Phạt tù hành vi bán hàng giả online để tăng tính răn đe
Bộ Công an đề xuất phạt tù từ 5-10 năm đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT).

Cơ quan điều tra thực hiện các quyết định tố tụng với bà Nguyễn Thị Thái Hằng, tức Hằng Du mục và ông Phạm Quang Linh, tức Quang Linh Vlogs. Ảnh: Thông tin Chính phủ
Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) do Bộ Công an soạn thảo, dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV vào tháng 10/2025.
Tại dự thảo, Bộ Công an đề xuất bổ sung án tù với hành vi vi phạm sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm hoạt động trên các nền tảng TMĐT. Theo đó, Điều 193 dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, mức phạt bổ sung liên quan đến hành vi này bị Bộ Công an đề xuất tăng gấp đôi, từ 20-100 triệu đồng lên 40-200 triệu đồng.
Đi kèm, cá nhân phạm tội bị cấm hành nghề, làm công việc nhất định từ 1-5 năm và tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Đặc biệt pháp nhân thương mại có thể bị phạt từ 18-36 tỷ đồng, gấp đôi mức phạt hiện hành. Đáng chú ý là ngoài các mức phạt tiền rất cao, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm "Hoạt động trên các nền tảng TMĐT có từ 500 người tiếp cận trở lên" bị Bộ Công an đề xuất mức phạt tù từ 5-10 năm.
Trước hết, đề xuất này là một bước tiến đáng hoan nghênh trong xu hướng đẩy mạnh tính nghiêm minh của pháp luật; cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của cơ quan quản lý trong việc chấn chỉnh hoạt động kinh doanh online, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe Nhân dân và duy trì trật tự thị trường. Nhất là trong bối cảnh bán hàng thực phẩm giả trên sàn TMĐT gần đây đang có dấu hiệu tràn lan, khó kiểm soát. Trong đó, nóng và mới nhất là vụ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự “sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng” liên quan đến vụ “kẹo rau củ Kera” của Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt, do Hằng Du Mục làm Chủ tịch và Quang Linh là thành viên Hội đồng quản trị.
Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả răn đe và tính khả thi, các quy định mới cần được triển khai song song cùng những cơ chế giám sát, hướng dẫn rõ ràng về cơ chế thu thập, chứng minh hành vi buôn bán hàng giả trên nền tảng số.
Bán hàng giả mà ngang nhiên “công khai” như vụ “kẹo rau củ Kera” thì xử lý không khó. Phức tạp là với những đối tượng ẩn danh, sử dụng địa chỉ IP giả, luân chuyển tài khoản, quảng cáo “chui”... Vì vậy, cơ quan chức năng cần nâng cấp năng lực giám sát, thu thập bằng chứng điện tử, hợp tác với các sàn TMĐT để xác thực giao dịch, đánh giá mức độ nghiêm trọng của từng hành vi vi phạm.
Vấn đề nữa là các quy định phải phân biệt rõ giữa những hành vi cố ý kinh doanh hàng giả và trường hợp người bán vô tình phân phối sản phẩm không rõ nguồn gốc. Bởi hiện nay, không ít người kinh doanh nhỏ lẻ (hộ gia đình, cá nhân) không đủ khả năng kiểm định toàn bộ sản phẩm, vô tình “nhập nhầm” hàng giả. Nếu luật áp dụng một cách cứng nhắc, họ có thể trở thành nạn nhân của sự thiếu hiểu biết, thay vì kẻ chủ mưu gian lận. Vì vậy, việc làm rõ tiêu chí "cố ý" hay "vô ý," mức độ vi phạm, dấu hiệu tái phạm... sẽ giúp áp dụng pháp luật công bằng, tránh dẫn đến thiệt thòi, thiệt hại cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Cũng không thể không nhắc đến trách nhiệm của các sàn TMĐT bởi đây là cầu nối quan trọng giữa người bán và người mua. Khi sàn TMĐT thiếu cơ chế kiểm soát, không thực hiện xác minh thông tin người bán, nguồn gốc hàng hóa, sẽ tạo “đất” cho những đối tượng gian lận. Do đó, luật cần quy định trách nhiệm liên đới của sàn TMĐT, khuyến khích hoặc bắt buộc họ đầu tư hệ thống phát hiện hàng giả, thiết lập kênh khiếu nại, hoàn tiền nhanh chóng, và chia sẻ dữ liệu với cơ quan điều tra khi cần.
Cuối cùng, việc tăng nặng chế tài chỉ là một phần, phần còn lại vẫn là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng. Mỗi cá nhân mua hàng trên mạng xã hội, trên các sàn TMĐT trước hết cần trang bị kiến thức về phân biệt hàng giả, hàng nhái, xác minh chứng nhận sản phẩm, cảnh giác với chiêu trò giá rẻ “không tưởng”.
Khi người mua đủ tỉnh táo, thị trường sẽ tự đào thải các gian thương, giảm bớt gánh nặng cho cơ quan chức năng.