Phép thử từ cơn bão lịch sử Helene
Những cơn bão lớn gây hậu quả nghiêm trọng ngay trước thềm bầu cử được coi là phép thử cho các lãnh đạo Mỹ tương lai - hoặc đương nhiệm - xử lý khủng hoảng.
Khi tới thành phố Valdosta, Georgia hôm 30/9, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn thể hiện hình ảnh một nhà lãnh đạo đi đầu đối phó với hậu quả của bão Helene.
Ứng viên đảng Cộng hòa cho biết ông mang theo rất nhiều vật phẩm, và đã nói chuyện với Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA).
Ông thậm chí còn nói chuyện với cả tỷ phú Elon Musk về việc “kết nối” Internet vệ tinh, khi Helene quét qua gây mất điện và mất sóng điện thoại trên diện rộng. Trong bài đăng trên nền tảng X, một phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết chính quyền đã triển khai những hệ thống này.
Theo New York Times, những phát ngôn của ông Trump rất mơ hồ, đôi khi sai sự thật. Ông dường như hy vọng sẽ được so sánh với cựu Tổng thống Barack Obama, người khi đó được ca ngợi vì cách xử lý hậu quả bão Sandy năm 2012.
“Rất nhiều người đã mất tích trong cơn bão khủng khiếp này”, ông Trump nói hôm 30/9, trước khi yêu cầu những quan chức đi cùng dành một phút cầu nguyện.
Bão Helene đổ bộ vào bờ biển Florida vào đêm 27/9 (giờ địa phương), gây ngập ở một số khu vực phía đông nam nước Mỹ, cùng lũ lụt và lở đất trên khắp phía tây bang North Carolina. Số người chết vì cơn bão này đã lên tới hơn 100 người ở 6 bang. Trong bối cảnh đó, việc vận động tranh cử chính trị có vẻ không phù hợp khi người dân đang phải vật lộn để sinh tồn.
Trên thực tế, các vấn đề chính trị bị ảnh hưởng bởi thảm họa thiên nhiên đã xuất hiện trong một số cuộc bầu cử gần đây tại Mỹ. Những cơn bão lớn trước bầu cử là bài kiểm tra thực tế về cách các nhà lãnh đạo tương lai - hoặc đương nhiệm - xử lý khủng hoảng. Với việc bão Helene quét qua hai bang dao động, năm 2024 cũng không ngoại lệ.
Khi mùa bão và mùa bầu cử trùng nhau
Mùa bão và mùa bầu cử tại Mỹ thường trùng nhau.
Năm 2008, Thượng nghị sĩ John McCain của Arizona, khi đó là ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa, đã hủy bỏ hầu hết chương trình vào ngày đầu tiên Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa khi cơn bão Gustav đổ bộ vào khu vực duyên hải Vịnh Mexico. Ba năm trước, cựu Tổng thống George W. Bush bị chỉ trích vì phản ứng chậm chạp trước cơn bão Katrina.
Năm 2012, ông Obama đến thăm New Jersey hai ngày sau khi cơn bão Sandy tàn phá New York và New Jersey. Tại đây, ông được Thống đốc New Jersey Chris Christie - một đảng viên Cộng hòa - khen ngợi hết lời. Động thái này như cú hích vào phút chót, theo sau là một chiến thắng tái đắc cử.
“Có rất nhiều người xử lý khủng hoảng tệ và mất đi sự nghiệp chính trị. Trong khi đó, cũng có rất nhiều chính trị gia làm tốt”, cựu Thống đốc North Carolina Pat McCrory - người từng xử lý hậu quả của cơn bão Matthew ở phía đông hồi tháng 10/2016 - nhận định.
Ông McCrory cho biết các chính trị gia khi đến thăm vùng thiên tai đi trên “một sợi dây rất mong manh”.
“Họ cần thể hiện sự đồng cảm và không được cản trở (hoạt động cứu hộ), và nên làm tốt điều này”, ông nói. “Bất cứ ai chỉ tập trung vào lợi ích chính trị trong thời điểm khủng hoảng sẽ thất bại, đặc biệt nếu họ là người đang chịu trách nhiệm điều hành”.
Cựu thống đốc chia sẻ thêm những người đang bị ảnh hưởng bởi thảm họa thường sẽ không quan tâm hay nghe các buổi họp báo của các chính trị gia.
Sự khác biệt giữa hai ứng viên
Những ngày hậu bão Helene cho thấy sự khác biệt trong cách phản ứng của ông Trump và Phó tổng thống Kamala Harris.
Bão Helene có thể thu hút sự chú ý của công chúng vào cách ông Trump từng quản lý thiên tai, từ việc đe dọa cắt giảm viện trợ cho lãnh đạo các bang nghiêng về đảng Dân chủ, đề xuất cắt giảm ngân sách của FEMA hay chuyển tiền từ FEMA sang các chương trình thực thi luật nhập cư.
Ông Trump - một cựu tổng thống từ lâu đã hạ thấp tầm quan trọng của biến đổi khí hậu - đã tìm cách lợi dụng thảm họa Helene để phục vụ cho lợi ích chính trị cá nhân.
Ông chỉ trích Tổng thống Mỹ Joe Biden và bà Harris vì chưa tới những khu vực bị bão tàn phá. Tại cuộc vận động tranh cử cuối tuần qua, ông Trump lấy cơn bão để tấn công bà Harris, khẳng định bà không nên tổ chức các buổi gây quỹ trong khi một số vùng của đất nước đang bị tàn phá.
Tới hôm 30/9, ông đến thành phố Valdosta, phát biểu trước báo chí tại một cửa hàng nội thất có tên Chez What. Cửa hàng này bị hư hại nghiêm trọng vì bão Helene.
Ông Trump không mặc trang phục bảo hộ, không đi ủng cao su cao cổ như Thống đốc Florida Ron DeSantis, và cũng không mặc áo gió như ông Obama. Thay vào đó, ông vẫn trung thành với trang phục vận động tranh cử tiêu chuẩn: Bộ vest tối màu, cà vạt đỏ và mũ in dòng chữ “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Cách ăn mặc này gợi cảm giác sự kiện mang tính chính trị, mặc dù ông khẳng định mình không có ý như vậy.
“Chúng ta không nói về chính trị vào thời điểm hiện tại”, ông Trump nói, vài phút trước khi Franklin Graham - một nhà truyền giáo ủng hộ mạnh cựu tổng thống - trực tiếp gợi chủ đề chính trị trong một lời cầu nguyện.
"Chúng ta hãy cầu nguyện khi bước vào cuộc bầu cử này, ý muốn của Người sẽ thành hiện thực", ông Graham nói.
Về phía bà Harris, bão Helene có thể thách thức các kỹ năng quản lý thảm họa thiên nhiên của phó tổng thống. Ứng viên đảng Dân chủ có cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn vào hôm 30/9, khi xuất hiện chớp nhoáng tại trụ sở FEMA.
“Chúng tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng để hỗ trợ các địa phương ứng phó và phục hồi”, bà Harris nói, cho biết thêm có kế hoạch đến thăm khu vực bị ảnh hưởng “sớm nhất có thể mà không làm gián đoạn bất cứ hoạt động khẩn cấp nào, vì đó là ưu tiên hàng đầu”.
Bà Harris cũng cắt ngắn loạt hoạt động vận động tranh cử và gây quỹ ở phía tây nam để quay lại thủ đô Washington, trong khi nhà Trắng thông báo ông Biden có kế hoạch đến các vùng bị ảnh hưởng vào ngày 2/10.