Phẫu thuật cấp cứu bệnh nhân bị nhiễm trùng rất nặng do sỏi thận kẹt gây ứ mủ
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, sau hơn một tuần điều trị, bệnh nhân bị nhiễm trùng rất nặng do sỏi thận trái kẹt gây ứ mủ thận đã ổn định sức khỏe.
Trước đó, ngày 20/9, bệnh nhân L.T.T (75 tuổi, ở Tây Hòa) nhập viện trong tình trạng sốt và đau hông - lưng. Thăm khám lâm sàng và thực hiện một số kỹ thuật cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị choáng nhiễm khuẩn niệu, thận ứ mủ do sỏi thận (bệnh nhân bị đau hông - lưng hàng tuần trước khi nhập viện). Sau khi giải thích với gia đình người bệnh về mức độ nguy hiểm của bệnh và những nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cấp cứu, dẫn lưu mủ và lấy sỏi. Sau mổ, tình trạng dần ổn định, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Ngoại tiết niệu để tiếp tục theo dõi và điều trị.
Theo BSCKII Nguyễn Tôn Hoàng, Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, thận ứ mủ do sỏi gây nhiễm khuẩn có thể dẫn đến tình trạng choáng rất nặng. Nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời thì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Trong trường hợp bệnh nhân L.T.T, việc xử trí cấp cứu kịp thời đã đem lại kết quả tốt.
Trong các bệnh thận - tiết niệu - sinh dục, số người mắc bệnh sỏi tiết niệu chiếm tỉ lệ cao. Thực tế là nhiều người chưa hiểu về bệnh sỏi tiết niệu nên chủ quan. Khi biết mình mắc bệnh sỏi tiết niệu, một số người tự uống thuốc nam hoặc các thảo dược khác và cho rằng sỏi sẽ bị đào thải ra ngoài. Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàng khẳng định: “Điều đó là sai! Uống thuốc nam không giải quyết được vấn đề sỏi, thậm chí còn làm cho thận bị ứ nước và gây ra tổn thương thận. Bệnh thận tiến triển âm thầm, không triệu chứng, và bệnh cảnh cuối cùng là hư thận”.
Do đó, khi cơ thể có những triệu chứng bất thường, người dân hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.