Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nghĩa Tân
Tại Quyết định số 6742/QĐ-UBND ban hành ngày 31-12-2024, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), tỷ lệ 1/500.
Theo quyết định, tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết khoảng 316.600m2 (tương đương gần 31,66ha).
Quy mô dân số sẽ được xác định chính xác trong quá trình nghiên cứu lập đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trên cơ sở kết quả điều tra khảo sát, đánh giá hiện trạng dân số thực tế tại các nhà chung cư cũ cải tạo xây dựng lại và các nhà ở hiện có.
Thời gian hoàn thành lập đồ án quy hoạch chi tiết là 6 tháng kể từ ngày phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch.
Theo dự toán lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nghĩa Tân được UBND thành phố phê duyệt trước đó, phạm vi khu tập thể được giới hạn như sau: Phía Bắc là đường Hoàng Quốc Việt; Phía Tây trùng với mép vỉa hè hiện trạng phía Đông đường Nguyễn Phong Sắc; phía Đông, Đông Nam và phía Nam trùng với phố Tô Hiệu.
Giá trị dự toán lập quy hoạch là hơn 1,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, gồm: Chi phí lập nhiệm vụ quy hoạch; chi phí lập đồ án quy hoạch; chi phí lập hồ sơ quy hoạch theo GIS; chi phí thẩm định nhiệm vụ, thẩm định đồ án quy hoạch; chi phí quản lý nghiệp vụ; chi phí tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư; chi phí công bố quy hoạch...
UBND thành phố yêu cầu các sở: Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Kho bạc Nhà nước thành phố và các đơn vị liên quan hướng dẫn quận Cầu Giấy lập Quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nghĩa Tân, tỷ lệ 1/500 theo đúng quy định.
Khu tập thể Nghĩa Tân được xây dựng vào năm 1987, gồm 23 nhà chung cư, cao từ 3 đến 5 tầng. Sau thời gian dài sử dụng, khu tập thể hiện đã xuống cấp nghiêm trọng.
Việc cải tạo, xây dựng lại khu tập thể nhằm chỉnh trang, tái thiết đô thị, từng bước tháo dỡ các chung cư cũ nguy hiểm, xuống cấp, xây dựng mới các nhà chung cư tái định cư, giữ gìn các công trình kiến trúc có giá trị, đầu tư xây dựng theo quy hoạch, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phát triển các công trình thương mại, dịch vụ làm thay đổi cơ bản và nâng cao chất lượng đô thị, chất lượng cuộc sống, giá trị kiến trúc cảnh quan, hướng tới đô thị xanh, văn minh, hiện đại, bền vững.