Phe bảo thủ thắng cử, Đức sắp có thủ tướng mới
Friedrich Merz, một nhà kinh tế - tài chính chưa từng tham gia nội các, gần như chắc chắn sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Đức sau khi liên minh bảo thủ CDU/CSU của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử liên bang quan trọng vào ngày 23-2.
Theo kết quả sơ bộ bầu cử Quốc hội sớm tại Đức, liên minh CDU/CSU do ông Friedrich Merz lãnh đạo về nhất với 29% số phiếu ủng hộ, đảng cực hữu "Sự lựa chọn vì nước Đức" (AfD) về thứ hai với 19,6%, tiếp theo là đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của đương kim Thủ tướng Olaf Scholz 16%, đảng Xanh 13,3%, đảng cánh tả Linke 8,6%, đảng Dân chủ Tự do (FDP) 4,9% và Liên minh Sahra Wagenknecht (BSW) cực tả 4,8%.
Với kết quả này, ông Friedrich Merz, 69 tuổi, dự kiến thay thế Thủ tướng Scholz và trở thành lãnh đạo tiếp theo của Đức. Dự kiến trong ngày 24-2, ông Merz sẽ bắt đầu ngay các nỗ lực thành lập chính phủ liên minh và nhiều khả năng đây sẽ là một liên minh 3 đảng, trong đó có tối thiểu một đảng trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Scholz sụp đổ tháng 11 năm ngoái.
Ông Merz 69 tuổi và chưa có kinh nghiệm làm việc trong chính phủ. Tuy nhiên, ông cam kết sẽ phối hợp với các đồng minh để đưa nước Đức trở lại vị thế trung tâm châu Âu. Ngoài ra, ông cũng chủ trương thúc đẩy năng lực quốc phòng của châu Âu trong bối cảnh "lục địa già" và Mỹ gia tăng căng thẳng về vấn đề Ukraine cũng như tài trợ cho NATO. Ông nói: "Đối với tôi, đẩy nhanh tăng cường sức mạnh châu Âu sẽ là ưu tiên hàng đầu để từng bước độc lập với Mỹ về quốc phòng".
Theo giới chuyên gia phân tích, kết quả bầu cử ở Đức đang tạo tiền đề dẫn đến những cuộc đàm phán kéo dài để hình thành liên minh chính trị. Ông Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng tư nhân Berenberg, nhận định rằng chính trường Đức đang đối mặt những rủi ro lớn, gồm việc cần phải có một liên minh ba bên cùng với triển vọng các đảng phái khác giành được hơn 1/3 số ghế có thể cùng nhau ngăn chặn bất kỳ thay đổi nào đối với hiến pháp Đức. Nếu điều này xảy ra, họ có thể phủ quyết bất kỳ nỗ lực nới lỏng quy định "phanh nợ" được ghi trong hiến pháp.
Bà Franziska Palmas, chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Âu tại Công ty nghiên cứu thị trường Capital Economics cho rằng dù thành phần chính xác của liên minh cầm quyền ra sao, chính phủ tiếp theo được kỳ vọng sẽ cắt giảm thuế thu nhập và thuế doanh nghiệp, giảm các phúc lợi xã hội và tăng chi tiêu quốc phòng. Theo bà, triển vọng cho một cuộc cải cách phanh nợ đã mờ nhạt dần vì các đảng chính có thể ủng hộ nó - gồm CDU, SPD và đảng Xanh - nhiều khả năng không đạt được đa số 2/3 cần thiết để phê duyệt nó.
Cuộc bầu cử tại Đức diễn ra trong bối cảnh kinh tế Đức đang đối mặt nhiều rủi ro suy thoái. Ngày 13-2, Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) công bố khảo sát doanh nghiệp trong đó đề cập dự báo nền kinh tế Đức sẽ suy giảm 0,5% trong năm 2025, đánh dấu năm thứ ba sụt giảm liên tiếp và là thời kỳ suy yếu kéo dài nhất trong lịch sử nước Đức thời hậu chiến.