Phẫu thuật cứu bé trai dị tật tim bẩm sinh nặng, chi phí tính sau
Bệnh viện Nhi đồng 1 phẫu thuật cứu bé trai bị dị tật tim bẩm sinh nặng, chi phí hơn 100 triệu đồng được bệnh viện vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ.
Ngày 12-11, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) đã cung cấp thông tin về ca bệnh quốc tịch Campuchia bị màng ngăn nhĩ trái và cao áp phổi nặng, được phẫu thuật cấp cứu thành công.
Điều trị lao phổi suốt 6 tháng
Bệnh nhi tên Quang Nấc (2 tuổi, nam, quốc tịch Campuchia) nhập Bệnh viện Nhi đồng 1 ngày 28-10 do thở mệt. Khai thác tiền sử ghi nhận từ 4 tháng tuổi, bệnh nhi đã có triệu chứng khó thở, từng nhập viện 4 lần vì viêm phổi.
Trước đó, bệnh nhi được điều trị kéo dài nhiều đợt với chẩn đoán viêm phổi - lao phổi. Bệnh nhi uống thuốc lao phổi liên tục 6 tháng song đáp ứng điều trị kém.
Trước khi nhập viện 4 tháng, bệnh nhi hay sốt về chiều, ho đàm, thở mệt. Nghi ngờ có vấn đề về tim nên bác sĩ tư vấn gia đình đưa bệnh nhi qua Bệnh viện Nhi đồng 1 khám.
Khi nhập viện, tình trạng bệnh nhi đã nguy kịch, suy hô hấp, có chỉ định cấp cứu. Bệnh nhi được cho thở NCPAP (thở ôxy nồng độ cao).
Sau khi làm các xét nghiệm kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị màng ngăn nhĩ trái. Bệnh nhi có chỉ định phẫu thuật cắt màng ngăn nhĩ trái.
Ca phẫu thuật thành công sau 2 tiếng. Sau mổ, áp lực động mạch phổi của bệnh nhi đã giảm rất nhiều.
Bệnh nhi được hồi sức 3 ngày, chăm sóc theo dõi sát, dùng thuốc an thần, rút nội khí quản sau 24 giờ mổ. Hồi sức thành công, bệnh nhi được chuyển ra phòng ngoài, thở khí trời, ăn uống bình thường.
Hiện sức khỏe bệnh nhi ổn định, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Dị tật tim bẩm sinh hiếm gặp
Theo ThS.BS chuyên khoa 2 Nguyễn Trí Hào, Trưởng khoa Tim mạch, màng ngăn nhĩ trái là một trong các loại dị tật tim bẩm sinh hiếm gặp, tỉ lệ khoảng 1/1.000 trẻ.
Mỗi năm, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận trung bình 1 ca tương tự. Trong các dị tật tim bẩm sinh, đây là dị tật khi chẩn đoán ra thì phẫu thuật không quá phức tạp.
“Bệnh nhi này đặc biệt ở chỗ từ mới sinh ra đã có dấu hiệu khó thở. Người nhà đưa đi khám rất nhiều nơi, nhập viện nhiều lần cũng không chẩn đoán ra bệnh. Thậm chí bệnh nhi bị nhầm là mắc lao phổi và điều trị lao phổi liên tục” - bác sĩ Hào nói.
Theo bác sĩ Hào, với dị tật tim bẩm sinh là màng ngăn nhĩ trái ở tim, khi trẻ càng lớn, màng ngăn thay đổi, ứ lại ở phổi gây thở nhanh, dễ lầm tưởng viêm phổi. Người ít tiếp xúc bệnh này sẽ dễ nhầm thành lao phổi.
Bệnh nhi cũng có nước tiểu màu đỏ vì uống thuốc lao phổi kéo dài sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến gan.
Đáng nói, khi có quyết định can thiệp phẫu thuật, người nhà bệnh nhi không đồng ý và xin về. Hỏi ra mới biết gia đình chỉ mang có 3 triệu đồng, không đủ chi phí phẫu thuật.
Với phương châm “cứu người là trên hết, chi phí tính sau”, Ban Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 quyết định hỗ trợ bệnh nhi, đồng thời cho phép thực hiện phẫu thuật cấp cứu.
Chi phí phẫu thuật hơn 100 triệu đồng đã được bệnh viện vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ.
ThS.BS Ngô Kim Thơi, Trưởng khoa Ngoại tim mạch, cho biết bệnh nhi phát hiện bệnh khá muộn nên tim phải gánh chịu hậu quả khá nặng nề. Tim của trẻ bị giãn nhiều, áp lực động mạch phổi rất cao, sức co bóp tim bị ảnh hưởng và chỉ có cách phẫu thuật mới cứu sống được.
Khuyến cáo phát hiện sớm vấn đề về tim
Trong các dị tật về tim, khi màng ngăn nhĩ trái có tắc nghẽn mà không được phát hiện, xử trí kịp thời sẽ có nguy cơ đột tử. Nếu phát hiện sớm, được phẫu thuật, tim có thể phục hồi về bình thường.
Do bệnh nhi Quang Nấc là người nước ngoài, không sống ở Việt Nam nên các bác sĩ có băn khoăn về chuyện tái khám. Bác sĩ đã dặn dò gia đình rất kĩ, cho thuốc nhiều hơn các bệnh nhi khác và hướng dẫn cẩn thận.
Nếu trẻ có những dấu hiệu cảnh báo của bệnh tim như thở nhanh, thở mạnh..., người nhà nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám, đánh giá chính xác tình trạng bệnh.
ThS.BS chuyên khoa 1 NGUYỄN THỊ PHƯƠNG CHÂU - khoa Tim mạch Bệnh viện Nhi đồng 1