Phế cầu khuẩn - 'thủ phạm' gây ra nhiều bệnh nguy hiểm

Phế cầu khuẩn là một trong những nguyên nhân chính gây nên bệnh viêm phổi ở trẻ em, người già trên 65 tuổi và người có hệ miễn dịch bị suy yếu.

(Ảnh: Getty images)

(Ảnh: Getty images)

Phế cầu khuẩn là tác nhân thường được phát hiện trong tình trạng đồng nhiễm, bội nhiễm ở nhiều bệnh nhân COVID-19, Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), cúm,…

Các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra thường tiến triển nhanh và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, nếu may mắn chữa khỏi vẫn có thể để lại các di chứng như điếc, mù, liệt và thần kinh chậm phát triển… Do đó, người bệnh cần phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời.

1. Phế cầu khuẩn là gì?

Phế cầu khuẩn là vi khuẩn có tên streptococcus pneumoniae, tên gọi thông thường là phế cầu. Mỗi chủng vi khuẩn phế cầu khác nhau sẽ gây nên các bệnh khác nhau. Phế cầu khuẩn cư trú chủ yếu ở mũi, họng và đường thở của người khỏe mạnh và thường không gây bệnh, được gọi là người lành mang trùng.

Ở những đối tượng nhạy cảm như trẻ nhỏ, người cao tuổi, đặc biệt là người có hệ miễn dịch suy giảm, phế cầu khuẩn sẽ dễ dàng gây bệnh. Trẻ em là nhóm chính dễ mắc bệnh.

Bệnh do phế cầu khuẩn thông thường lây lan qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người mang vi khuẩn qua hành động hắt hơi, ho, nôn… hay dùng chung đồ cá nhân.

 (Ảnh: Getty images)

(Ảnh: Getty images)

2. Phế cầu khuẩn gây ra những bệnh gì?

Vi khuẩn phế cầu có nhiều tuýp khác nhau có thể thường trú 40-70% trong vùng hầu họng người khỏe mạnh, sẵn sàng tấn công ngay khi có cơ hội.

Phế cầu khuẩn chính là “thủ phạm” gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, thậm chí nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn rất khó điều trị và tốn kém.

Phế cầu khuẩn gây ra nhiều bệnh lý khác nhau. Dưới đây là một số bệnh lý phổ biến.

Viêm tai giữa

Viêm tai giữa là bệnh viêm cấp tính ở lớp niêm mạc lót trong tai giữa, thường khởi phát sau viêm mũi họng do phế cầu khuẩn streptococcus pneumoniae (40-50%).

Trẻ từ 6-18 tháng tuổi là nhóm có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất với triệu chứng thường thấy ở trẻ là đau tai, sốt cao, quấy khóc, khó chịu, có chất dịch trong tai giữa, chảy mủ tai hoặc mất thính giác,…

Các triệu chứng điển hình của viêm tai giữa trong giai đoạn đầu rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý hô hấp khác. 80% trẻ sẽ mắc bệnh viêm tai giữa ít nhất 1 lần trước năm 3 tuổi, hơn 1/3 trường hợp trẻ bị nhiễm trùng lặp đi lặp lại (3 lần hoặc nhiều hơn trong 1 năm), phải can thiệp phẫu thuật.

Di chứng nặng do viêm tai giữa do phế cầu khuẩn đang âm thầm tấn công sức khỏe và tính mạng của hàng triệu trẻ em với tỷ lệ tử vong từ 10-20%; tỷ lệ tử vong lên tới 50% ở đối tượng nguy cơ cao như trẻ nhỏ, người già, người có hệ miễn dịch yếu.

 (Ảnh: Getty images)

(Ảnh: Getty images)

Viêm phổi

Phế cầu khuẩn là một trong những nguyên nhân chính gây nên bệnh viêm phổi ở trẻ em, người già trên 65 tuổi và người có hệ miễn dịch bị suy yếu.

Viêm phổi là một bệnh viêm nhiễm trùng tại phổi, làm cho các túi khí ở một bên hoặc hai bên phổi bị tổn thương và viêm, bệnh có thể tiến triển nhanh và gây nhiều biến chứng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Viêm phổi do phế cầu có các biểu hiện lâm sàng như sốt cao kèm theo rét run hoặc giảm thân nhiệt ở người có hệ miễn dịch yếu; đau ngực kèm theo khó thở; ho có đờm hoặc máu.

 (Ảnh: Getty images)

(Ảnh: Getty images)

Viêm màng não

Viêm màng não do phế cầu khuẩn là bệnh khó phát hiện và nguy hiểm nhất, tỷ lệ đề kháng kháng sinh cao, tạo khó khăn và áp lực trong việc điều trị.

Các chuyên gia y tế cho biết 80% bệnh nhân viêm màng não là trẻ dưới 5 tuổi. Đáng chú ý, tỷ lệ lành bệnh hoàn toàn chỉ 70%. Trong khi đó, từ 5-15% bệnh nhân viêm màng não tử vong dù được điều trị tích cực. Nếu không điều trị tích cực, tỷ lệ này có thể lên đến 30%.

