Phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong Luật Thủ đô 2024

Thể chế hóa các yêu cầu của Nghị quyết 15-NQ/TW, Luật Thủ đô 2024 đã quy định một số chính sách đặc thù nhằm mục tiêu nâng cao năng lực, xây dựng hệ thống Y tế Thủ đô ngày càng phát triển, hiện đại.

Chính sách mang tính đột phá cho ngành Y tế Thủ đô

Trong Luật Thủ đô 2024, phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quy định tại Điều 26; điểm c khoản 1 Điều 43.

Các y, bác sĩ làm việc trong một kíp mổ tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Các y, bác sĩ làm việc trong một kíp mổ tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Luật Thủ đô năm 2012 không có quy định về y tế. Thể chế hóa định hướng về phát triển y tế Thủ đô tại Nghị quyết số 15-NQ/TW, Luật Thủ đô năm 2024 xác định mục tiêu phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân “Xây dựng hệ thống y tế Thủ đô tiên tiến và hiện đại phù hợp với cơ cấu, quy mô dân số, địa bàn thực hiện, đáp ứng toàn diện nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân, là trung tâm lớn về y tế của cả nước và khu vực.

Việc xây dựng mạng lưới bác sĩ gia đình rất cần thiết. Các bác sĩ gia đình sẽ phụ trách hồ sơ sức khỏe, nắm được tình hình sức khỏe của từng gia đình, qua đó phục vụ tốt hơn cho công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Luật Thủ đô 2024 quy định về việc sử dụng quỹ BHYT để phát triển hoạt động khám chữa bệnh y học gia đình trên cơ sở nguồn kinh phí BHYT được giao dự toán cho TP, phù hợp với các quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh" - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội).

Cùng với đó, tập trung phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới. Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và năng lực hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình. Phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện công lập và ngoài công lập” (khoản 1 Điều 26).

Để thực hiện mục tiêu trên, Luật Thủ đô 2024 đã quy định một số chính sách đặc thù, vượt trội, cụ thể:

a) Về nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở, mạng lưới khám, chữa bệnh y học gia đình: Luật phân quyền cho HĐND TP quy định:

+ Việc sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ thanh toán một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được quỹ BHYT thanh toán cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình trên địa bàn TP (điểm a khoản 2 Điều 26), không phân biệt cơ sở cơ sở công lập hay ngoài công lập, cơ sở của Trung ương hay của TP;

+ Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực y tế thực hiện khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, y tế cơ sở, y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe Nhân dân (điểm d khoản 2 Điều 26).

Các quy định này góp phần tháo gỡ khó khăn về nguồn lực tài chính và nhân lực cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, tạo điều kiện khuyến khích các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập tham gia thực hiện việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình. Luật cũng giao UBND TP quy định việc đăng ký cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, quản lý hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có phạm vi hoạt động chuyên môn về y học gia đình trên địa bàn TP (điểm c khoản 3 Điều 26).

b)Về phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện công lập và ngoại công lập: Luật phân quyền cho HĐND TP quy định:

+ Việc sử dụng ngân sách TP để hỗ trợ thanh toán dịch vụ cấp cứu ngoại viện (điểm b khoản 2 Điều 26).

+ Mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, mức giá dịch vụ cấp cứu ngoại viện chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định theo pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và tỷ lệ đồng chi trả của người bệnh khi sử dụng dịch vụ cấp cứu ngoại viện để làm cơ sở thực hiện việc hỗ trợ thanh toán (điểm c khoản 2 Điều 26).

Luật giao UBND TP xác định lộ trình phát triển và tổ chức, hoạt động của hệ thống cấp cứu ngoại viện trên địa bàn TP gồm Bệnh viện 115, Trung tâm Điều phối cấp cứu, Trung tâm Đào tạo cấp cứu và mạng lưới cấp cứu, trạm cấp cứu 115 và các tổ cấp cứu ngoại viện của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý của TP (điểm b khoản 3 Điều 26).

