báo các quy định nhằm buộc doanh nghiệp sử dụng tàu vận tải của Mỹ bằng cách đánh thuế các tàu do Trung Quốc sản xuất cập cảng Mỹ có thể gây thiệt hại cho ngành xuất khẩu trị giá 34 tỷ USD mỗi năm.

Mỹ, nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới vào năm 2023 và 2024, từ lâu đã cố gắng cải thiện khả năng cạnh tranh xuất khẩu năng lượng bằng nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, kế hoạch áp phí cảng của nước này dường như đã đi chệch khỏi mục tiêu đó.

Thực tế là việc đóng các tàu cao cấp như tàu vận tải LNG đòi hỏi công nghệ cốt lõi cũng như chuỗi cung ứng và công nghiệp hoàn chỉnh. Sự hỗ trợ chính sách ngắn hạn không thể giúp có được khả năng này. Theo tờ Financial Times, hiện tại không có tàu nào do Mỹ sản xuất có khả năng vận chuyển LNG.

Do đó, các động thái chèn ép ngành đóng tàu của Trung Quốc không chỉ không củng cố các nhà máy đóng tàu của Mỹ mà còn làm tăng chi phí vận chuyển LNG, làm suy yếu khả năng cạnh tranh LNG của Mỹ trên thị trường toàn cầu.

Thị trường LNG toàn cầu đã là một đấu trường cạnh tranh khốc liệt, với Qatar, Australia, Nga và những nước khác đang cạnh tranh để giành thêm thị phần. LNG của Mỹ sẽ trở nên đắt hơn do những hạn chế đối với các tàu vận chuyển LNG, khiến những người mua nhạy cảm về giá có thể chuyển sang các nhà cung cấp khác và dẫn đến việc Mỹ mất thị phần.

Ngoài ra, một tỷ lệ lớn doanh số bán LNG được thực hiện thông qua các hợp đồng dài hạn nhiều năm và cơ chế giá đã được xác định từ lâu. Việc chính phủ Mỹ đột ngột áp đặt phí cảng cao có thể khiến các nhà xuất khẩu LNG của Mỹ gặp khó khăn vì họ không thể đơn phương sửa đổi hợp đồng hoặc chuyển toàn bộ gánh nặng chi phí cho khách hàng. Điều này có thể làm giảm đáng kể biên lợi nhuận của các hợp đồng hiện có và gây ra nguy cơ vỡ nợ. Hơn nữa, sự không chắc chắn sẽ khiến người mua tiềm năng chùn bước.

Hiện tại, triển vọng đầu tư của ngành LNG của Mỹ có vẻ mạnh mẽ với nhiều dự án mới đang trong giai đoạn lập kế hoạch hoặc xây dựng. Tuy nhiên, sự không chắc chắn về chính sách về chi phí logistics bổ sung này đã khiến chi phí hoạt động không thể đoán trước và quá cao trong tương lai. Các nhà đầu tư có thể thận trọng với các dự án xuất khẩu LNG của Mỹ khi đối mặt với sự không chắc chắn và tổn thất tiềm tàng lớn như vậy.

Sau nhiều năm phát triển, các nhà máy đóng tàu Trung Quốc đã đạt được bước đột phá đáng kể trong công nghệ đóng tàu LNG và có năng lực sản xuất mạnh mẽ. Sự trỗi dậy của Trung Quốc trong sản xuất tàu LNG không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn là sự bổ sung quan trọng cho thị trường toàn cầu.

Trung Quốc đã nhận được khoảng 30% đơn đặt hàng tàu chở LNG toàn cầu. Năm ngoái, Tập đoàn Đóng tàu Trung Quốc (China State Shipbuilding Corp) và Qatar Energy đã ký một thỏa thuận mua 18 tàu vận tải LNG siêu lớn, mỗi tàu có công suất tải trọng 271.000 m3.

Chừng nào Mỹ còn muốn thúc đẩy xuất khẩu LNG thì họ Mỹ không thể bỏ qua năng lực sản xuất tàu chở LNG của Trung Quốc. Động lực của thị trường năng lượng toàn cầu nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác giữa ngành LNG của Mỹ với ngành sản xuất tàu của Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh đáp ứng nhu cầu quốc tế ngày càng tăng đối với loại nhiên liệu này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/phi-cang-voi-tau-trung-quoc-phu-bong-len-nganh-xuat-khau-lng-cua-my-post1036523.vnp
Zalo