Thậm chí, nếu may mắn chữa khỏi, người bệnh có thể đối mặt di chứng lâu dài như tổn thương các dây thần kinh sọ não; áp-xe não, áp-xe dưới màng cứng, ổ tụ mủ dọc huyết quản, viêm tắc tĩnh mạch, viêm quanh mạch máu não…; gây tắc nghẽn dịch não tủy, chứng não nước, viêm màng trong tim, viêm màng ngoài tim, viêm phổi, viêm thận.

Viêm màng não do phế cầu có biểu hiện như đau nhức đầu dữ dội; nôn mửa; sốt cao (39-40 độ C), ớn lạnh; cứng cổ; thở nhanh, nhạy cảm với ánh sáng; tinh thần không tỉnh táo.

 (Ảnh: Getty images)

(Ảnh: Getty images)

Nhiễm trùng huyết

Những người có hệ miễn dịch suy yếu dễ mắc nhiều bệnh lý hơn so với người bình thường, trong đó có bệnh nhiễm trùng huyết do phế cầu khuẩn gây ra.

Vi khuẩn phế cầu xâm nhập vào máu và gây ra nhiều triệu chứng như sốt, rét run, đau đầu, lơ mơ, có thể sốc nhiễm khuẩn gây tử vong.

Ngoài các bệnh lý trên, phế cầu khuẩn còn gây nhiều bệnh lý khác như viêm kết mạc, viêm tủy xương, viêm mô tế bào, viêm xoang cấp tính, viêm màng ngoài tim…

Nhiễm trùng huyết là khi vi khuẩn xâm nhập vào máu và gây nên các triệu chứng như sốt, rét run; đau đầu, bứt rứt; tinh thần lơ mơ, ngủ gà; có thể sốc nhiễm khuẩn gây tử vong cao.

Ngoài các bệnh lý trên, phế cầu khuẩn còn gây ra các bệnh lý viêm khác như viêm xoang cấp tính, viêm kết mạc, viêm tủy xương, viêm màng ngoài tim, viêm mô tế bào hay nặng thì bị áp xe não...

 (Ảnh: Getty images)

(Ảnh: Getty images)

3. Phương pháp điều trị

Tùy thuộc vào mức độ nặng-nhẹ của tình trạng bệnh để đưa ra giải pháp điều trị phù hợp.

Đối với nhiễm trùng do phế cầu khuẩn ở mức độ nhẹ: Sử dụng kháng sinh là cần thiết trong phác đồ điều trị bệnh. Việc dùng thuốc nào, liều lượng bao nhiêu sẽ do bác sỹ quy định sau khi chẩn đoán tình trạng bệnh dựa trên kết quả thăm khám và xét nghiệm.

Một số trường hợp nhiễm trùng nặng, bác sỹ chỉ định tiêm kháng sinh qua đường tĩnh mạch. Với triệu chứng nghiêm trọng hơn có thể đe dọa đến tính mạng, liệu pháp oxy cùng nhiều hình thức điều trị khác được thực hiện.

 (Ảnh: Getty images)

(Ảnh: Getty images)

4. Cách phòng ngừa

Phòng ngừa tốt phế cầu khuẩn không chỉ giúp con người, đặc biệt là trẻ nhỏ và người già giảm nguy cơ mắc bệnh cũng như biến chứng của bệnh. Để giúp phòng bệnh hiệu quả, bạn nên thực hiện một số biện pháp sau.

Vaccine

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến khích đưa vaccine phế cầu vào chương trình tiêm chủng quốc gia. Với mức độ gây nhiều bệnh nguy hiểm, phòng bệnh phế cầu khuẩn bằng việc tiêm vaccine sớm cho trẻ từ 6 tuần tuổi là cách giảm thiểu đáng kể tỷ lệ tử vong, đồng thời cũng giảm chi phí và thời gian chữa bệnh.

Trẻ từ 5 tuần tuổi đến 5 tuổi được khuyến cáo nên tiêm vaccine phòng phế cầu bị nhiễm khuẩn. Đây là biện pháp giảm thiểu các tai biến, giảm việc dùng kháng sinh khi chưa thực sự cần thiết.

Tránh yếu tố tiếp xúc

Trước và sau khi ăn hoặc sau khi tiếp xúc với các bề mặt nơi công cộng cần rửa tay sạch bằng xà phòng.

Che chắn vùng mũi-miệng khi ho và hắt hơi.

Tránh hút thuốc lá (chủ động và thụ động).

Tránh tiếp xúc với những đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh lý về hô hấp.

Khi đến những nơi đông người nên đeo khẩu trang./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/phe-cau-khuan-thu-pham-gay-ra-nhieu-benh-nguy-hiem-ha-post967950.vnp
Zalo