Đây là một giải pháp đặc thù, có tính đột phá không chỉ nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tại Thủ đô mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ BHYT do pháp luật hiện hành chưa có quy định về mạng lưới, hoạt động điều phối cấp cứu ngoại viện và giá dịch vụ này. Công tác cấp cứu người bệnh tại chỗ và vận chuyển cấp cứu người bệnh đến các cơ sở điều trị là vấn đề cấp thiết và quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân.

Việc hình thành một mạng lưới cấp cứu ngoại viện để đảm trách công tác cấp cứu ngoại viện trong đời sống hàng ngày cũng như trong tình huống có thảm họa là hướng đi đúng đắn và phù hợp với thực tiễn trên địa bàn TP Hà Nội, làm giảm nguy cơ bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên, giảm nguy cơ bệnh nhân chuyển nặng khi dịch vụ cấp cứu ngoại viện kịp thời cấp cứu vào “thời điểm vàng” của bệnh nhân, từ đó giảm gánh nặng bệnh tật và tài chính khám, chữa bệnh sau này cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.

c)Về biện pháp nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, tập trung phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới:

- Luật giao quyền cho HĐND TP quy định hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực y tế của Thủ đô tại nước ngoài, cập nhật, chuyển giao công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực y, dược, an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh, y tế công cộng cho cơ sở y tế công lập của TP (điểm d khoản 2 Điều 26).

- Áp dụng các ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, về thuế suất và miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nhà đầu tư có các Dự án đầu tư thành lập mới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao, hiện đại; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại các vùng khó khăn về kinh tế - xã hội (khoản 1, 2 Điều 43).

Một góc Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Một góc Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Ban hành danh mục khám, chữa bệnh y học gia đình chưa được BHYT thanh toán và danh mục cấp cứu ngoại viện

Ngày 4/10/2024, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 43/NQ-HĐND ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được quỹ BHYT thanh toán và cấp cứu ngoại viện của TP Hà Nội. Nghị quyết có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 1/1/2025.

Về danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được quỹ BHYT thanh toán của TP Hà Nội có 3 dịch vụ. (1) Quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu thông qua tạo lập, cập nhật, quản lý Hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân của người dân trên địa bàn. (2) Khám bệnh, tư vấn, dự phòng bệnh tật và nâng cao sức khỏe tại nhà. (3) Cấp cứu, chăm sóc tại nhà đối với người bệnh (gồm 18 nội dung hoạt động).

Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực cấp cứu ngoại viện của TP Hà Nội có 4 dịch vụ. (1) Hoạt động thường trực cấp cứu tại các địa điểm tổ chức các sự kiện, hội nghị (khi được yêu cầu). (2) Cấp cứu, xử trí tại chỗ không vận chuyển người bệnh (tính theo khoảng cách) gồm 7 nội dung hoạt động. (3) Cấp cứu ngoại viện và vận chuyển người bệnh (tính theo khoảng cách) gồm 7 nội dung hoạt động. (4) Xe cấp cứu đến hiện trường không đón được người bệnh (tính theo khoảng cách) gồm 7 nội dung hoạt động.

Nghị quyết ra đời nhằm quản lý việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn TP, giúp cho người bệnh phát hiện bệnh sớm, được chẩn đoán và điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm mang lại hiệu quả điều trị cao, giảm bớt chi phí khám bệnh, chữa bệnh, giảm biến chứng cho người bệnh.

Đồng thời, hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe, mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe, được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, thụ hưởng các dịch vụ y tế. Nghị quyết cũng nhằm góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP trong tình hình mới; bảo đảm hoạt động cấp cứu, vận chuyển người bệnh được thực hiện với chất lượng chuyên môn tốt nhất, nhanh nhất, đáp ứng yêu cầu của người bệnh, người dân.

Hồng Thái

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phat-trien-y-te-va-cham-soc-suc-khoe-nhan-dan-trong-luat-thu-do-2024.html
Zalo