Phép thử niềm tin

Thủ đô Washington D.C của Mỹ đang trong những ngày rực rỡ nhất của mùa Xuân, chào đón hàng trăm nhà lãnh đạo tài chính, ngân hàng của hơn 190 nền kinh tế tới tham dự Hội nghị mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Trụ sở IMF tại Washington, DC, Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Trụ sở IMF tại Washington, DC, Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Hội nghị năm nay thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế do những yếu tố khác thường ở cả bối cảnh diễn ra sự kiện và nội dung trọng tâm dự kiến sẽ chi phối các cuộc thảo luận kéo dài gần 1 tuần, đến ngày 26/4.

Trái ngược với khung cảnh thiên nhiên tươi vui, các bộ trưởng tài chính, thương mại và các thống đốc ngân hàng trung ương mang tâm trạng đầy lo âu trước thềm hội nghị. Có rất nhiều lý do cho sự lo lắng này liên quan tới các khoản nợ-vay, tương lai của các quỹ tài chính và tất nhiên là sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ “sụt giảm đáng kể” và lạm phát sẽ tăng ở một số quốc gia, nhận định này của Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva đã phần nào phác họa bối cảnh không có nhiều mảng sáng của Hội nghị mùa Xuân 2025. Hồi tháng 1, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu đạt 3,3% cho cả năm nay và năm sau. Tuy nhiên, trong thông báo mới nhất, cơ quan này cho biết sẽ hạ mức dự báo và con số cụ thể sẽ sớm được công bố trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới.

Sau đại dịch COVID-19, kinh tế toàn cầu tiếp tục chuỗi phục hồi yếu và thiếu động lực. Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2024 chỉ đạt mức 3,2% thấp hơn trung bình thập niên trước đại dịch. Lạm phát giảm chậm hơn kỳ vọng, đặc biệt tại các nền kinh tế phát triển, trong khi nợ công toàn cầu lập kỷ lục mới. Nhiều quốc gia đang phát triển rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" giữa chi tiêu phục hồi và nghĩa vụ trả nợ ngày càng nặng nề. Trong khi đó, xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu và khủng hoảng năng lượng tiếp tục gây sức ép lớn đối với các nguồn lực và sự ổn định kinh tế - xã hội ở nhiều khu vực.

Thêm một nguyên nhân khiến triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên ảm đạm hơn là nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại và đứt gãy chuỗi cung ứng do chính sách thuế mới của Mỹ. Các mức thuế cao bất ngờ đã ngay lập tức làm rung chuyển thị trường tài chính và hệ thống thương mại toàn cầu. Chính sách này làm dấy lên lo ngại về một làn sóng trả đũa thuế quan, gây tổn thất lên tới hàng nghìn tỷ USD cho nền kinh tế thế giới.

Bước đi chấn động này của Mỹ cũng là một trong những yếu tố đặc biệt nhất định hình chương trình nghị sự của Hội nghị mùa Xuân IMF-WB năm nay. Giới quan sát nhất trí rằng vấn đề thương mại sẽ “soán ngôi” tài chính để trở thành chủ đề chi phối các cuộc thảo luận. Các nhà phân tích nhận định hội nghị sẽ có nhiều phiên tập trung đánh giá hậu quả của chính sách thuế quan mới, trong khi các bộ trưởng tài chính, thương mại của các nền kinh tế sẽ ưu tiên đảm bảo các thỏa thuận thương mại thông qua các cuộc tiếp xúc song phương với các đối tác Mỹ.

Trong các báo cáo gần đây, IMF đã cảnh báo một kịch bản bảo hộ thương mại đồng loạt sẽ làm giảm ít nhất 0,8% tăng trưởng toàn cầu trong năm nay và giảm sâu tới 1,3% năm 2026, đồng thời gây tổn thương đặc biệt nghiêm trọng cho các nước thu nhập thấp phụ thuộc vào xuất khẩu. Trong khi đó, WB nhấn mạnh đến tác động gián tiếp của các rào cản thương mại tới giá hàng hóa, chi phí đầu vào sản xuất và khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các nước, kể cả các quốc gia phát triển. Vì vậy, mục tiêu trước mắt của các phái đoàn tham dự hội nghị lần này là giảm thiểu tối đa hoặc ít nhất là trì hoãn các tác động tiêu cực của việc tăng thuế.

Vấn đề thuế và thương mại nhiều khả năng sẽ làm lu mờ nội dung chủ đề của hội nghị năm nay "Việc làm – con đường tới thịnh vượng". Chủ tịch WB Ajay Banga cho biết sẽ có 1,2 tỷ thanh niên tham gia thị trường việc làm trong thập niên tới, song chỉ có 400 triệu việc làm mới. Đây không đơn thuần là vấn đề kinh tế mà còn tiềm ẩn những hệ lụy bất ổn xã hội khác. Để ứng phó tình trạng này, WB đang hợp tác với các chính phủ để tài trợ cho các doanh nghiệp, hỗ trợ cải cách chính sách và huy động đầu tư thông qua khu vực tư nhân để tạo thêm nhiều việc làm.

