Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời
Với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin hiện nay đã tác động không nhỏ đến việc gìn giữ văn hóa đọc, nhất là trong giới trẻ. Thực tế là văn hóa nghe, nhìn đang có phần lấn át văn hóa đọc trong cộng đồng. 'Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời' được chọn làm chủ đề của Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm nay một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của việc gìn giữ văn hóa đọc trong cộng đồng xã hội.
Nhiều học sinh tìm mua sách tại Hội sách Đất Tổ.
Vượt qua hơn 80.000 bài dự thi đến từ 326 trường học trong tỉnh để trở thành 1 trong 2 thí sinh giành giải “Đại sứ văn hóa đọc tiêu biểu” tỉnh năm 2024 là kỷ niệm khó quên đối với Nguyễn Hải Âu - học sinh lớp 12 chuyên Sử, Trường THPT Chuyên Hùng Vương. Cuộc thi do Sở VH-TT&DL phối hợp cùng Sở GD&ĐT tổ chức hồi tháng 7 vừa qua nhằm góp phần khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc sách; đồng thời tôn vinh và truyền cảm hứng lan tỏa văn hóa đọc trong thế hệ trẻ.
Với mong muốn truyền hứng thú đọc sách đến với càng nhiều người càng tốt mà trước tiên là ngay trong chính ngôi trường mình đang theo học, Đại sứ văn hóa đọc Nguyễn Hải Âu chia sẻ: “Nhiều bạn từng tâm sự với em rằng chỉ cần đọc sách giáo khoa thôi là đủ, khi nào giáo viên yêu cầu mới tìm đến sách tham khảo, sách nâng cao. Mỗi bạn sở hữu một chiếc điện thoại thông minh có thể tìm kiếm bất kỳ thông tin gì trên đó, song phần lớn là dành thời gian để giải trí chứ ít tìm tòi, nghiên cứu. Các bạn chưa nhận ra giá trị quan trọng của sách như bản ghi chép của nhân loại giúp chúng ta hiểu biết về lịch sử, văn hóa, từ đó tôn lên niềm tự hào dân tộc. Qua các buổi tiếp xúc, trò chuyện, em muốn tạo sức lan tỏa văn hóa đọc cho mọi người và trước hết là chính bạn bè mình. Đọc sách không chỉ là giải trí mà còn là cách thu lượm kiến thức, góp phần nâng cao hiểu biết, vững vàng trong tương lai và trở thành công dân có ích cho xã hội”.
Trước khi có các phương tiện nghe nhìn, sách là con đường lớn nhất giúp con người tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức. Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Thế nhưng một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ ngày nay có vẻ thờ ơ, lãnh cảm với văn hóa đọc sách.
Tôi còn nhớ câu nói nổi tiếng của Nhà văn hóa Hữu Ngọc - người được coi là “cây cầu văn hóa Đông- Tây” từng khẳng định: “Bản thân hình ảnh thì thoảng qua, từ ngữ mới đọng lại lâu bền”. Điều đó cho thấy rằng, ngôn ngữ có tác dụng ăn sâu, tác động đến trí não người đọc bởi tính đa nghĩa và sức gợi mãnh liệt của nó. Thực tế nhiều bạn trẻ ngày nay không thấy rõ được vai trò quan trọng của đọc sách.
Xây dựng, duy trì, củng cố thói quen đọc sách là xây dựng một quá trình văn hóa, một việc làm rất thiết thực trực tiếp góp phần mở mang, phát triển tri thức từ mỗi người đến toàn xã hội. Thực hiện Văn bản số 5201/BGDĐT- GDTX ngày 09/9/2024 của Bộ GD&ĐT về việc tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai tổ chức Tuần lễ với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời” nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm, sự quan tâm và tham gia tích cực của các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, lực lượng xã hội trong việc xây dựng xã hội học tập, phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời.
Qua đó, đẩy mạnh vai trò của hệ thống cơ sở GD&ĐT trong việc hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến đọc đối với cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên, sinh viên và người dân, góp phần đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân; đa dạng hóa các hình thức học tập, trong đó đọc sách là một hoạt động học phổ biến và có hiệu quả giúp mở rộng kiến thức, phát triển tư duy, cải thiện, phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp...
Căn cứ vào chủ đề năm 2024 và điều kiện cụ thể, các cơ quan, đơn vị, địa phương, các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND cấp huyện tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 với hình thức, nội dung phù hợp, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả; chú trọng địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn, nhằm tạo sự hưởng ứng của xã hội một cách sâu rộng, đưa chủ đề của Tuần lễ vào cuộc sống một cách thiết thực.
Theo đó, các hoạt động trọng tâm cần triển khai như tổ chức các hội sách để giới thiệu sách mới; thành lập các câu lạc bộ đọc sách báo theo chủ đề, độ tuổi, giúp mọi người cùng nhau đọc và chia sẻ cảm nhận; tổ chức các cuộc thi viết, vẽ, kể chuyện dựa trên sách báo để kích thích sự sáng tạo và yêu thích đọc sách báo; tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về đổi mới thư viện trường học và phát triển văn hóa đọc trong cơ sở giáo dục, cộng đồng; tổ chức các sự kiện, các hoạt động giao lưu, các cuộc thi, các buổi tọa đàm,... nhằm khuyến khích học sinh, học viên, sinh viên, giáo viên, cán bộ quản lý, người dân đọc sách; phát động học sinh, học viên, sinh viên và mọi người dân quyên góp sách xây dựng tủ sách lớp học cho các trường vùng sâu, vùng xa.
Cùng với đó, cần tăng cường các hoạt động thư viện trường học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tối ưu hóa nền tảng công nghệ, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng hoạt động thư viện; giới thiệu, nhân rộng các mô hình quản lý, tổ chức các hoạt động thư viện trường học tiêu biểu, điển hình. Huy động các tổ chức, cá nhân đầu tư thiết bị, tủ sách, sách cho các cơ sở giáo dục và đào tạo, đặc biệt là các trường, điểm trường vùng khó khăn; huy động cha mẹ học sinh tích cực tham gia xây dựng tủ sách lớp học, tủ sách phụ huynh.
Đa dạng hóa các dịch vụ thư viện; đẩy mạnh dịch vụ thư viện lưu động tại các địa phương, nhất là ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; tăng cường luân chuyển sách, báo, tài liệu giữa các thư viện, chú trọng luân chuyển từ hệ thống thư viện công cộng tới các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đến các trường học, trại giam; tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động thư viện trường học nhằm tạo môi trường thuận lợi cho học sinh tiếp cận thường xuyên với sách bằng nhiều hình thức như “thư viện xanh”, “thư viện thân thiện”, “tủ sách góc lớp”...
Đa dạng hoạt động hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời sẽ thiết thực góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về ý nghĩa mà văn hóa đọc mang lại, thúc đẩy hình thành nhân cách mỗi con người. Khẳng định vai trò quan trọng của việc đọc đối với mỗi cá nhân và sự phát triển của xã hội, bất cứ thời đại nào cũng coi trọng việc đọc và đọc sách chính là phương pháp tự học hiệu quả nhất, là con đường dẫn tới thành công.