Phên giậu xanh nơi Tây Nam Tổ quốc-Bài 1: Chung tay cùng ngư dân vươn khơi, bám biển
Nằm ở phía Tây Nam Tổ quốc, tỉnh Kiên Giang có núi rừng, đồng bằng và biển, đảo. Đứng chân trên địa bàn, những người lính quân hàm xanh luôn nỗ lực, vượt mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ; tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở; tham mưu nhiều mô hình sinh kế hiệu quả, góp phần mang đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Nắng soi bóng cầu Tô Châu trên dòng sông, anh Trần Văn Kiên trú tại khu phố 5, phường Bình San, TP Hà Tiên lái tàu cá vào Trạm Kiểm soát Biên phòng Pháo Đài (Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên) làm thủ tục xuất bến. Trong lúc chờ, các ngư dân tranh thủ rà soát công tác hậu cần, bảo đảm cho chuyến đánh bắt xa bờ dài ngày.
Vào tuần trăng (con nước), số lượng tàu cá ra vào rất đông, cán bộ của Trạm chủ động phối hợp cùng các lực lượng tiến hành làm thủ tục xuất bến với phương châm “nhanh gọn, đúng luật”. Đại úy Lê Doãn Hà Sơn, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Pháo Đài không chỉ “ăn tranh thủ” mà mọi sinh hoạt cá nhân cũng khẩn trương, dành tất cả thời gian cho công việc.
Cầm tập tài liệu trên tay, bước qua lan can, anh Sơn cùng mọi người ngồi trên boong tàu lộng gió xem lại các quy định, giải thích cặn kẽ những điều ngư dân quan tâm. Ngoài việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật trên biển, anh còn mang đến tinh thần quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị nhằm gỡ "thẻ vàng" IUU sớm nhất.
Trước tình cảm chân thành của người lính quân hàm xanh, ngư dân Trần Văn Kiên bày tỏ: “Nhờ công tác tuyên truyền của BĐBP, bà con chúng tôi càng hiểu rõ lợi ích của việc khai thác nguồn lợi thủy sản bền vững, mang lại sinh kế lâu dài cho ngư dân”.
Nhận bức ảnh chân dung Bác Hồ cùng lá cờ Tổ quốc của BĐBP trao tặng, anh Kiên đặt ảnh Bác ở nơi trang trọng. Tiếng máy nổ giòn, con tàu hướng mũi tiến ra cửa biển, mang theo lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió.
Sinh ra và lớn lên trên miền quê sông nước, Đại úy Lê Doãn Hà Sơn cảm nhận mỗi tàu cá là một mảnh ghép trong bức tranh sinh động của người dân Nam Bộ. Khi vươn khơi, những con tàu ấy không đơn thuần là phương tiện mưu sinh mà còn là “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Với phương châm “Đi từng ngõ, gõ cửa từng chủ phương tiện”. Thời gian vừa qua, BĐBP phối hợp với chính quyền địa phương xử lý dứt điểm tàu cá 3 không (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép); 100% tàu cá từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS); hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT); lập danh sách theo dõi, ngăn ngừa từ sớm, từ xa tàu cá, ngư dân có ý định khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Theo anh Sơn, tại các cửa khẩu cảng biển, việc tạo điều kiện để ngư dân khai thác, đánh bắt thủy sản trên ngư trường truyền thống luôn được ưu tiên. Công tác thường xuyên là kiểm tra, giám sát tàu cá ra vào cảng, bám địa bàn để tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật trên biển, từ đó nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của ngư dân, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh theo đúng nguyên tắc, trình tự quy định.
Phát triển mô hình sinh kế
Chúng tôi cùng cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng An Thới ra thăm những hộ nuôi cá lồng trên biển. Anh Nguyễn Văn Hải, trú tại phường An Thới, TP Phú Quốc-một trong những hộ nuôi cá có kinh nghiệm lâu năm đang kiểm tra lại hệ thống phao, chuẩn bị nuôi mẻ cá mới. Trên bè có hai người đàn ông khác đang tất bật với công việc “tắm cho cá”. Dưới làn nước mát, những con cá mú trân châu khỏe mạnh, bơi lội tung tăng.
Nói về công việc này, anh Hải chia sẻ: “Cá sống trong môi trường nuôi nhốt, không gian chật hẹp dễ bị ký sinh trùng bám vào cơ thể, hút chất dinh dưỡng, làm cho cá chậm lớn nên phải tắm cho chúng thường xuyên”.