Một chủ đề trọng tâm khác của Hội nghị mùa Xuân IMF-WB 2025 liên quan trực tiếp đến các chính sách thuế của Mỹ là vấn đề nợ công, đặc biệt là ở các nước nghèo. Báo cáo của IMF cho biết hơn 60 quốc gia đã đạt đến hoặc vượt ngưỡng cảnh báo về bền vững nợ công. Sự khó lường của các chính sách thuế quan và thương mại của Mỹ thúc đẩy lạm phát, đẩy tỷ giá hối đoái lên cao, dẫn đến tăng chi phí trả nợ vay. Các nhà đầu tư cân nhắc thoái vốn khỏi các quốc gia có thu nhập thấp để chuyển sang các kênh đầu tư an toàn hơn. Tình hình kinh tế toàn cầu bất ổn cũng khiến việc trả nợ ngày càng đắt đỏ, trong khi các cơ chế tái cấu trúc nợ hiện hành theo Nhóm G20 đang bị đánh giá là chậm chạp và thiếu hiệu quả. Các bên chủ nợ lớn vẫn ngần ngại tham gia tái cấu trúc một cách thực chất, trong khi các nước đi vay bị kẹt giữa áp lực chi tiêu và chi phí tài chính tăng cao.

Hội nghị cũng cần giải quyết một câu hỏi lớn về tương lai của nguồn tài trợ trị giá 4 tỷ USD mà chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết dành cho Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) – quỹ của WB chuyên cung cấp các khoản vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp dành riêng cho các quốc gia nghèo nhất thế giới. Hiện chưa rõ Mỹ sẽ đóng góp bao nhiêu cho IDA và bao giờ sẽ thực hiện. Dựa trên những động thái gần đây từ Washington, một số chuyên gia cảnh báo cần chuẩn bị tinh thần cho việc sẽ không có đồng tài trợ nào từ Mỹ cho sáng kiến này.

Chuyển đổi năng lượng và tài chính khí hậu tiếp tục là một nội dung nghị sự nổi bật của Hội nghị mùa Xuân 2025. Dù phải đối mặt với áp lực chính trị từ chính quyền Mỹ, WB vẫn kiên định với các cam kết tài chính khí hậu, duy trì mục tiêu phân bổ 45% tổng tài trợ cho các dự án liên quan đến khí hậu. Chủ tịch Ajay Banga khẳng định đây không phải là nguồn lực tách biệt mà là một phần trong chiến lược phát triển toàn diện, kết hợp giữa khí hậu và phát triển. Trong khi đó, năng lượng lại trở thành tâm điểm thảo luận với kế hoạch sửa đổi chính sách năng lượng, bao gồm cả khả năng dỡ bỏ lệnh cấm đầu tư vào điện hạt nhân. Ông Banga kêu gọi chiến lược năng lượng “tổng thể”, gồm khí tự nhiên, thủy điện, địa nhiệt, năng lượng gió, mặt trời và hạt nhân. Hướng đi này nhận được sự ủng hộ từ Mỹ và nhiều quốc gia châu Phi đang thiếu hụt điện năng.

Mặc dù không phải một nội dung để thảo luận, song chính sách của Mỹ đối với IMF và WB được đặc biệt quan tâm. Việc Washington đang tiến hành rà soát toàn diện vai trò của Mỹ trong các tổ chức đa phương với kết luận dự kiến công bố vào tháng 8 tạo ra bầu không khí hoài nghi. Liệu Mỹ sẽ rút khỏi một hoặc cả hai định chế, hay giới hạn đáng kể phạm vi hoạt động của họ. Trong bối cảnh Mỹ là nền kinh tế chủ lực của cả hai thể chế Bretton Woods này, bất kỳ sự thay đổi định hướng nào từ Washington đều có thể làm lung lay năng lực vận hành và tính chính danh của hệ thống tài chính toàn cầu hiện nay. Các cuộc thảo luận tại hội nghị vô hình trung trở thành cuộc sát hạch cho chính IMF và WB trong việc duy trì vai trò trung tâm.

Trong một thế giới ngày càng bất ổn và khó lường, Hội nghị mùa Xuân IMF-WB 2025 không chỉ là bài đánh giá năng lực của các định chế tài chính đa phương, mà còn là phép thử về lòng tin và sự đoàn kết giữa các quốc gia. Liệu thế giới có còn đủ ý chí chính trị để duy trì một trật tự kinh tế mở, công bằng và bao trùm. Liệu các thể chế được thiết lập từ thế kỷ trước có thể cải cách kịp để đáp ứng yêu cầu của thế kỷ XXI. Câu trả lời cho những câu hỏi ấy có thể chưa rõ ràng ngay sau khi hội nghị kết thúc, nhưng những định hướng được thông qua sẽ tác động sâu rộng trong nhiều năm tới. Trong lúc các cú sốc mới vẫn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, việc xây dựng một hệ thống tài chính toàn cầu có khả năng thích ứng, bền vững và bao trùm hơn không còn là lựa chọn, mà là điều kiện tiên quyết để thế giới tránh rơi vào những vòng xoáy khủng hoảng tiếp theo.

Trà Ly (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/phep-thu-niem-tin-20250422154902153.htm
Zalo