Phát triển văn hóa, nâng cao đời sống Nhân dân
Phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' (gọi tắt là xây dựng đời sống văn hóa) trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương và hưởng ứng tích cực của các tầng lớp Nhân dân. Qua đó, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo và đề ra các kế hoạch, giải pháp đồng bộ thúc đẩy phong trào xây dựng đời sống văn hóa phát triển sâu rộng được Nhân dân hưởng ứng với sức lan tỏa mạnh mẽ, thực sự trở thành phong trào thi đua yêu nước rộng lớn, có tác động tích cực, sâu sắc đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Các thiết chế văn hóa, thể dục - thể thao ngày càng được quan tâm, xây dựng. Các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao quần chúng ngày càng phong phú, hình thức đa dạng, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, củng cố hệ thống chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh.
Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang có nhiều chuyển biến tích cực. Các lễ hội tổ chức theo đúng quy định của Nhà nước, bảo đảm tiết kiệm, trang trọng và văn minh, công tác xã hội hóa được phát huy. Các tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi, giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được gìn giữ và phát huy; các truyền thống tốt đẹp của dân tộc được phát huy mạnh mẽ trong cộng đồng. Các hoạt động hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững ngày càng lan tỏa. Nhiều làng nghề, nghề truyền thống, nhiều di sản văn hóa được bảo tồn, phát triển. Đặc biệt, việc gắn phong trào xây dựng đời sống văn hóa với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh ngày càng phát huy hiệu quả, tạo chuyển biến rõ rệt trong xây dựng xã nông thôn mới, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.
Việc bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa” tại các địa phương được tiến hành công khai, dân chủ, bám sát các tiêu chí. Các “Gia đình văn hóa tiêu biểu” là những hạt nhân trong phong trào xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc. Đồng thời, là những nhân tố tích cực và quan trọng trong việc bảo vệ, giữ gìn các giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc… Đến nay, toàn tỉnh đã công nhận 508.465 hộ “Gia đình văn hóa” (đạt 94,2% so tổng số hộ); 879 khóm/ấp văn hóa (đạt 100% so tổng số ấp). Ban Chỉ đạo công tác gia đình và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh đã duy trì và nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại các địa phương trong tỉnh. Toàn tỉnh đã có 729 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 708 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và 434 địa chỉ tin cậy cộng đồng tại các địa phương.
Phong trào xây dựng đời sống văn hóa đã lan tỏa mạnh mẽ không chỉ ở khu vực thành thị, mà còn ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với nhiều hoạt động phong phú, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện của từng địa phương gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã tạo nên sự thay đổi diện mạo các khóm, ấp, phun sóc. Ông Chau Sóc Kha (xã Văn Giáo, TX. Tịnh Biên) cho biết: “Ngoài việc gương mẫu chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, tôi còn tích cực vận động người thân và người dân tham gia các hoạt động xã hội - từ thiện, chung tay xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới”.
Phong trào xây dựng đời sống văn hóa ngày càng phát triển cả về số lượng, chất lượng và đi vào chiều sâu. Qua đó, xuất hiện nhiều gương điển hình “người tốt, việc tốt”, tập thể tiêu biểu trên tất cả các lĩnh vực, tạo động lực phát huy tài năng, trí tuệ của các cá nhân, tập thể trong học tập, lao động, sản xuất - kinh doanh, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội chăm lo đời sống Nhân dân, nhất là đối tượng chính sách, người nghèo, yếu thế trong xã hội. Qua đó, khơi dậy truyền thống đoàn kết, “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Tương thân, tương ái”, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống. Ông Nguyễn Văn Tính (ngụ xã Bình Hòa, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Khi cuộc sống gia đình ổn định, tôi cùng với bà con tham gia hoạt động an sinh xã hội, giúp đỡ người nghèo. Tùy theo khả năng của mình, giúp được gì cho bà con thì giúp, đóng góp cho xã hội được gì thì mình làm…”.
An Giang tiếp tục phát triển phong trào xây dựng đời sống văn hóa có chiều sâu, chất lượng, hiệu quả, thiết thực, hướng về địa bàn dân cư, với nhiều hoạt động phong phú, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa văn hóa, khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, rèn luyện sức khỏe, tạo sân chơi lành mạnh cho Nhân dân.