Từng là người có thâm niên đi biển và đánh bắt hải sản, nhưng “cơ duyên” để anh gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản cũng thật tình cờ. Khi có chủ trương phát triển mô hình nuôi cá lồng, anh Hải và nhiều người chưa hình dung sẽ làm như thế nào. Nhờ có BĐBP cung cấp tài liệu và động viên nên anh quyết tâm. Ban đầu vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, khi nắm chắc kỹ thuật nuôi cá thì anh Hải mới mạnh dạn vay thêm từ nguồn vốn ưu đãi để đầu tư.
Nhìn thành quả hiện có, anh Hải bộc bạch: “Cá mú trân châu là kết quả của sự lai giống từ cá mú cọp và cá mú nghệ. Sau 10 tháng nuôi, cá đạt trên 1kg thì tiến hành thu hoạch, thịt cá thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao nên được thị trường đón nhận”. Đến nay, mô hình này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ gia đình khá lên cũng nhờ nuôi cá lồng.
Là hòn đảo đẹp nhất của Việt Nam, TP Phú Quốc hứa hẹn trở thành trung tâm du lịch và dịch vụ cao cấp trong tương lai. Thượng tá Lưu Quang Mười, Chính trị viên Ban chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng Dương Đông xác định công tác bảo vệ, gìn giữ môi trường biển cũng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Anh tâm sự: “Bao đời nay, biển gắn bó máu thịt với bà con. Ngoài công tác tuyên truyền, chúng tôi cam kết với các chủ tàu, thuyền khi thay dầu máy không xả trực tiếp xuống biển, ảnh hưởng tới môi trường”.
Để giữ gìn tài nguyên đại dương bền vững, những người lính quân hàm xanh còn khuyến cáo ngư dân không đánh bắt khi mùa cá sinh sản nhằm bảo vệ, duy trì nguồn lợi thủy sản, hải sản phong phú và đa dạng.
Phú Quốc nổi tiếng với thương hiệu nước mắm. Tính đến thời điểm hiện tại, TP Phú Quốc có hệ thống nhà thùng (cơ sở sản xuất nước mắm) đứng trong tốp đầu cả nước. Các làng nghề làm nước mắm gia truyền từng tồn tại hàng thế kỷ qua, một nét văn hóa nổi bật trong nền ẩm thực của Việt Nam, là địa chỉ yêu thích của khách du lịch mỗi khi đến thăm đảo ngọc.
Còn đang mải mê ngắm sóng biển buổi sớm, tôi đã thấy từng đàn bồ câu chao liệng, sà xuống khoảng không gian rộng rãi trước cửa đơn vị để tìm kiếm thức ăn. Với cán bộ Trạm Biên phòng Cửa khẩu cảng Dương Đông thì đàn bồ câu này thân thiết như những người bạn. Trước kia chỉ vỏn vẹn vài cặp chim bố mẹ, bây giờ chúng đã sinh sôi thành đàn lớn, lên đến hàng trăm con.
Chẳng biết từ lúc nào, những gương mặt trẻ trong sắc xanh quân phục cùng màu áo xanh đoàn thanh niên cùng xuất hiện. Vào buổi sáng cuối tuần, họ hẹn nhau tại đây, trên tay ai cũng sẵn sàng cuốc, xẻng, chổi, thùng đựng rác. Mọi người chia nhau tỏa đi các hướng, tới các tụ điểm đông người như bãi biển, khu vui chơi, hàng quán để gom rác, giữ môi trường xanh, sạch vốn có của đảo.
Hướng ra ngoài khơi, anh Mười tự hào khoe: “Trong một ngày không xa, dự án Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy cơ hội cho các nhà đầu tư, đồng thời hấp dẫn khách du lịch nội địa và quốc tế đến với đảo”. Chia sẻ về công việc, anh khẳng định: “Cùng với nhiệm vụ chính trị, BĐBP luôn tích cực, chủ động tham mưu với chính quyền các cấp về chủ trương phát triển du lịch gắn với tình yêu biển, đảo quê hương”.
Chuông điện thoại reo vang, anh Mười tạm dừng câu chuyện. Đầu dây bên kia là giọng của ông Tổ trưởng “Tổ tàu, thuyền an toàn” phấn khởi thông báo chuyến đánh bắt của ngư dân đã trở về an toàn, kết thúc một tuần trăng ra khơi thắng lợi.
Ngoài kia, ánh mặt trời buông sắc vàng trên những con sóng như ngàn bông hoa lấp lánh. Biển mênh mang, dường như trong lòng người lính biên cương cũng đang trào dâng lời biển hát.
(còn tiếp)