'Phép màu' đến với những bệnh nhi có đôi tay bị di tật

Nhiều bệnh nhi bị dị tật bàn tay, trong đó có những trường hợp phức tạp đã được chuyên gia phẫu thuật góp phần mang lại cuộc sống tươi sáng hơn.

 Bàn tay phải của bé Minh Đạt trước phẫu thuật không duỗi thẳng được (ảnh trái) và đã có thể duỗi thẳng sau 4 lần phẫu thuật

Bàn tay phải của bé Minh Đạt trước phẫu thuật không duỗi thẳng được (ảnh trái) và đã có thể duỗi thẳng sau 4 lần phẫu thuật

Từ ngày 21-30/11, bác sĩ người Pháp Stéphane Guero - người được mệnh danh là "phù thủy phẫu thuật bàn tay" - sẽ đến Việt Nam điều trị phẫu thuật cho các bệnh nhân bị dị tật bàn tay bằng các phương pháp tạo hình bàn tay, chuyển ngón, nối ngón, tách ngón và phục hồi chức năng bàn tay…

Trong số những bệnh nhân đang chờ được phẫu thuật, có 11 bệnh nhi được Quỹ Nâng bước tuổi thơ bảo trợ điều trị tại Bệnh viện FV (TPHCM) và trong số này có 6 ca phức tạp phải điều trị nhiều lần.

Điển hình như trường hợp của em Nguyễn Thành Trung (16 tuổi, quê Hà Nội) mắc hội chứng Apert gây dị dạng tứ chi, trong đó xương ngón tay không phát triển đầy đủ nên bàn tay không thành hình. Không có cha, mồ côi mẹ từ nhỏ, Trung sống cùng bà ngoại già yếu. Với tình trạng dị tật bàn tay, mọi sinh hoạt em phải dựa vào bà.

Năm 2019, với sự bảo trợ của Quỹ Nâng bước tuổi thơ, Trung được bác sĩ Stéphane Guero phẫu thuật mở rộng màng giữa ngón cái. Năm 2022, em tiếp tục được mở rộng màng giữa ngón cái và ngón út của bàn tay phải, nhờ vậy bàn tay Trung đã cải thiện chức năng cầm nắm, giúp em có thể tự chăm sóc bản thân. Trong lần phẫu thuật tới đây, em sẽ được tách các ngón của bàn tay trái.

Một bệnh nhi khác là bé Nguyễn Phạm Tường Vy (6 tuổi, quê Quảng Nam) dị tật bàn tay hiếm gặp. Khi mới sinh ra đời, hai bàn tay của bé không có ngón.

Bàn tay của em Nguyễn Thành Trung trước và sau 3 lần phẫu thuật

Bàn tay của em Nguyễn Thành Trung trước và sau 3 lần phẫu thuật

Tường Vy đã được bác sĩ Stéphane Guero phẫu thuật tách ngón và tái tạo bàn tay trái hai lần trước đó vào các năm 2019 và 2022. Tương lai mới đang dần mở ra cho Tường Vy khi giờ đây bé đã có thể cầm nắm các vật bằng bàn tay trái với những ngón tay được bác sĩ tái tạo. Trong đợt phẫu thuật lần ba này, bé sẽ được tách ngón và tái tạo bàn tay trái.

Trong khi đó, lúc mới sinh ra, bàn tay phải của bé Trần Nguyễn Minh Đạt (6 tuổi, quê Quảng Nam) đã không được lành lặn khi ngón cái không có xương và bàn tay quặp không duỗi được.

Từ năm 2019 tới nay, trải qua 5 lần phẫu thuật, bé được bác sĩ Stéphane Guero thực hiện các thủ thuật phức tạp như cấy ghim hình thành cổ tay để em có thể duỗi thẳng tay, tái tạo gân cơ ngón út và tái tạo ngón tay cái từ ngón trỏ. Hiện tại, bàn tay của bé đã có thể duỗi thẳng như bình thường, ngón tay cái có thể cầm nắm được đồ vật. Đợt phẫu thuật này cũng là lần phẫu thuật cuối, Đạt sẽ được bác sĩ tháo bỏ ghim định hình cho bàn tay phải.

Phẫu thuật dị tật bàn tay là kỹ thuật giải phẫu tinh vi nhằm mang lại hiệu quả thẩm mỹ và tái tạo chức năng cho bàn tay bị dị tật do bẩm sinh hoặc tai nạn. Việc điều trị hiệu quả đòi hỏi chuyên gia phẫu thuật ngoài chuyên môn thực hiện các vi phẫu còn phải có kinh nghiệm trong việc tính toán các phương án nhằm đảm bảo chức năng của bàn tay sau phẫu thuật.

Là thành viên sáng lập của Viện Phẫu thuật bàn tay Pháp, cũng được xem là một trong những chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật dị dạng bàn tay, việc cứu chữa cho những bàn tay trẻ thơ là một niềm đam mê đồng thời được bác sĩ Stéphane Guero xem như một trách nhiệm của mình. Rất nhiều ca hy hữu, hiếm gặp trên thế giới đã được ông thực hiện thành công. Không ít bệnh nhân bị dị tật bàn tay hiếm gặp tại Việt Nam cũng có cơ hội tìm lại chức năng cho bàn tay, từ đó thay đổi chất lượng cuộc sống.

Đông Quân

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/phep-mau-den-voi-nhung-benh-nhi-co-doi-tay-bi-di-tat-20231107105902597.htm
Zalo