Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời
Hà Nội đã lựa chọn đọc sách là một trong những giải pháp thực hiện bởi đây là biện pháp tốt nhất để thúc đẩy việc học tập suốt đời, từ đó xây dựng thành công xã hội học tập.
Khái niệm "học tập suốt đời" và “xã hội học tập” được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công bố vào tháng 4/1996 và được thế giới thừa nhận như một triết lý của giáo dục thế kỷ XXI. Ngày nay, khái niệm này ngày càng được nhắc đến thường xuyên hơn và có mặt trong hầu hết các chiến lược, chính sách quốc gia về giáo dục của các nước trên thế giới. Trong quá trình phấn đấu trở thành thành viên mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO, Hà Nội đã lựa chọn đọc sách là một trong những giải pháp thực hiện bởi đây là biện pháp tốt nhất để thúc đẩy việc học tập suốt đời, từ đó xây dựng thành công xã hội học tập.
Đọc sách để tiếp cận văn minh nhân loại
Tại buổi lễ phát động Tuần lễ học tập suốt đời năm 2024, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho rằng, trong việc xây dựng xã hội học tập, không thể không nói đến việc đọc sách. Đây là cách học tốt nhất để tiếp thu nền văn hóa thế giới, là con đường ngắn nhất để tiếp cận với nền văn minh của nhân loại. Đọc sách là biện pháp tốt nhất để thúc đẩy việc học tập suốt đời, từ đó xây dựng thành công xã hội học tập.
Ngày nay, sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đưa thế giới đương đại bước vào kỷ nguyên số. Điều này có tác động không nhỏ đến thói quen đọc sách của mỗi người. Việc đọc sách đã không còn giới hạn ở những cuốn sách bằng giấy mà người đọc có thể tìm kiếm tri thức ở những cuốn sách điện tử; việc lưu trữ không nhất thiết phải trên những chiếc giá sách cồng kềnh trong thư viện truyền thống mà có thể được lưu trữ trên không gian mạng, dễ dàng kết nối mọi quốc gia và việc tìm kiếm trở nên rất dễ dàng. Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện ích của công nghệ số, sự phát triển của công nghệ hiện đại cũng làm giảm thói quen đọc sách của nhiều người, nhất là giới trẻ.
Em Dương Yến Trang, học sinh Trường Trung học Phổ thông Xuân Phương (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Em thích đọc sách từ hồi học tiểu học nhờ phong trào của cô giáo chủ nhiệm. Càng đọc sách em càng thấy có nhiều kiến thức quý giá có ích cho sau này. Cầm trực tiếp quyển sách, mở từng trang, mắt đọc, trí não tiếp nhận và suy nghĩ, cảm giác "thấm". Sách với em như một người bạn không thể thiếu hằng ngày, chỉ tiếc là không có nhiều bạn bè của em thích đọc sách”.
"Trong thời đại ngày nay, văn hóa nghe, nhìn đang có phần lấn át văn hóa đọc của cộng đồng, trong đó có giới trẻ. Cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội cũng khiến thói quen đọc sách bị ảnh hưởng. Xây dựng văn hóa đọc là việc nhà trường luôn chú trọng, lồng ghép vào các hoạt động thường xuyên, liên tục và nhận được sự hưởng ứng tích cực", cô giáo Bùi Thùy Linh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội) tâm sự.
Việc xây dựng văn hóa đọc đang được nhiều trường học tại Hà Nội nỗ lực thực hiện bằng cách đầu tư thư viện khang trang với nhiều đầu sách hấp dẫn, xây dựng tủ sách tại lớp học để lan tỏa niềm yêu thích đọc sách...
Nhà giáo Lưu Văn Thông, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng cho biết, nhà trường đã được đầu tư thư viện khang trang, hiện đại với hàng nghìn đầu sách đủ các thể loại. Các lớp học cũng xây dựng tủ sách với mong muốn chính các em sẽ lan tỏa niềm yêu thích đọc sách cho nhau. Ban đầu thí điểm ở hai lớp thuộc khối 6 và 7, sau đó nhân rộng ra toàn trường.
Cơ hội học tập suốt đời
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, trong một xã hội học tập, mọi người dân đều có cơ hội được học tập suốt đời. Xã hội đó có sự cam kết chính trị của các cấp lãnh đạo, có cơ sở pháp lý và chính sách khuyến khích học tập suốt đời cụ thể, phù hợp. Đồng thời có cơ sở hạ tầng và các phương tiện phong phú phục vụ cho việc học tập suốt đời; đặc biệt là có sự tham gia, vào cuộc có trách nhiệm của toàn xã hội, ban ngành, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, chương trình, dự án, gia đình, dòng họ, cộng đồng…
Tại Kế hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành viên Mạng lưới "Thành phố học tập toàn cầu" của UNESCO, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội được giao chủ trì triển khai nhiều nhiệm vụ. Trong đó có trực tiếp chỉ đạo các cơ sở giáo dục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tổ chức dạy học có nền nếp, chất lượng; thực hiện các nhiệm vụ học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập; khuyến khích học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học nghề, góp phần phân luồng học sinh sau tốt nghiệp. Hằng năm, Sở tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về chuyên môn, nghiệp vụ để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ; tạo mọi điều kiện, cơ hội để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ công tác; chỉ đạo hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên để đáp ứng nhu cầu học tập của mọi người dân.
Nhà giáo Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi vẫn thường trao đổi với các giáo viên, nhân viên và học sinh của trường về tầm quan trọng của việc học tập suốt đời. Trong đó, việc học tập của mỗi cá nhân không chỉ dừng lại trong một thời gian hay giai đoạn nhất định. Chúng ta không chỉ học tập khi ở trên ghế nhà trường mà còn cần học tập ngay cả khi đã đi làm, khi về già. Trong xã hội hiện đại, thế giới không ngừng thay đổi, việc học tập không ngừng đã trở thành việc tất yếu, là cách hiệu quả để chống chọi với những thách thức. Trong kỷ nguyên mới việc học lại càng quan trọng, bạn chỉ dừng 1 ngày là sẽ bị thế giới bỏ lại phía sau, vì vậy học tập chính là để hòa mình vào xã hội, tiến lên cùng xã hội”.
Với mong muốn chung tay xây dựng xã hội học tập, bảo đảm cho tất cả mọi người dân có cơ hội bình đẳng trong học tập, đào tạo, năm 2024, các trung tâm học tập cộng đồng thuộc 8 phường ở quận Tây Hồ (Hà Nội) đã tổ chức nhiều chuyên đề, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật, văn hóa xã hội, y tế, sức khỏe cộng đồng... Nhiều gia đình văn hóa, gia đình học tập, dòng họ học tập được xây dựng và duy trì. Nhiều chương trình, hoạt động khuyến học, khuyến tài đã giúp đỡ và tạo điều kiện cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống và có cơ hội được học tập, phát triển bản thân.
Tại trung tâm học tập cộng đồng 18 phường ở quận Hoàn Kiếm đã huy động gần 500 cộng tác viên, tổ chức 181 lớp chuyên đề với gần 15.300 lượt người dân tham gia. Các cơ sở giáo dục, thiết chế giáo dục khác trong quận cũng hoạt động sôi nổi, hiệu quả. Các cấp chính quyền và nhân dân luôn chú trọng các phong trào thi đua trong học tập, nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa đọc trong việc nâng cao tri thức, phát triển trí tuệ, lan tỏa giá trị văn hóa, góp phần hình thành con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp.