Phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới
Chiều 25/4, tại Viện Nghiên cứu hạt nhân (số 1 Nguyên Tử Lực, Đà Lạt) đã diễn ra hội thảo 'Phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới' do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp cùng UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức.

Đồng chí Huỳnh Thành Đạt và đồng chí Trần Hồng Thái chủ trì hội thảo
Đồng chí Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; đồng chí Trần Hồng Thái - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã chủ trì hội thảo.

Quang cảnh hội thảo
Cùng dự có đồng chí Phạm Thị Phúc - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng; TS.Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, đồng chí Lê Thị Ngân - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; PGS.TS.Nguyễn Nhị Điền - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, Chủ tịch Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành của 3 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Khánh Hòa; các nhà khoa học, nhà quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Viện Nghiên cứu hạt nhân.

Đồng chí Huỳnh Thành Đạt phát biểu đề dẫn
Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đã khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển đất nước, trong đó có ứng dụng phát triển điện hạt nhân. Việc tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam là chủ trương đúng đắn của Đảng đối với vấn đề chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường bảo vệ môi trường; thực hiện tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; chuyển dịch năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới.

Đại biểu dự hội thảo
Trong tham luận “Công nghệ và an toàn, phát triển điện hạt nhân trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước”, TS.Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đã đi sâu vào các vấn đề về lịch sử phát triển của ngành hạt nhân; công nghệ điện hạt nhân; an toàn điện hạt nhân; Chương trình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam. Qua đó cung cấp nhiều thông tin và hàm lượng khoa học: Công nghệ hạt nhân phát triển mạnh mẽ từ thập niên 60 của thế kỷ XX, nhà máy điện hạt nhân được triển khai xây dựng ở nhiều nước cho đến những năm cuối thế kỷ XX. Có 3 loại công nghệ chủ yếu là lò nước áp lực, lò tái sinh nhanh, lò nước sôi và lò nước lặng phổ biến trên thế giới. An toàn điện hạt nhân là nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo các nhà máy điện hạt nhân vận hành an toàn, hiệu quả, hiểu biết về an toàn hạt nhân là cần thiết để đồng hành cùng nhà máy điện hạt nhân.

TS.Trần Chí Thành phát biểu tham luận
Việt Nam đã nỗ lực triển khai các dự án điện hạt nhân, đã quy hoạch 8 địa điểm, đã khảo sát kỹ 2 địa điểm tại Ninh Thuận, đã xây dựng hệ thống pháp quy để phát triển điện hạt nhân, đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân, triển khai 2 dự án tại Ninh Thuận. Việc chuẩn bị để phát triển điện hạt nhân cần thời gian dài, trong đó nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để thành công, cần quan tâm đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực hạt nhân; đồng thời hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống pháp quy hạt nhân (nghiên cứu, sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử) là nhiệm vụ cần thiết.

PGS.TS Nguyễn Nhị Điền chuyên gia đầu ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam phát biểu tham luận và đóng góp nhiều ý kiến thiết thực
Tham luận “Ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội” PGS.TS Nguyễn Nhị Điền đã cung cấp các thông tin về bức xạ Ion hóa và làm rõ những giá trị của ứng đụng năng lượng nguyên tử đối với đời sống con người như: y tế, nông nghiệp, công nghiệp, bảo vệ môi trường. Cụ thể, ứng dụng bức xạ và đồng vụ phóng xạ trong y học hạt nhân, xạ trị, sản xuất thuốc phóng xạ, điện quang; ứng dụng bức xạ và đồng vụ phóng xạ vào phục vụ kiểm tra và đảm bảo chất lượng xây dựng công trình, hệ thống đường ống công nghiệp trong các ngành dầu khí, nhiệt điện, hóa chất, điều khiển và giám sát các dây chuyền sản xuất công nghiệp. Tăng cường hiệu quả sản xuất, giảm thiểu nguy cơ, tiết kiệm chi phí, không làm ảnh hưởng đến quá trình làm việc của các hệ công nghệ, cho phép đo trong điều kiện nhiệt độ và áp suất cao. Có thể kể các lĩnh vực ứng dụng chủ yếu: Kiểm tra không phá hủy, hệ điều khiển hạt nhân, kỹ thuật đánh dấu PX và không PX, chiếu xạ công nghiệp, xử lý bức xạ: biến tính vật liệu. Chọn tạo giống bằng chiếu xạ gây đột biến đã tạo trên 80 giống cây trồng năng suất chất lượng; chiếu xạ kiểm dịch bảo quản thực phẩm; tạo ra các chế phẩm sinh học bảo vệ cây trồng. Áp dụng kỹ thuật đánh dấu đồng vị, thủy văn đồng vị để bảo vệ tài nguyên, môi trường, các lĩnh vực ứng dụng như: địa chất, khoáng sản, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, khí tượng thủy văn; cụ thể, xác định hướng dòng chảy, nước ngầm, xói mòn bề mặt, bồi lấp dòng hải lưu, theo dõi và xác định nguồn gây ô nhiễm…

Đại biểu đến từ các tỉnh Khánh Hòa nêu ý kiến
Các nhà khoa học, nhà quản lý khoa học, công nghệ đến từ 3 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Khánh Hòa đã nêu nhiều ý kiến, thể hiện trách nhiệm và sự đồng thuận cao với việc thực hiện các dự án điện hạt nhân.

Đại biểu đến từ tỉnh Ninh Thuận nêu ý kiến
Các báo cáo tham luận và ý kiến trao đổi tại hội thảo thể hiện tinh thần trách nhiệm, có cơ sở khoa học vững chắc và thực tiễn phong phú, có tầm nhìn chiến lược, đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề quan trọng việc phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử, đặc biệt là điện hạt nhân.

Giới thiệu thành tựu ứng dụng năng lượng hạt nhân
Hội thảo đã đạt thống nhất đánh giá điện hạt nhân là nguồn điện ổn định, sạch, có tiềm năng lớn, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thực hiện tăng trưởng xanh, hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hội thảo làm rõ công nghệ hiện danh đảm bảo an toàn hiện nay có tiến bộ vượt bậc so với trước đây; làm rõ những lợi ích từ khoa học đến thực tiễn của việc xây dựng điện hạt nhân đảm bảo an toàn, an ninh, an sinh xã hội cho Nhân dân. Những ứng dụng của năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội đã nhấn mạnh tiềm năng to lớn của các ứng dụng bức xạ trong y học, nông nghiệp, công nghiệp, tài nguyên môi trường góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Tham quan quy trình vận hành lò phản ứng hạt nhân
Về công tác tuyên truyền và tạo sự đồng thuận xã hội, nhiều ý kiến cho rằng phải chủ động, bài bản và nhân văn trong truyền thông chính sách, để cho mọi người dân hưởng ứng, tin tưởng, tự hào về sự phát triển của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam, trong đó có phát triển điện hạt nhân. Từ đó tạo ra sức mạnh mềm từ lòng dân để thúc đẩy thực hiện thành công Chương trình điện hạt nhân.

Tham quan quy trình vận hành lò phản ứng hạt nhân
Nhân dịp này, các đại biểu tham dự hội thảo đã tham quan thực tế Lò phản ứng hạt nhân, tìm hiểu quy trình vận hành, đảm bảo an toàn, những ứng dụng thiết thực trong đời sống.

Tham quan quy trình vận hành lò phản ứng hạt nhân

Tham quan quy trình vận hành lò phản ứng hạt nhân