Phát triển văn hóa, con người Tiền Giang trong thời kỳ mới

Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Tiền Giang đã dành nhiều sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Tiền Giang phù hợp với xu hướng hội nhập và phát triển. Qua đó, phát huy các tiềm năng, thế mạnh, đặc thù vùng đất, con người Tiền Giang, tạo ra những thay đổi tích cực cho xã hội.'VĂN HÓA LÀ HỒN CỐT CỦA DÂN TỘC'

Trong từng giai đoạn lịch sử cách mạng, đặc biệt, gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng ta luôn đề cao tầm quan trọng, vị trí, vai trò của văn hóa, nhất là việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xem đây là “nguồn lực nội sinh” quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang dự Hội thảo “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển”.

Từ quan điểm, chủ trương của Đảng đến những thành tựu nổi bật, kinh nghiệm trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hệ thống hóa trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Nội dung của cuốn sách được đúc kết, chọn lọc từ các bài phát biểu, bài nói, lược ghi, trả lời phỏng vấn… của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi còn giữ các chức vụ quan trọng trong Bộ Chính trị với những dẫn chứng rất sinh động, lập luận thuyết phục, định hướng mang tầm chiến lược, bao quát, nhìn xa trông rộng, lại vừa rất cụ thể, gần gũi.

Cuốn sách là minh chứng cho thấy bước trưởng thành, phát triển về nhận thức, tư duy lý luận và năng lực lãnh đạo của Đảng, của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.

Đặc biệt, khi giữ vai trò Tổng Bí thư, phát biểu tại nhiều diễn đàn hội nghị, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tầm quan trọng của văn hóa “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”, nên văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, thống nhất trong đa dạng, với những đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Do đó, phải làm cho văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tư tưởng văn hóa của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được khẳng định xuyên suốt, nhất quán rằng “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn...”.

Quan điểm đó được xem là “kim chỉ nam” quan trọng, định hướng cho sự phát triển của nền văn hóa dân tộc trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay.

XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, CON NGƯỜI TIỀN GIANG

Tại Tiền Giang, nhằm hiện thực hóa quan điểm, chỉ đạo của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể các cấp trên địa bàn tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Tiền Giang. Nổi bật nhất trong thời gian qua là việc tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết 33 ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (Nghị quyết 33) đã đạt được những kết quả quan trọng.

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Tiền Giang, từ năm 2010 đến nay, Tiền Giang đã xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả các đề án về “Phát triển văn hóa nông thôn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến năm 2020”; “Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống gia đình Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020”; “Bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2016 - 2020, giai đoạn 2021 - 2025”; “Thí điểm nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, phường trên địa bàn TX. Gò Công năm 2020”; “Nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà Văn hóa xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2021”; “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”…

Các nội dung, phương thức hoạt động đa dạng, phong phú của các đề án đã góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân; giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; cổ vũ, động viên nhân dân tích cực thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương giàu đẹp, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần tạo môi trường văn hóa lành mạnh trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cụ thể hóa nội dung Nghị quyết của Trung ương, Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Kế hoạch của UBND tỉnh bằng các hoạt động, nhiệm vụ cụ thể, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Tiền Giang đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ được tổ chức thường xuyên, liên tục, gắn với các ngày lễ tết, các sự kiện chính trị của đất nước, của địa phương, hướng đến giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao trong mỗi chương trình biểu diễn, mỗi tác phẩm văn học, nghệ thuật. Tính đến năm 2024, trên địa bàn tỉnh có trên 150 câu lạc bộ đờn ca tài tử; 170 đội văn nghệ quần chúng; 8 đơn vị nghệ thuật hoạt động theo phương thức xã hội hóa; 12 đội tuyên truyền lưu động…

Theo Sở VHTT&DL, môi trường sinh hoạt văn hóa từng bước cải thiện, các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới... Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã đầu tư xây dựng Quảng trường Hùng Vương là không gian sinh hoạt cộng đồng với quy mô lớn; xây dựng Nhà Thiếu nhi tỉnh và nhiều công trình văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân. Các địa phương đã xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp các Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà Văn hóa cấp xã; Nhà Văn hóa ấp (liên ấp) đạt chuẩn theo quy định...

Hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp được duy trì cả nghệ thuật truyền thống và hiện đại; văn nghệ quần chúng diễn ra sôi nổi, thu hút nhiều người dân tham gia, xuất hiện nhiều nhân tố mới từ phong trào. Việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, di sản văn hóa, các lễ hội truyền thống được chú trọng. Đặc biệt, đã tổ chức thành công nhiều lễ hội lớn của tỉnh, như: Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp; Lễ hội Trương Định; Lễ hội Trái cây Tiền Giang; Đường hoa Xuân và các hoạt động vui xuân đón Tết cổ truyền của dân tộc từ tỉnh đến cơ sở... tạo được dấu ấn với người dân trong và ngoài tỉnh, góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người Tiền Giang đến với bạn bè quốc tế.

Có thể nói, cùng với cả nước, việc gìn giữ, vun đắp và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên được cấp ủy, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh Tiền Giang chú trọng triển khai thực hiện, phù hợp với đặc thù của tỉnh, với đặc trưng riêng của con người Tiền Giang. Từ đó, tạo nền tảng vững chắc, nguồn lực và sức mạnh nội sinh quan trọng để xây dựng, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển bền vững.

HOÀI THU - HẢI ĐĂNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202410/phat-trien-van-hoa-con-nguoi-tien-giang-trong-thoi-ky-moi-1025129/
Zalo