Phát triển văn hóa bằng cách 'lấy văn hóa nuôi văn hóa', tránh xây nhiều công trình để lãng phí

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh điều này tại Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, sáng 8/10.

Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp được bố trí tối thiểu 77.000 tỷ đồng; ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng và vốn huy động hợp pháp khác khoảng 15.000 tỷ đồng. Tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỷ đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo thẩm tra.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo thẩm tra.

Thời gian thực hiện Chương trình trong 11 năm, chia làm các giai đoạn. Cụ thể, trong năm 2025 sẽ thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của chương trình, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý… Giai đoạn 2026 - 2030, tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua; triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến 2030. Đến giai đoạn 2031 - 2035, tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Qua thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cơ bản nhất trí với dự kiến tổng mức đầu tư và các nguồn vốn để thực hiện Chương trình, bởi việc bố trí nguồn lực thỏa đáng là cần thiết để cụ thể hóa đầy đủ, hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa. Tuy nhiên, dẫn ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, tổng mức đầu tư của Chương trình rất lớn, ông đề nghị cần đánh giá kỹ quy mô, khả năng huy động, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn lực quốc gia, sử dụng hiệu quả ngân sách.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thảo luận tại phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thảo luận tại phiên họp.

Về dự kiến kế hoạch bố trí và tiến độ nguồn vốn, Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cân nhắc, điều chỉnh mức phân bổ kinh phí theo hướng tập trung nhiều hơn cho giai đoạn 2028 - 2030 để phù hợp với thực tiễn công tác chuẩn bị và triển khai thực hiện. Ngoài ra, Ủy ban Văn hóa cũng đề nghị Chính phủ xác định rõ nguồn vốn thực hiện Chương trình năm 2025 trong kế hoạch phân bổ vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để có cơ sở triển khai thực hiện.

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định băn khoăn về việc bố trí vốn chương trình năm 2025, liệu có bố trí được vốn không, nếu có thì có tiêu được 400 tỷ đồng trong năm này không? Từ đó, ông đề nghị nên tập trung phát triển vào những ngành không cần dùng nhiều ngân sách Nhà nước (NSNN). Chẳng hạn, tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc, sẻ chia trong công tác phòng, chống lụt bão giai đoạn vừa qua, từ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lực lượng Công an, Quân đội, các cấp, ngành, địa phương đến người dân, nhiều người dân nghèo từ miền Nam xa xôi cũng hỗ trợ đồng bào miền Bắc.

"Có những xã nghèo được báo chí phỏng vấn họ nói, khi chúng tôi khó khăn, đồng bào miền Bắc chia sẻ ngọt bùi với chúng tôi, thì nay người miền Bắc gặp khó khăn, xã phát động mỗi gia đình dù hộ nghèo góp 500 nghìn đồng. Đó cũng chính là văn hóa. Có những thứ không cần đến NSNN, chỉ cần động viên, giáo dục truyền thống mà đẩy lên được chính là văn hóa", Phó Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Toàn cảnh hội trường.

Toàn cảnh hội trường.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng, cần đầu tư vào công nghiệp văn hóa để tăng nguồn thu, "lấy văn hóa để nuôi văn hóa" vì NSNN đâu có nhiều. "Phát triển văn hóa để lấy văn hóa nuôi văn hóa, bảo tồn, bảo tàng di tích thì nên, đầu tiên lấy ngân sách chi cho duy tu, bảo dưỡng, quảng bá, sau đó mình thu tiền từ việc thu phí tham quan. Nên giảm bớt những vấn đề xây dựng vì tiền bỏ ra xây dựng không biết bao nhiêu cho đủ, xây thêm công trình hoành tráng xong mà không phát huy hiệu quả thì không nên xây, nhiều cơ sở văn hóa xây xong để lãng phí lắm...", ông chia sẻ, đồng thời đề nghị rút kinh nghiệm từ 3 Chương trình MTQG trước đây, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đồng tình với Báo cáo thẩm tra, đề nghị Chính phủ xem xét tính khả thi của 2 mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Mục tiêu số 5, Phấn đấu 100% các đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; và Mục tiêu số 6, 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa, vì có thể là khó đạt được.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, việc bàn các giải pháp đầu tư Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 là để thực hiện Nghị quyết của Đảng, đặc biệt cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu rất quan trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc về năm 2021. Từ đó đến nay, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, địa phương đã quan tâm đến văn hóa nhiều hơn, chuyển biến nhận thức để làm sao lo cho sự phát triển văn hóa của đất nước, bởi như cố Tổng Bí thư nói: "Văn hóa còn thì dân tộc còn và ngược lại, văn hóa mất thì dân tộc mất". Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch tiếp tục rà soát, đảm bảo tính khả thi, đồng bộ của Chương trình, mục tiêu tổng quát phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa con người Việt Nam...

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/phat-trien-van-hoa-bang-cach-lay-van-hoa-nuoi-van-hoa-tranh-xay-nhieu-cong-trinh-de-lang-phi-i746508/
Zalo