Phê duyệt kết quả thẩm định ĐTM dự án tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình với tổng chiều dài khoảng 60,9km, trong đó, trên địa bàn tỉnh Nam Định 27,6km, trên địa bàn tỉnh Thái Bình 33,3km. Điểm đầu dự án tại Km19+300 - đầu cầu vượt sông Đáy phía Nam Định, thuộc địa bàn xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Điểm cuối tại Km80+240 tại nút giao giữa Quốc lộ 37 mới và đường ven biển, thuộc địa bàn xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Hướng tuyến đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình.

Hướng tuyến đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình.

Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án “Đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức đối tác công tư” của Tập đoàn Geleximco - Công ty Cổ phần (là chủ dự án) được thực hiện tại tỉnh Nam Định và Thái Bình

Theo quyết định, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình với tổng chiều dài khoảng 60,9km, trong đó, trên địa bàn tỉnh Nam Định 27,6km, trên địa bàn tỉnh Thái Bình 33,3km. Điểm đầu dự án tại Km19+300 - đầu cầu vượt sông Đáy phía Nam Định, thuộc địa bàn xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Điểm cuối tại Km80+240 tại nút giao giữa Quốc lộ 37 mới và đường ven biển, thuộc địa bàn xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Dự án chiếm dụng đất vĩnh viễn khoảng 538,44ha. Trong đó, diện tích đất ở khoảng 8,91ha; diện tích đất nông nghiệp khoảng 453,85ha (bao gồm các loại đất: 386,46ha đất trồng lúa nước; 7,16ha đất trồng cây lâu năm; 52,69ha đất trồng cây hàng năm và 7,54ha đất nuôi trồng thủy sản); diện tích đất giáo dục khoảng 0,38ha; diện tích đất sản xuất, kinh doanh khoảng 2,1ha;diện tích đất phi nông nghiệp khác khoảng 73,2ha (bao gồm các loại đất: 29,71ha đất giao thông; 26,28ha đất thủy lợi; 2,33ha đất nghĩa trang; 14,53ha đất sông suối, ao hồ; 0,17ha đất công trình năng lượng và 0,18ha đất phi nông nghiệp khác). Trong đó các công trình phụ trợ trên tuyến gồm: Công trình báo hiệu đường bộ, công trình chiếu sáng; cây xanh; hệ thống thông tin phục vụ quản lý và liên lạc.

Phạm vi đánh giá tác động môi trường được phê duyệt tại Quyết định này không bao gồm: Hoạt động bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hoạt động xây dựng khu tái định cư; hoạt động xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ; hoạt động khai thác, vận chuyển cát biển và nguyên vật liệu đến công trình phục vụ thi công; hoạt động rửa mặn và tập kết cát biển; hoạt động của trạm trộn bê tông xi măng và bê tông nhựa.

Các hạng mục công trình chính của dự án: Đầu tư xây dựng tuyến đường theo tiêu chuẩn đường bộ cao tốc với chiều dài khoảng 60,9km, quy mô 04 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường Bn = 24,75m (gồm 04 làn xe, làn dừng khẩn cấp, giải phân cách giữa, lề đất), bề rộng mặt đường Bm = 15m; vận tốc thiết kế 120 km/h. Xây dựng 07 nút giao liên thông gồm: Nút giao đường trục phát triển kinh tế tỉnh Nam Định tại lý trình Km18+700; nút giao đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần tại lý trình Km31+800; nút giao đường tỉnh 489C tại lý trình Km42+250; nút giao Thái Bình - Cồn Vành tại lý trình Km50+500; nút giao đường CT.16 tại lý trình Km61+450; nút giao Quốc lộ 39 tại lý trình Km70+720; nút giao Quốc lộ 37 mới tại lý trình Km79+640. Xây dựng khoảng 45,156km đường gom kết cấu mặt đường láng nhựa 02 lớp, quy mô đường cấp V đồng bằng, bề rộng nền đường Bn = 6,5m và bề rộng mặt đường Bm = 5,5m.

Xây dựng 23 cầu trên tuyến chính gồm: 03 nhịp cầu đúc hẫng cân bằng gồm (cầu vượt sông Ninh Cơ tại lý trình Km37+814; cầu vượt sông Hồng tại lý trình Km 46+932; cầu vượt sông Trà Lý tại lý trình Km 64+650). Trong đó xây dựng 20 nhịp cầu đơn vượt nút giao sông, kênh, mương và xây dựng 04 cầu vượt ngang, 54 hầm chui dân sinh, 439 cống thoát nước ngang trên tuyến.

Xây dựng hệ thống thoát nước dọc, bao gồm rãnh cấu tạo hình chữ nhật bằng bê tông cốt thép có nắp đậy, bề rộng rãnh tối thiểu B = 0,6m thuận tiện duy tu; nắp rãnh có cấu tạo thu nước, nước dẫn về cống ngang hoặc các điểm tụ nước, cụ thể như sau: Giữa đường cao tốc và đường gom trong một số trường hợp chân taluy đắp sát nhau, các đoạn giữa đường cao tốc và đường nhánh vào nút giao đi song song với tuyến chính: Bố trí rãnh thu nước giữa 2 đường và dẫn về cống ngang.

Toàn bộ các đoạn thi công thí điểm cát biển: Thi công rãnh dọc để thu gom nước thấm từ bấc thấm. Các đoạn đường gom qua khu dân cư thiết kế rãnh dọc thoát nước mặt đường và khu dân cư.

Xây dựng hệ thống thoát nước siêu cao bằng bê tông cốt thép dạng chữ nhật có nắp đậy nằm sát dải phân cách giữa phía lưng đường cong với tổng chiều dài 13.908m, kết cấu bê tông cốt thép với kích thước B x H = (0,5 x0,6) m.

Xây dựng 07 trạm thu phí gồm: 01 điểm đầu tuyến (Km19+980) và 01 điểm cuối tuyến (Km78+100) trên tuyến chính và 05 trạm thu phí tại các nhánh ra, vào cao tốc tại 05 nút giao liên thông (nút giao Nam Định – Lạc Quần tại lý trình Km31+800; nút giao Đường tỉnh 489C tại lý trình Km42+250; nút giao Thái Bình - Cồn Vành tại lý trình Km50+500; nút giao cao tốc CT16 tại Km62+450; nút giao Quốc lộ 39 tại lý trình Km70+720).

Xây dựng 01 trung tâm điều hành tại trạm thu phí đầu tuyến (lý trình Km19+980). Trung tâm điều hành dùng chung cho hệ thống điều khiển giao thông thông minh (ITS) và hệ thống thu phí.

Văn Đạt

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/phe-duyet-ket-qua-tham-dinh-dtm-du-an-tuyen-duong-bo-cao-toc-ninh-binh-hai-phong-doan-qua-tinh-nam-dinh-va-thai-binh-387753.html
Zalo